Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm tìm cách thương mại hóa công nghệ hiệu quả nhất

Thứ Năm, 15/10/2020, 12:22
Tại buổi tọa đàm “Phát triển và thương mại hóa công nghệ ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam” do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức vào ngày 14/10, các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý đã cùng chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình thương mại hóa công nghệ một cách hiệu quả và mạnh mẽ.

PGS.TS Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết sau 45 năm hoạt động, Viện Hàn lâm đã có nhiều kết quả nghiên cứu về khoa học cơ bản cũng như phát triển các công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Tọa đàm “Phát triển và thương mại hóa công nghệ ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam”.

“Các sản phẩm được thương mại hóa đã tạo sự khác biệt và nhận được sự tin cậy từ các nhà quản lý, doanh nghiệp... Các kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp đi vào sản xuất trong ngành dược liệu như thực phẩm chức năng NaturenZ, Nanocurcumin, Fuicodan…; trong ngành nông nghiệp như công nghệ lai tạo giống, sản xuất vaccine, phân bón...; trong ngành công nghiệp như các loại vật liệu mới ứng dụng trong an ninh quốc phòng, sơn chống cháy, các vật liệu thân thiện môi trường...; trong ngành công nghệ sinh - hóa như công nghệ xử lý chất thải y tế, khu công nghiệp... Các trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sỹ, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Trung tâm An toàn thực phẩm... đã từng bước đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ” - PGS.TS Chu Hoàng Hà thông tin.

PGS.TS Phan Tiến Dũng - Phó trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ đã chia sẻ sự hợp tác với nhau thành công, đồng thời tập trung nêu những rào về cơ chế, chính sách phát triển, thương mại hóa sản phẩm.

TS. Hà Phương Thư - Trưởng Phòng Vật liệu Nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam – một nhà khoa học điển hình về thương mại hóa thành công nhiều nghiên cứu, cũng là người đã giành nhiều giải thưởng cho các sản phẩm KH&CN – chia sẻ: Muốn thị trường KH&CN sôi động thì việc kết nối giữa nhà nghiên cứu và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Để tiếp cận với các doanh nghiệp nhằm thương mại hóa sản phẩm, sản phẩm phải thực sự hiệu quả. Do đó, nếu chỉ ngồi trong phòng nghiên cứu thì sản phẩm công nghệ sẽ không thiết thực. Mục đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học là hướng đến cộng đồng, phục vụ cuộc sống. Phòng Vật liệu Nano y sinh đã có sản phẩm Curmagold Care được chuyển giao công nghệ để góp phần điều trị cho bệnh nhân ung thư được 4 năm và tiếp tục được thị trường đón nhận, bệnh nhân ung thư phản hồi tích cực. Sau đó, chúng tôi có thêm các sản phẩm dưỡng chất nano chăm sóc cây trồng, tôm, cá.

"Việc thương mại hóa sản phẩm KH&CN còn gặp nhiều khó khăn bởi các sản phẩm mới muốn tồn tại trên thị trường phải có sự đổi mới sáng tạo. Các nhà khoa học đã được tài trợ nhiều cho nghiên cứu, phát triển công nghệ, nhưng chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu ứng dụng thì lại đang thiếu. Do đó, cần có chính sách cho phát triển sản phẩm, cấp cho nhà khoa học nguồn tài chính thiết thực để hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm của mình" – TS. Hà Phương Thư nhấn mạnh.

TS. Hà Phương Thư - Trưởng Phòng Vật liệu Nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Là nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với các nhà đầu tư, bà Nguyễn Thu Hồng – Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Cam Ranh - lưu ý: Tính sáng tạo đối với các nhà khoa học là vô cùng quan trọng. Nhà đầu tư đầu tư vào tố chất của nhà khoa học. Các nhà khoa học thực ra không cần tìm nhà đầu tư mà hãy phát ra tín hiệu để nhà đầu tư tìm thấy mình. Bản thân các nhà khoa học phải có tâm và chủ động đầu tư vào chính mình.

Bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng khởi nghiệp cần có hệ sinh thái, do đó, nhà khoa học muốn đưa sản phẩm ra thị trường phải có hệ sinh thái nâng đỡ, nhất là từ chính quyền, doanh nghiệp.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Goldheath Việt Nam - bà Nguyễn Thị Vũ Thành -cho biết, trong 5 sản phẩm đã được thương mại hóa của Công ty Goldheath, có 3 sản phẩm hình thành từ các đề tài nghiên cứu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, 2 sản phẩm do Công ty đặt hàng các nhà khoa học của Viện.

Bà Thành đề nghị thời gian tới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cần có cơ chế để cho doanh nghiệp, nhà khoa học có thể chia sẻ, tìm kiếm đối tác dễ dàng hơn, thay vì dựa trên các mối quan hệ cá nhân. Các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp cần cùng nhau tìm hướng đi để cùng với người tiêu dùng đều được hưởng lợi.

Đề cập đến các giải pháp thúc đẩy thương mại hóa thời gian tới, PGS.TS Phan Tiến Dũng - Phó trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam – đề xuất cần hình thành cơ quan chuyên nghiệp trong Viện để hỗ trợ các nhà khoa học về thương mại hóa sản phẩm, nhưng hiện nay cơ chế quản lý, cơ chế tài chính cho hoạt động của cơ quan này chưa có.

“Tư duy của nhà khoa học và doanh nghiệp khác nhau, nên cần có sự hợp tác, thấu hiểu, để chuyển giao công nghệ. Vướng mắc lớn nhất trong quá trình chuyển giao nghiên cứu KH&CN, thương mại hóa sản phẩm chính là là cơ chế tài chính và chính sách. Từ các kết quả KH&CN, việc triển khai thương mại hóa phải được các doanh nghiệp đánh giá, xem xét. Nhà nước có thể cấp tiền cho startup để giúp các nhà khoa học nghiên cứu sản phẩm đưa ra thị trường có tính sáng tạo, hiệu quả cao: - ông Dũng đề nghị.

Để đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, PGS.TS. Nguyễn Quang Trung - Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam – kiến nghị Viện cần xây dựng sàn giao dịch công nghệ, khắc phục nhược điểm thiếu hiệu quả của một số sàn giao dịch địa phương đang hoạt động; cũng như cần xây dựng quy định bảo hộ bản quyền các sản phẩm công nghệ, công bố của các nhà khoa học…

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cũng chia sẻ: Thủ tục giải ngân cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm KH&CN còn rườm rà, tốn nhiều thời gian, công sức, khiến không ít nhà khoa học cảm thấy nản lòng. Vì thế, các nhà khoa học sẽ cùng cơ quan quản lý thay đổi những bất cập hiện nay. Trước mắt, Luật Sở hữu trí tuệ đang sửa đổi, cần quy định trao quyền độc quyền sở hữu trí tuệ của các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích… cho chính tác giả, tổ chức đã tạo ra nó để tạo động lực sáng tạo và quyền lợi cho nhà khoa học. Con đường thương mai hóa tốt nhất hiện nay đối với các công nghệ không cần đầu tư lớn, nhưng cần ra thị trường ngay thì nên đi theo con đường khởi nghiệp sáng tạo. Tới đây, Đề án 844  sẽ sửa đổi cơ chế để hỗ trợ vốn mồi cho các nhóm khởi nghiệp.

Thái Hoàng
.
.
.