Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020

Hội thảo "Kết nối chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa của Việt Nam”

Chủ Nhật, 01/11/2020, 18:24
Ngày đầu tiên diễn ra Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 được bắt dầu với hội thảo “Kết nối chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa của Việt Nam”, do Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ, Viện Nghiên cứu Rau quả và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức.


Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ -  chia sẻ: Hội thảo “Kết nối chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa của Việt Nam” được tổ chức nhằm đánh giá những thành công, hạn chế và đưa định hướng phát triển ngành sản xuất hoa, cây cảnh trong thời gian tới, kết nối chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa, cây cảnh của Việt Nam. 

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu.

Cũng theo ông Nghiệm, những năm trở lại đây, việc ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Thực tế đã chứng minh hiệu quả của việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, gia tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, điều nhân, hạt tiêu và gạo. Lĩnh vực sản xuất hoa cũng có sự tăng trưởng đột phá về cả quy mô và giá trị sản lượng.

Ông Nghiệm cho biết giá trị sản lượng hoa năm 2000 tăng so với năm 2019 là 17,2 lần,  đạt 15.000 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu gần 80 triệu USD, cho thấy tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất hoa là rất cao trong ngành nông nghiệp.

GS.TS. Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

“Hiệp định thương mại tự do EVFTA đã được ký kết vào tháng 10/2019, thì cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng. Do đó, cần xây dựng nhiều mô hình hợp tác, liên kết giữa khu vực nghiên cứu với doanh nghiệp để chuyển giao kết quả nghiên cứu và sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, quốc tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội - như Viện Nghiên cứu rau quả là một trong những mô hình tiêu biểu thành công trong việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu ra khu vực doanh nghiệp” - ông Nghiệm nhấn mạnh.

Ông Phạm Đức Nghiệm mong muốn Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu Rau quả tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa. Điều này rất có ý nghĩa khi nhu cầu thị trường hoa, cây cảnh của Việt Nam giai đoạn 2000- 2019 tăng trung bình 15%/năm và diện tích hoa, cây cảnh năm 2000 tăng cao so với trước, cùng với mức tăng giá trị thu nhập/ha là 2,2 lần, nhiều mô hình đạt 1,3 tỷ đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm. 

GS.TS. Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Lễ ký kết chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa của Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều tham luận về thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển ngành hoa của Việt Nam đã được chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển sinh vật cảnh nói chung và phát triển hoa, cây cảnh nói riêng. Hiện cả nước có khoảng 45.000 ha hoa, cây cảnh, thu nhập bình quân trên cả nước là 350 triệu đồng/ha/năm. Việc tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng hoa.

Đại diện của APPA GROUP- một trong các đơn vị tiên phong trong ứng dụng các thành tựu của cách mạng CN 4.0 vào sản xuất nông nghiệp chia sẻ việc cung cấp giải pháp toàn diện như hạ tầng tưới tiêu, thiết bị cảm biến đo đạc và bộ xử lý trung tâm; khách sạn sử dung phần mềm trên điện thoại di động để điều khiển thiết bị phần cứng. Những tính năng ưu việt này sẽ giúp người nông dân quản lý trang trại của mình thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh; tiết kiệm tài nguyên thông qua việc tưới tiêu chính xác, tiết kiệm chi phí nhân công, quản lý và tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất đồng thời hạn chế rủi ro…

Các đại biểu cũng trao đổi thông tin về ngành sản xuất hoa ở Hà Lan, cơ hội hợp tác phát triển ngành sản xuất hoa ở Việt Nam; kế hoạch nâng cấp dịch vụ nhà nông xanh, giúp kết nối các chủ thể trong sản xuất kinh doanh cây hoa ở Việt Nam. Các ý kiến cũng bàn về kết quả ứng dụng gói giải pháp nông nghiệp thông minh Appa Smart Farm cho các hợp tác xã trồng rau, hoa tại Mộc Châu; kết quả và bài học kinh nghiệm trong việc liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trong sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần Châu Giang, Hải Phòng; Kết quả hợp tác liên kết giữa cơ quan khoa học hợp tác xã và nông dân trong phát triển sản xuất hoa chất lượng cao ở Mộc Châu, Vân Hồ.

Tại hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết chuyển giao công nghệ cho ngành sản xuất hoa của Việt Nam, giữa Viện Nghiên cứu Rau quả với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật Lào Cai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Trường, Công ty Cổ phần Giải pháp thời tiết WeatherPlus, Ngân hàng BIDV; Viện nghiên cứu Rau quả, Công ty Cổ phần Công nghệ và Thương mại quốc tế Appa Group và đại diện tổ nhóm sản xuất Hoa Mộc Châu. Các các hợp đồng được ký kết gồm hợp đồng cung cấp gói phần mềm quản lý sản xuất hoa; hợp đồng hợp tác xây dựng chương trình phần mềm bác sĩ cho cây hoa; hợp đồng cung cấp gói tín dụng hỗ trợ dự án sản xuất thử nghiệm hoa giữa các cơ quan khoa học các doanh nghiệp và đại diện ngân hàng.

Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 diễn ra từ ngày 30/10 đến hết ngày 2/11/2020, do Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tại sự kiện KH&CN quan trọng này có khoảng 200 gian hàng với hơn 1.000 công nghệ của các đơn vị tham gia, là các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thuộc các lĩnh vực: cơ khí chế tạo trong nông nghiệp, chế biến bảo quản sau thu hoạch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản, xử lý môi trường, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, dược liệu và các lĩnh vực liên quan.

Trong những ngày diễn ra Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo có nhiều hoạt động kết nối công nghệ phong phú, đa dạng: Các hội thảo về kết nối công nghệ; hoạt động Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ; Triển lãm chuyên ngành thiết bị và công nghệ nông - lâm - ngư nghiệp; Trưng bày, giao dịch, ký kết hợp đồng và bản ghi nhớ và Ngày hội việc làm với thành phần tham dự gồm doanh nghiệp, doanh nghiệp KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học, nhà sáng chế không chuyên... các đơn vị tại địa phương; hoạt động tư vấn công nghệ, cải tiến quy trình kỹ thuật, tư vấn kết nối tài chính - công nghệ, sở hữu trí tuệ với nội dung tư vấn công nghệ, cải tiến quy trình kỹ thuật, tư vấn kết nối tài chính - công nghệ, tư vấn về sở hữu trí tuệ vv…

Khánh Ngọc
.
.
.