COVID-19 là "phép màu" cho chuyển đổi số

Thứ Tư, 23/12/2020, 07:26
Dịch bệnh COVID-19 xảy ra khiến cả thế giới chao đảo, thiệt hại nặng nề về kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động xấu, ở một khía cạnh tích cực hơn, COVID-19 đã trở thành một chất xúc tác mới thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế kỹ thuật số.


Tại Việt Nam, COVID-19 tạo một cú huých cho kinh tế số còn lớn hơn với làn sóng chuyển dịch số đồng loạt, từ các cơ quan nhà nước tới các doanh nghiệp, người dân, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các giải pháp chuyển dịch số. Đây là nhận định của các chuyên gia tại buổi Talk "Giải mã điều kỳ lạ của kinh tế số năm 2020 và dự báo xu hướng 2021", diễn ra chiều 22-12.

Tăng tốc chuyển đổi số trong đại dịch

Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, COVID-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số của ngành này nhanh hơn từ 3-5 năm, tạo bước nhảy vọt cho thanh toán số. Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đều tăng trưởng mạnh, tương ứng 75,2% và 30% so với cùng kỳ năm 2019; đặc biệt là số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh, tương ứng gần 125% và 130% so với cùng kỳ năm 2019.

Một thống kê khác cũng cho thấy, trước khi COVID-19 bùng phát, chỉ 20% doanh nghiệp để ý đến chuyển đổi số. Sau 6 tháng, có đến hơn 70% doanh nghiệp chú ý đến quá trình này và trên 50% doanh nghiệp đang thực hiện. COVID-19 là thách thức, cũng như là cơ hội để thực hiện chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là cơ hội phát triển của doanh nghiệp.

Dẫn số liệu từ ví điện tử MOMO, TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, chỉ sau một năm vừa rồi, số khách hàng của MOMO đã tăng gấp đôi, từ 10 triệu lên đến 20 triệu, tức là sau 1 năm, số khách hàng tăng lên bằng cả 10 năm trước cộng lại.

“COVID-19 gây ra cú sốc cho cả thế giới, tạo một cú nhảy vọt từ nền kinh tế vật thể sang kinh tế số. Lý giải hiện tượng này thì không quá phức tạp, vì nền tảng là chúng ta đã được chuẩn bị sớm và phổ biến nhanh. Khi COVID-19 xảy ra, điều không ai lường trước được là nó chặn đứng tất cả các kết nối thực, đồng thời, buộc người ta không được di chuyển. Hiện nay tình trạng đó vẫn đang diễn ra, nền kinh tế thực đứt cả cung lẫn cầu và giao tiếp xã hội”, TS Thiên phân tích và nhận định, theo một cách nào đó, COVID-19 đã thúc đẩy kinh tế thực sang kinh tế số như một phép màu, thúc đẩy loài người tiến bộ.

Cùng chung quan điểm, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank chia sẻ thêm, trước đây doanh nghiệp không quan tâm nhiều về giao dịch Internet banking, họ thích đến giao dịch tại chi nhánh hơn. Nhưng COVID-19 xảy ra, họ bắt đầu quan tâm đến ứng dụng số hơn, thay vì làm hồ sơ giấy, họ vào ứng dụng để gửi thông tin đăng ký tại chỗ mà không phải đi lại. Trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng khách hàng doanh nghiệp của Viettinbank đã tăng 50% với hơn 12,5 triệu giao dịch - đây là con số khổng lồ. Công nghệ còn giúp khách hàng giảm thiểu rủi ro khi giao dịch.

Cần nền tảng và thay đổi từ chính sách

Phát triển kinh tế số là mục tiêu và là động lực để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, trong thực tế, triển khai không hề dễ. “COVID-19 tạo ra cú huých mạnh, nhưng chỉ là cộng hưởng chứ không phải vấn đề nền tảng. Rồi COVID-19 sẽ qua đi, nếu trông chờ COVID-19 để chuyển đổi số thì cái giá chúng ta phải trả sẽ rất đắt”, TS Trần Đình Thiên khuyến cáo.

Theo vị chuyên gia này, để chuyển đổi số, cần 2 điều kiện. Thứ nhất, cần có cơ sở dữ liệu tốt thì quá trình số hóa mới nhanh được - tức là chi phí. Thứ hai cần nhân lực. “Ở nước ta hay có kiểu, càng già thì chức càng to, mà khả năng tiếp cận công nghệ càng kém. Tôi đã chứng kiến nhiều cản trở đến từ lực lượng lãnh đạo rồi. Nhân lực là yếu tố quyết định vì kinh tế số chính là trí tuệ con người. Còn về phía doanh nghiệp, then chốt là phải có chính sách hỗ trợ, bảo vệ phù hợp. Yếu tố thể chế là yếu tố quyết định đối với phát triển kinh tế số, chứ công nghệ không phải vấn đề then chốt, mà là môi trường văn hóa, xã hội, thể chế, chính sách”, ông Thiên phân tích.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty VCCorp, founder BizFly cho rằng, với khả năng công nghệ, Việt Nam không hề thua kém các nước đang phát triển nào, thậm chí còn rất sáng tạo khi tạo ra các giải pháp phù hợp đặc thù riêng cho thị trường Việt Nam. Nhưng công cuộc chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn nằm ở 3 yếu tố chính. Một là, chủ doanh nghiệp “ngại” chuyển đổi số nên chưa quyết tâm thực hiện đến cùng và chưa tạo được động lực thúc đẩy tới đội ngũ các nhân viên. Hai là, phụ thuộc vào nguồn nhân lực. Nếu các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng thiếu nhân lực thì cũng không thể thực hiện. Ba là, thiếu dữ liệu. Các doanh nghiệp Việt Nam nhiều nơi vẫn lưu trữ dữ liệu thô sơ như trên giấy tờ hoặc excel. Để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần phải số hóa và tập trung lại dữ liệu mà họ đang có…

Hà An
.
.
.