Phát triển đô thị thông minh bằng kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ mới
Ngày 2/12, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội tổ chức Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 chủ đề “Đô thị Thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững”.
Hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm; Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cùng hơn đông đảo đại biểu từ 28 tỉnh, thành và đại diện các quốc gia, nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định: Hội nghị "Thành phố Thông minh Việt Nam - Châu Á 2024” không chỉ là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 mà còn là diễn đàn lớn để Hà Nội và các địa phương khác tại Việt Nam và quốc tế cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến một tương lai đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Với chủ đề xuyên suốt “Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững”, hội nghị phản ánh những trụ cột chính trong tầm nhìn chiến lược, “ tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu“ trong phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong khu vực. Đồng thời, cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng nhau thảo luận, xây dựng những giải pháp đột phá trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), giao thông thông minh, năng lượng sạch, và môi trường bền vững nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững...
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho rằng, cùng với Hà Nội, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đã ghi nhận những bước tiến lớn trong việc xây dựng thành phố thông minh. Có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh, hơn 50 địa phương đã triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và gần 200 IOC cấp huyện. Hầu hết các đô thị xây dựng những ứng dụng thông minh để hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tính đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%, đóng góp 70% GDP cho cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của châu Á.
Tuy nhiên bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong biến động không ngừng của chính trị, kinh tế, công nghệ. Và chỉ có kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ mới có thể là câu trả lời cho bài toán phát triển đô thi thông minh. Do đó, cần tập trung thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống, tạo ra sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa và tập trung vào những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có được sức hấp dẫn lớn như bán dẫn, AI..
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội khẳng định: Dữ liệu sẽ mở ra không gian phát triển mới cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời trở thành nguồn lực cốt lõi để thúc đẩy Hà Nội phát triển thành đô thị thông minh, hiện đại, vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Dữ liệu là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của thành phố. Không chỉ vậy, dữ liệu còn là nền tảng đảm bảo mục tiêu xây dựng Hà Nội thành một thành phố thông minh, tiên tiến, thành phố kết nối toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường quản lý và thúc đẩy sự thịnh vượng cho Thủ đô trong dài hạn. Do đó, Hà Nội đã có những quan điểm rất rõ ràng và cụ thể về dữ liệu như: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp thông qua dữ liệu; bảo mật và quyền riêng tư là ưu tiên hàng đầu; đảm bảo tính liên thông và tương thích giữa các hệ thống dữ liệu; minh bạch và trách nhiệm giải trình; thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch chung, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến áp dụng các quy hoạch, quy chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về dữ liệu...
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp về phát triển thành phố thông minh đã chia sẻ nhiều nội dung, bài học kinh nghiệm liên quan đến thực trạng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và tiêu chí đánh giá đô thị thông minh bền vững; ứng dụng AI và khai phá dữ liệu lớn phục vụ phát triển thành phố thông minh; AI và dữ liệu lớn...