Ai sẽ hưởng lợi từ vũ khí Mỹ bỏ lại ở Afghanistan?

Chủ Nhật, 26/09/2021, 12:48

Khi những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Afghanistan, họ bỏ lại nhiều thiết bị quân sự, trong đó phần lớn được trang bị cho Chính phủ Kabul. Những thiết bị này có loại sử dụng công nghệ tiên tiến nhất như kính nhìn đêm, hệ thống cảm biến âm thanh trên trực thăng làm nhiệm vụ nghe lén các cuộc điện thoại vô tuyến, hệ thống định vị mục tiêu cho tên lửa “bắn rồi quên”… Tất cả những thứ ấy đang được săn lùng bởi ít nhất 3 quốc gia và bên nào sẽ là người hưởng lợi?

Từ khẩu súng và kính nhìn đêm

 Cho đến khi rút khỏi Afghanistan, ngày 31-8-2021, người Mỹ đã trang bị cho Chính phủ Kabul 43 trực thăng MD-530, 33 máy bay vận tải vũ trang AC-208, 33 trực thăng vận tải vũ trang UH-60 Black Hawk, 29 máy bay chiến đấu cánh quạt A-29, 4 máy bay vận tải cánh quạt C-130, chưa kể 32 trực thăng Mi-17 xuất xứ từ Nga (trong đó 22 máy bay chiến đấu và 24 trực thăng đã được các phi công Afghanistan bay sang Uzbekistan trước ngày Kabul sụp đổ).

Ngoài ra còn có gần 24.000 xe chở quân vũ trang Humvee, hơn 1.700 xe bọc thép - cả xe bánh lốp lẫn bánh xích, khoảng 9.000 khẩu pháo - từ súng cối 60mm đến đại bác 155mm, 600.000 vũ khí bộ binh bao gồm súng trường M16, trung liên M60, đại liên Browning 12,7mm, 25.327 súng phóng lựu cùng 162.000 thiết bị liên lạc và 16.000 kính nhìn đêm.

Để hiểu được những thiệt hại lớn như thế nào cùng những mối nguy hiểm tiềm tàng đối với nước Mỹ, trước mắt hãy nhìn vào hệ thống máy móc dùng trong việc chỉ huy, điều khiển và liên lạc mà người Mỹ để lại ở Afghanistan.

Khác với khẩu súng, chiếc xe hay quả lựu đạn, các thiết bị trong hệ thống này được chế tạo để Taliban gần như không thể sử dụng ngay lập tức nếu chẳng may nó lọt vào tay họ. Tuy nhiên dù Taliban chưa thể sử dụng nhưng một số dấu hiệu cho thấy đã có 3 quốc gia, một ở châu Á, một ở châu Âu và một ở Trung Đông đang muốn tìm hiểu thông tin về cách người Mỹ chế tạo ra nó.

airm1.jpg -0
Máy bay chiến đấu A-29 vẫn còn nguyên vẹn khi Taliban chiếm Kabul.

Ông Josh Lospinoso, Giám đốc điều hành Công ty an ninh mạng Shift-5 - người đã dành 10 năm để phát triển hệ thống chống xâm nhập máy tính cùng một số thiết bị công nghệ thông tin chuyên dùng cho chiến trường Afghanistan nói: “Lấy thí dụ mạng radio truyền tin đặt trên máy bay vận tải C-130 bị Taliban thu giữ chẳng hạn, mặc dù Lầu Năm Góc đảm bảo rằng các thiết bị ấy đã bị vô hiệu hóa nhưng điều quan trọng là tất cả vẫn còn nguyên vẹn trên máy bay. Vì vậy, những quốc gia muốn biết về nó có đủ thời gian để tìm hiểu, khai thác. Khi đã nắm được công nghệ, họ hoàn toàn có thể chế tạo ra những bản sao, vừa để trang bị cho quân đội nước họ, vừa để xuất khẩu, chưa kể họ còn phát triển những thứ có thể vô hiệu hóa nó”.

Tương tự như vậy, ông Georgianna Shea đã có 5 năm nghiên cứu và thử nghiệm các công nghệ mới cho Lầu Năm Góc nói: “Với chiếc xe vũ trang, nó không đơn giản là phương tiện đưa bạn từ nơi này đến nơi khác mà bên trong xe chứa đầy radio, công nghệ điện tử và đặc biệt là hệ thống đối phó điện tử ECM, được sử dụng để phát hiện các thiết bị nổ tự tạo (IED). Bây giờ, đối thủ của chúng ta đã có nó với đầy đủ phần mềm và phần cứng. Điều nguy hiểm không phải là họ sẽ làm nhái ECM mà họ sẽ tìm ra cách để triệt tiêu khả năng của nó hoặc ít nhất cũng làm cho nó thiếu hiệu quả…”.

Với kính nhìn đêm, đây là loại thiết bị có thể thay đổi cục diện của những trận đánh diễn ra trong bóng tối. Tại Afghanistan, người Mỹ đã trang bị cho quân đội nước này loại kính nhìn đêm tối tân ENVG-B. Nếu như những loại kính trước đây đều hiển thị tất cả mọi hình ảnh bằng màu xanh lá cây do màn hình được phủ bằng lớp phosphor xanh lá cây khiến người sử dụng nó vừa mỏi mắt, vừa nhức đầu nếu phải đeo nó liên tục trên 3 tiếng thì nay với loại ENVG-B, họ sẽ nhìn thấy hình ảnh thật, giống như đang chơi trò chơi điện tử. Công nghệ này hiện vẫn còn là bí mật nhưng chắc chắn trong tương lai gần, sự bí mật sẽ bị “bật mí” từ những chiếc kính ở Afghanistan.

Với các phi công trực thăng vũ trang Black Hawk, kính nhìn đêm của họ còn tối tân hơn loại kính dành cho bộ binh. Do bay với tốc độ nhanh, kính của họ có bộ phận cân bằng hình ảnh nhằm giúp họ dù chỉ lướt qua nhưng họ vẫn biết được là họ đang nhìn thấy cái gì.

Ông Georgianna Shea nói: “Khi chúng tôi chế tạo ra nó, không ai nghĩ rằng một hay vài quốc gia khác sẽ mổ xẻ nó trong phòng thí nghiệm;  nhưng giờ đây, tất cả đã trở thành sự thật. Hơn 20 chiếc kính nhìn đêm phi hành vẫn nằm nguyên vẹn trên những chiếc trực thăng ở Kabul. Một khi đối phương nắm quyền kiểm soát những kỹ thuật vật lý đối với một thiết bị thì việc tìm ra những lỗ hổng nhằm chế ngự nó là việc một sớm một chiều, nhất là với những hacker sừng sỏ…”. 

airm2.jpg -0
Hàng nghìn xe bọc thép Humvee nay đã thành chiến lợi phẩm.

Đến những thiết bị điện tử trên máy bay, tên lửa

Với các loại máy bay, tiến sĩ Jonathan Schroden, cựu cố vấn của lực lượng Mỹ ở Afghanistan cho biết, việc tịch thu là chuyện dễ dàng với Taliban nhưng việc bảo trì và vận hành sẽ rất khó khăn. Các bộ phận trên máy bay đều phải được bảo dưỡng định kỳ hoặc phải thay thế.

Ở Afghanistan, tất cả máy bay mà người Mỹ cung cấp cho lực lượng không quân của quốc gia này đều được bảo trì bởi các nhà thầu tư nhân Mỹ nhưng ngay từ đầu tháng 8, khi Taliban tung ra những cuộc tấn công tổng lực vào nhiều thành phố lớn thì đội ngũ nhân viên bảo trì đã lập tức rời đi.

Jodi Vittori, giáo sư môn Chính trị và an ninh toàn cầu thuộc Đại học Georgetown đồng thời cũng là cựu binh không quân Mỹ từng phục vụ tại Afghanistan nói: “Đồng ý rằng trong tương lai, Taliban thiếu tay nghề và phụ tùng để duy trì hoạt động của những chiếc máy bay do họ chiếm được nhưng qua những gì đang xảy ra ở hiện tại, Taliban ép buộc các phi công trong không quân Afghanistan phải lái những chiếc máy bay này bằng cách đe dọa gia đình họ”.

Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy đã có hai trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất và một cường kích hạng nhẹ A-29 xuất hiện trên bầu trời phía Bắc Kabul mà các chuyên gia tình báo tin rằng nó sẽ được sử dụng trong việc đánh chiếm thung lũng Panjshir, nơi vẫn còn vài nhóm nhỏ kháng chiến chống lại Taliban. Tuy nhiên, việc này sẽ nhanh chóng kết thúc khi không còn ai để sửa chữa những hỏng hóc.

Dẫu vậy, những chiếc trực thăng vũ trang UH-60 Black Hawk vẫn là mục tiêu săn lùng của cả 3 quốc gia. Vài năm trước, một trong 3 quốc gia này đã “nhái” được kiểu dáng của trực thăng UH-60 Black Hawk nhưng theo đánh giá của người trong nghề, nó chưa thật ổn định khi hoạt động bởi lẽ một số những con chip trong hệ thống điều khiển điện tử của máy bay thì họ không có nguyên mẫu để “nhái”.

Nhưng bây giờ, nếu những cuộc đàm phán thành công dựa trên việc công nhận chính quyền Taliban và những khoản viện trợ, quốc gia này hoàn toàn có thể sở hữu vài chiếc UH-60 Black Hawk nguyên vẹn dù nó không bay được. Ông Georgianna Shea nói: “Thế đã là quá đủ. Bằng cách mổ xẻ từng chi tiết, quốc gia hiện đang sở hữu một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại sẽ làm ra những chiếc trực thăng chiến đấu với chất lượng không kém hàng thật, chưa kể họ còn tận dụng những tiến bộ về điện tử của người Mỹ để chế tạo những mặt hàng khác”. 

airm3.jpg -0
Một chiến binh Taliban với khẩu tên lửa đối không Stinger.

Với những trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất, Taliban đã có kinh nghiệm sử dụng từ hơn 20 năm trước khi họ chiếm Afghanistan dưới thời Tổng thống Muhammad Najibullah. Hiện tại, những chiếc trực thăng này vẫn còn bay được do bảo trì tốt và trong tương lai, chắc chắn Taliban cũng sẽ tìm được một vài quốc gia “thông cảm” với họ trong việc kéo dài thời gian hoạt động.

Với các loại xe quân sự, bài toán bảo trì xem ra khá đơn giản bởi số lượng mà Taliban thu được rất lớn. Nếu bị hư hỏng, họ chỉ việc tháo phụ tùng của chiếc này lắp sang chiếc kia là xong. Còn với vũ khí bộ binh, đây là điều chẳng cần phải bàn vì dù là súng AK hay M16, nó cũng đã trở thành phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất với Lầu Năm Góc là hàng trăm tên lửa đất đối không vác vai trang bị cho quân đội Chính phủ Kabul nay đã lọt vào tay Taliban.

Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu và phát triển quân đội Mỹ (RAND) cho thấy trong 20 năm tham chiến ở Afghanistan, Mỹ đã viện trợ cho quốc gia này 4.500 quả, bao gồm cả loại tên lửa Stinger, là mối nguy hiểm khủng khiếp cho hàng không dân sự. Và mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về các mối đe dọa phát xuất từ tên lửa vác vai nhưng một phát ngôn viên của bộ này nói: “Nước Mỹ vô cùng quan ngại về thông tin Taliban chiếm giữ các thiết bị quân sự của lực lượng quốc phòng và an ninh ở Afghanistan. Chúng tôi sẽ làm mọi cách có thể để bảo đảm an toàn cho các cơ sở của chúng tôi cũng như các đồng minh của Mỹ”.

Vẫn theo RAND, tên lửa Stinger nói riêng và hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) nói chung, đặc biệt là hệ thống radar giúp cho tên lửa “bắn rồi quên” từ lâu vẫn là mục tiêu săn lùng của một quốc gia ở Trung Đông bởi lẽ một lãnh đạo cao cấp của họ đã bị giết bởi loại tên lửa này. Trong quá khứ, họ đã chiếm được một số máy bay phản lực chiến đấu, máy bay trực thăng do Mỹ chế tạo khi lật đổ chính quyền cũ. Và mặc dù tất cả đã hết niên hạn bay từ lâu nhưng quốc gia này vẫn duy trì hoạt động của chúng trong lực lượng không quân bằng cách tự chế tạo phụ tùng, thiết bị cũng như mua lại từ những nước có mối quan hệ với họ.

Với một quốc gia ở châu Á, một nhân vật cao cấp của nước này chẳng cần phải  giấu giếm khi trực tiếp gặp người lãnh đạo Taliban với lời hứa hẹn về những khoản viện trợ. Chưa hết, một tờ báo của nước này cũng thẳng thừng tuyên bố: “Mỹ không có tư cách can thiệp vào bất kỳ mối quan hệ hợp tác tiềm năng nào giữa chúng tôi và Afghanistan” bởi lẽ không chỉ những thiết bị tối tân dùng trong quân sự mà người Mỹ bỏ lại, Afghanistan còn là vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản như đồng, sắt, vàng và đặc biệt là đất hiếm, lithium, nguyên liệu tối cần thiết cho các động cơ chạy điện. 

Vì vậy, ai sẽ được hưởng lợi với số vũ khí, thiết bị chiến tranh mà người Mỹ bỏ lại ở Afghanistan vẫn còn là ẩn số khi các lá bài chưa được ngửa hết ra.

Vũ Cao (Theo Inside Politics)
.
.
.