Các trung tâm chuyển giao công nghệ ở viện, trường khẳng định vai trò kết nối

Thứ Năm, 05/11/2020, 10:03
Cùng với các Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị, các trung tâm chuyển giao công nghệ, cơ sở ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KH&CN thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu cũng đã có những bước phát triển trong 5 năm qua, đóng góp đáng kể vào việc phát triển thị trường KH&CN ở nước ta.

Hiện nay, có khoảng 50 trung tâm chuyển giao công nghệ thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học và các loại hình tổ chức khác (hiệp hội, doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề liên quan đến chuyển giao công nghệ, v.v.). Nhiều đơn vị hoạt động rất hiệu quả.

Điển hình là Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp nông nghệ cao,Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM. Trung tâm đã ươm tạo 35 doanh nghiệp, trong đó có 13 doanh nghiệp đã tốt nghiệp, 4 doanh nghiệp giai đoạn tiền ươm tạo và 18 doanh nghiệp trong giai đoạn ươm tạo chính thức,góp phần tạo hơn 400 công ăn việc làm, hơn 120 tỷ doanh thu/năm; tổ chức gần 200 khóa đào tạo cho hơn 5.600 doanh nghiệp, cá nhân, sinh viên có nhu cầu, tư vấn và hỗ trợ cho hơn 1.000 doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; Kết nối với hơn 50 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, tư vấn nghiên cứu thị trường, xây dựng mô hình kinh doanh, kênh phân phối…

Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ, Đại học Cần Thơ tư vấn xây dựng cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ Tân Kim Phúc.

Một đơn vị nữa là Trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Đại học quốc gia TP.HCM với việc kết nối với các địa phương, doanh nghiệp chuyển giao các kết quả nghiên cứu của ĐHQG-HCM, đã chuyển giao 5 hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động cho tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre; tư vấn ĐHQG-HCM đăng ký 423 đơn sáng chế, trong đó 155 đơn được cấp văn bằng bảo hộ, 268 đơn đang trong giai đoạn thẩm định. Trung tâm còn thực hiện đề án: "Triển khai thí điểm đăng ký sáng chế thông qua hiệp ước hợp tác về sáng chế quốc tế PCT và chỉ định vào Mỹ đối với các kết quả nghiên cứu của ĐHQG-HCM", v.v…. được Tổ chức SHTT thế giới WIPO lựa chọn là 1 trong 16 tổ chức tại Việt Nam đủ điều kiện tham gia dự án "Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ" do WIPO và Cục Sở hữu Trí tuệ phối hợp triển khai từ năm 2019 đến 2022.

Cũng cần nhắc đến Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ, Đại học Cần Thơ với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cho đến nay, Trung tâm đã thực hiện nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ, điển hình có Hợp đồng chuyển giao công nghệ và quy trình vận hành trạm quan trắc độ mặn với Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm tỉnh Đồng Tháp, Hợp đồng chuyển giao công nghệ xử lý phân gà tươi thành sản phẩm phân hữu cơ với Công ty TNHH Thương mại Chăn nuôi Công nghệ cao Hoàn Hảo, Long An, v.v..

Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ, Đại học Cần Thơ còn phối hợp với các địa phương ĐBSCL nghiên cứu chế biến đa dạng các sản phẩm từ khóm Cầu Đúc Hậu Giang và tận dụng phế liệu cho quá trình ly trích enzyme bromelin, Xây dựng và chuyển giao các mô hình canh tác hiệu quả trên đất phèn khu vực tái định cư khí điện đạm Cà Mau, Xây dựng và chuyển giao mô hình đánh giá chất lượng chôm chôm ứng với các điều kiện xử lý khác nhau sau thu hoạch tại Bến Tre, v.v.

Trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế cũng đã tiến hành nhiều đề tài như “Nghiên cứu chế tạo chế phẩm xử lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản dựa trên công nghệ Nano bạc”, “Xây dựng quy trình nuôi trồng và chế biến tảo Spirulina platensis làm thực phẩm bổ sung”, đăng ký giải pháp hữu ích “Quy trình công nghệ sản xuất giống cá dìa Siganus guttatus theo phương pháp bán tự nhiên”, “Quy trình nuôi trồng và chế biến tảo Spirulina quy mô hộ gia đình”, Chuyển giao công nghệ giữa Đại học Huế (Chủ sở hữu) và Công ty TNHH Happy Food Đồng Nai vv…

Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ ĐHQG-HCM và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Cùng với các trung tâm chuyển giao công nghệ thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức trung gian khác cũng giữ vai trò đáng kể để thị trường KH&CN ở Việt Nam từng bước hình thành và ngày càng phát triển.

Theo Bộ KH&CN, trong hệ thống hơn 700.000 doanh nghiệp, có khoảng 25.000 doanh nghiệp có đăng ký lĩnh vực hoạt động KH&CN, bao gồm các hoạt động liên quan đến chức năng trung gian như chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực điện, xây dựng, giao thông, môi trường, chưa mở rộng ra thành lĩnh vực quan trọng của doanh nghiệp, trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ hạn chế về nguồn lực và năng lực nên lĩnh vực này gần như chưa phảilà lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn.

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN được tổ chức, là hình thức trung gian trực tiếp như chợ công nghệ và thiết bị (Techmart ), kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo ), ngày hội khởi nghiệp ĐMST (techfest), và các triển lãm chuyên ngành công nghệ thông tin, truyền thông (ICT Comm), nông lâm ngư nghiệp (Growtech), v.v.. Các sự kiện được  tổ chức trong 5 năm qua với quy mô quốc tế, quốc gia, vùng và địa phương, tạo được hiệu ứng tích cực trong việc xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, thúc đẩy các hoạt động kết nối, giao dịch công nghệ. Quy mô xã hội hóa với sự tham gia của khu vực tư nhân vào tổ chức các sự kiện lên đến 30%. Sự tham gia của các tổ chức nước ngoài tăng trung bình 8%. Các MOU, hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư nghiên cứu, đại lý phân phối sản phẩm công nghệ, v.v. tăng trung bình 18% với giá trị tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng tại các sự kiện nêu trên.

Theo kết quả điều tra từ hoạt động nghiên cứu thuộc chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020, tăng trưởng giá trị giao dịch công nghệ của toàn nền kinh tế trong thời kỳ 2012-2018 là 20.9%.

Sản phẩm Kit phát hiện kháng thể kháng Toxoplasma Gond II của Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao Công nghệ, Đại học Huế.

Với định hướng lấy hệ thống sàn giao dịch công nghệ và thiết bị cùng với các trung tâm chuyển giao công nghệ thuộc viện, trường là tổ chức trung gian chủ lực của thị trường KH&CN, việc thực hiện các cơ chế hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian quy định trong luật chuyển giao công nghệ, Nghị định 76/2018/ND-CP cần sớm triển khai, vì vậy cần lồng ghép vào các chương trình, đề án KH&CN, trong đó ưu tiên Chương trình phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2021 – 2030, tập trung vào việc xây dựng sàn giao dịch công nghệ quốc gia, hình thành mạng lưới các sàn giao dịch công nghệ thông qua hoạt động đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật kết nối liên thông các sàn với nhau với các thành viên là các trung tâm chuyển giao công nghệ,ươm tạo công nghệ thuộc các viện, trường.

Đẩy nhanh việc xã hội hóa các sự kiện thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ do các sàn giao dịch công nghệ địa phương tổ chức để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, tăng quy mô và hiệu quả của các sự kiện. Triển khai các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài có hàm lượng tri thức cao và tạo điều kiện phát huy tác động lan toả từ doanh nghiệp nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước.

Khánh Ngọc
.
.
.