Nhà khoa học gắn bó với nhiều nghiên cứu phục vụ an ninh quốc phòng

Thứ Tư, 27/05/2020, 08:47
Luôn đầy ắp những ý tưởng sáng tạo, nhà khoa học Ngô Mạnh Tiến - Trưởng phòng Tự động hóa của Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam – đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao trong đời sống, đặc biệt là phục vụ an ninh, quốc phòng, như kính nhìn đêm, quang điện tử và mới nhất là robot gắn trí tuệ nhân tạo và buồng khử khuẩn tự động hóa hoàn toàn.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Thế Duy, cùng đoàn công tác của Bộ KH&CN về xây dựng chiến lược Quốc gia phát triển trí tuệ nhân tạo trong chuyến công tác tại Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, đã đến thăm TS. Tiến và những con robot vào tuần trước cùng những lời đánh giá cao, cho thấy nghiên cứu khoa học đầy tính ứng dụng của anh có tính thuyết phục thế nào.

Những “cơn mưa” giải thưởng

Không mấy ai nghĩ rằng, nhà khoa học trẻ là cha đẻ của những con robot mang trí tuệ nhân tạo rất hữu ích lại từng có những năm tháng sinh viên đầy khó khăn. Cũng như các bạn sinh viên những năm cuối 1990 đầy khó khăn ấy, ngoài học tập, Tiến cũng phải bươn trải để có thể tiếp tục học tập. 

TS. Ngô Mạnh Tiến kiểm tra tay của robot thông minh.
Nhưng những khó khăn của cuộc mưu sinh đã không hề làm vơi những ý tưởng sáng tạo của chàng sinh viên chuyên ngành tự động hóa của Trường Đại học Bách Khoa, mà còn thôi thúc anh luôn hướng các kết quả nghiên cứu của mình đến các ứng dụng hữu ích, thương mại được.

Từ thời đó, Ngô Mạnh Tiến đã bộc lộ phẩm chất của một nhà khoa học với những sáng tạo mang đến cho anh hàng loạt giải thưởng, giải nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH_ của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, giải nhì Sinh viên NCKH của Bộ GDĐT, giải nhì Giải thưởng của quỹ sáng tạo KHCN Việt Nam Vifotec năm 2001… là những giải thưởng khởi đầu cho quá trình bước vào con đường NCKH. 

“Khi là sinh viên năm cuối, tôi và cô bạn cùng lớp đã tham gia cuộc thi. Kết thúc cuộc thi, chúng tôi mang về cả chồng Bằng khen cùng các giải thưởng. Nhưng cái được lớn nhất từ cuộc thi này là sau đó, cô bạn học khi ấy đã trở thành bạn đời của tôi” – Tiến kể lại với một nụ cười hóm hỉnh.

TS. Ngô Mạnh Tiến (đứng, áo kẻ xanh) và nhóm sáng chế.

Những giải thưởng đó “trải đường” để Tiến bước chân vào làm việc tại Viện Vật Lý - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Ở đây, anh được các thế hệ đi trước rèn luyện, giúp đỡ hết mình. 

Trong câu chuyện với chúng tôi, TS. Ngô Mạnh Tiến luôn nhắc tới GS. Phan Xuân Minh – ĐH Bách Khoa Hà Nội, người đã hướng dẫn và dìu dắt Anh trong suốt quá trình từ bậc ĐH đến Tiến sỹ. Và TS. Hoàng Ngọc Minh - người Trưởng phòng ở Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN là một người anh, người thầy đã truyền lửa cho anh trong những năm tháng đầu tiên anh chính thức bước vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học. 

Đó là những nhà giáo, nhà khoa học đầy nhiệt huyết, được đào tạo bài bản ở Đức, luôn khắt khe và yêu cầu hoàn thiện từ các việc nhỏ nhất, có tính kỷ luật cao và niềm say mê sáng tạo. Những điều đó đã lan tỏa sang anh, định hình một người làm khoa học đam mê và sáng tạo.

Năm 2010 là năm bước ngoặt của Ngô Mạnh Tiến, khi anh được mời cộng tác tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội vừa thành lập. Là người khá nổi danh trong chuyên ngành tự động hóa từ khi còn là sinh viên, Tiến luôn nhận được rất nhiều lời mời của các trường đại học danh tiếng, nhưng anh vẫn chọn công tác với ngôi trường nghề này.

Bởi Tiến bảo, những năm tháng lăn lộn với thực tế rất sớm, luôn tham gia các đề tài mà sản phẩm phải được ứng dụng, đã cho anh có những trải nghiệm sâu sắc, giúp ích cho anh trong hành trình nghiên cứu khoa học. 

Anh hiểu rằng, một người thợ giỏi là một mắt xích vô cùng quan trọng trong hệ thống tự động hóa, là công đoạn cuối để “biến” những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thành hiện thực. Các công trình nghiên cứu không thể ứng dụng nếu thiếu những người thợ lành nghề. Dù các nhà khoa học có nghiên cứu nhiều đến đâu mà không có người thực hiện, triển khai thì mãi mãi những ý tưởng đó chỉ nằm trên giấy. Bởi vậy, anh xác định đào tạo nghề cần phải được chú trọng và nó là nền tảng của hệ thống đào tạo.

Với tinh thần đó, suốt những năm là công tác viên của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Tiến đã góp phần không nhỏ để đào tạo các thế hệ học sinh có tay nghề cao, đã được khẳng định qua hàng loạt giải thưởng quốc tế và quốc gia. Ở đây, Tiến đã tìm thấy cơ hội phát triển chuyên ngành của mình, bằng việc kết nối các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo Đại học, Học viện và Doanh nghiệp để hỗ trợ công tác nghiên cứu, ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

Nhóm nghiên cứu gồm nhiều cựu sinh viên, sinh viên ngành Điều khiển tự động, Tự động hoá, CNTT của BKHN và sinh viên điện tử, cơ khí của ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Dưới sự dẫn dắt của anh, nhiều thế hệ sinh viên ở ngôi trường nghề của Hà Nội đã trưởng thành qua các cuộc thi Robocon, thi tay nghề giỏi nghề tự động hóa, cơ điện tử, thi thiết bị đào tạo nghề tự làm. Suốt gần 10 năm qua, thầy trò anh luôn thống lĩnh các cuộc thi về robocon, thi tay nghề giỏi khi liên tiếp đạt 8 Huy chương Vàng Quốc gia, 4 HCV, 2 HCB tại các cuộc thi tay nghề ASEAN nghề Tự động hóa công nghiệp.

Nhà khoa học trẻ luôn tự hào về những học trò của mình – những cộng sự thân thiết trong nghiên cứu khoa học. “Nếu có ai đó hỏi tôi, sản phẩm NCKH nào của mình đã được ứng dụng hiệu quả? tâm đắc nhất? Điều tâm đắc nhất của tôi chính là sản phẩm con người mà mình đã trực tiếp đào tọa, hướng dẫn chứ không phải sản phẩm máy móc” – TS. Tiến chia sẻ.

Trưởng thành từ thực tế, TS. Ngô Mạnh Tiến cũng có cách nhìn người rất riêng. Anh không quá coi trọng bằng cấp, trình độ mà luôn đánh giá cao những sinh viên có niềm đam mê nghề nghiệp, đam mê khoa học, những bạn trẻ có sự trải nghiệm thực tế. Bởi khi đủ đam mê, sẽ đủ tình yêu để vượt qua mọi khó khăn trên con đường làm khoa học, để đi tới cùng khát vọng của mình.

Kế thừa đầy sáng tạo

Cùng với việc đào tạo những người thợ lành nghề trẻ, TS. Ngô Mạnh Tiến còn không ngừng thực hiện đam mê nghiên cứu khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Bởi thế, những công trình đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc phòng bằng các nghiên cứu chế tạo kính nhìn đêm, quang điện tử phục vụ an ninh, quốc phòng,…là hành trang đầy tự hào mà anh đã có.

Năm 2020 tiếp tục đánh dấu một thành công mới khi Tiến được Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo robot dạng người thông minh IVASTBot ứng dụng trong giao tiếp, phục vụ con người”.

Robot gắn trí tuệ nhân tạo phục vụ lễ tân và vận chuyển.

Công trình nghiên cứu bắt đầu từ 1/2020, đúng vào thời gian dịch COVID-19 lan rộng ở Việt Nam và trên thế giới. Khó khăn chồng chất khó khăn, khi kinh phí chưa có, chế tạo robot dạng người là kỹ thuật liên ngành, phần cơ khí, động lực và chế tạo vỏ rất quan trọng, trong khi cơ khí nền tảng của Việt Nam còn yếu. Cầu hàng không giữa các nước bị cắt, nên các thiết bị cần thiết đều phải tự chế tạo, trong khi xưởng sản xuất, phòng nghiên cứu đều rất chật hẹp, thiếu thốn đủ bề.

Để giải quyết khó khăn, nhóm nghiên cứu quyết định hợp tác với doanh nghiệp để được đầu tư kinh phí, sử dụng trang thiết bị máy móc, nhà xưởng của Doanh nghiệp hỗ trợ.

Công trình nghiên cứu robot thông minh triển khai khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, anh và nhóm nghiên cứu – những sinh viên xuất sắc của Đại học Bách Khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội - vẫn phải “lén lút” đến nơi làm việc, để tránh bị bảo vệ đuổi về, dù cả nhóm luôn ý thức cao việc đảm bảo phòng, chống dịch.

Và rồi, chú robot gắn trí tuệ nhân tạo đã ra đời vào chính thời điểm cam go nhất của dịch COVID-19.

Nhóm nghiên cứu gồm nhiều cựu sinh viên, sinh viên ngành Điều khiển tự động, Tự động hoá, CNTT của BKHN và sinh viên điện tử, cơ khí của ĐH Công nghiệp Hà Nội.

“Robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo của chúng tôi có thể nhìn và nhận dạng được môi trường, trang bị các sensor để bàn đồ hóa môi trường hoạt động, có trí nhớ, có thể nghe được hiệu lệnh của người, di chuyển thông minh theo lộ trình hoạch định và tránh được vật cản tĩnh và động trong quá trình hoạt động và di chuyển. Những tính năng này được hiện thực hóa bởi robot được cài đặt các thuật toán ứng dụng trí tuậ nhân tạo và lâp trình trên các phần mềm, phần cứng chuyên dụng và hiện đại nhất. Robot này có thể sử dụng tại các bệnh viện trong mùa dịch truyền nhiễm sẽ rất hiệu quả, khi giúp mang đồ ăn, thuốc men hỗ trợ người bệnh với tải trọng lên đến gần 100 kg; hay thay nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn các khu vực cách ly, giúp giảm nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh cho nhân viên y tế” – TS. Tiến chia sẻ.

Ngoài việc có thể phục vụ tốt trong các Bệnh viện, mục tiêu chính của sản phẩm của Tiến là  đưa vào phục vụ khách hàng trong cơ quan công sở, lễ tân ngành ngân hàng, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, du lịch, sẽ mang đến những trải nghiệm mới lạ, đầy thú vị cho khách hàng, góp phần thu hút du khách sử dụng dịch vụ, làm gia tăng đáng kể doanh thu.

Đặc biệt, với các tính năng hoạt động và di chuyển thông minh hiện tại, đã có các Doanh nghiệp đặt hàng, hợp tác và đầu tư để ứng cụng công nghệ cho các xe tự hành, robot tự hành vận chuyển AGV trong các nhà máy, nhằm thay thế các AGV hiện tại đang hoạt động và di chuyển theo các vạch kẻ đường, vạch từ kẻ sẵn dẫn đến hạn chế trong vận hành và phát sinh nhiều công, kinh phí làm vạch và bảo dưỡng hiện tại .

Chia sẻ về công trình nghiên cứu của mình, TS. Ngô Mạnh Tiến cho biết gần 20 năm trước, anh đã nghiên cứu lĩnh vực này như các hệ điều khiển mờ, mạng nơ ron, các hệ chuyên gia, song khi ấy, các bộ vi xử lý, thiết bị phần cứng còn chưa theo kịp để hiện thực hóa các mô phỏng của các nhà khoa học. Giờ đây, khi công nghệ phát triển, đã có các bộ vi xử lý hiệu năng cao chuyên dụng, thiết bị phần cứng như camera 3D, cảm biến laser scan…vv, đặc biệt nhóm nghiên cứu là tập hợp gồm các sinh viên tài năng đam mê, và có sự hỗ trợ tối đa của các học trò cũ hiện đang là nhà khoa học trẻ của Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài hỗ trợ, anh cùng các cộng sự đã thực hiện được những sáng tạo của mình.

Không chỉ nghiên cứu và chế tạo robot thông minh, giữa lúc dịch COVID-19 hoành hành, kế thừa những nghiên cứu của các thế hệ đi trước, TS. Tiến và các nhà khoa học trẻ đã  phát minh ra buồng khử khuẩn tự động hóa để khử khuẩn tài liệu và khử khuẩn người.

Khác với những buồng khử khuẩn đã ra đời trong thời gian gần đây, buồng khử khuẩn của TS. Tiến và cộng sự hoàn toàn tự động hóa: quá trình mở đóng cửa vào/ra, quá trình phun khí và dung dịch đều được khống chế nồng độ và tự động hóa hoàn toàn nên người đi qua không phải tiếp xúc với bất cứ gì giúp diệt khuẩn, tránh lây chéo và không gây hại cho người đi qua.

Công nghệ diệt khuẩn là khí ozon, và dung dịch Anolyte, những sản phẩm đã được Viện Vật lý nghiên cứu thành công và ứng dụng khử khuẩn tại các bệnh viện, cơ quan và đã được chứng minh từ đợt dịch SARS năm 2003, và đặc biệt là là những công nghệ tự tạo, do đó giá thành vận hành rẻ. Sau khi chuyển giao công nghệ, sản phẩm đã nhận được phản hồi rất tốt của một số đơn vị thuộc Bộ Công an và đang tiếp tục được sử dụng rất hiệu quả.

Phan Kế Sơn
.
.
.