Vũ khí plasma của của Lầu Năm Góc

Thứ Tư, 02/10/2019, 22:20
Hai mươi lăm năm trước, bên trong một cơ sở được phân loại đặc biệt tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (LANL), một nhóm các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm một loại vũ khí laser mới.

Mục tiêu mà nó muốn nhắm đến là một mẫu da sơn dương được làm ướt nhìn hao hao như da người. Xung laser cực mạnh chỉ tồn tại trong vài micro giây, nhưng nó cũng đủ sức tạo ra một thứ ánh sáng chói lòa và một tiếng nổ nhức óc như thể da bị đánh trúng bởi một loại đạn nổ.

Những thử nghiệm dạng này vào đầu thập niên 1990 là một phần kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm phát triển ra một phương pháp không chết người hiệu quả khi nhắm vào một mục tiêu cụ thể - một khu vực nơi mà các nhiệm vụ thường đối mặt với những thiếu hụt dai dẳng. Lấy ví dụ, vào năm 2008, quân đội Mỹ đã thúc giục mua loại súng bắn đạn sơn FN303 nhằm giúp duy trì trật tự trong các trại giam, mặc dù những viên đạn này quá yếu trước sự hung hăng của đối phương.

Và trớ trêu thay, những vũ khí gắn mác "không tử thương" lại có thể giết những người vô tội như đã từng xảy ra ở Boston vào năm 2004. Hiện giờ, sau ¼ thế kỷ nghiên cứu và nhiều loại vũ khí kỳ lạ đủ để lấp đầy một viện bảo tàng. Dựa trên vô số thất bại, Lầu Năm Góc đang sáng tạo ra SCUPLS (Hệ thống laser xung siêu ngắn).

Nó chính xác là vũ khí không tử thương và hao hao như loại vũ khí đã từng xuất hiện trong bộ phim viễn tưởng Star Trek với các khả năng cảnh báo, lóa mắt, điếc tai, sốc choáng, bỏng, tùy vào các thao tác của người sử dụng vũ khí.

SCUPLS hứa hẹn sẽ giúp cho các lực lượng Mỹ sử dụng thành thạo vũ khí mà không làm chết đối phương - và cũng là căn nguyên khiến nhiều người lo ngại rằng nó sẽ bị lạm dụng để biến thành một công cụ tra tấn tù nhân.

Vũ khí laser PASS được lắp đặt trên "siêu xe" Humvee.

Laser 101

Một thời gian ngắn ngay sau khi laser được phát minh vào thập niên 1950, quân đội Mỹ đã bắt đầu biến chúng thành vũ khí. Song vấn đề chính của loại vũ khí này ngay lập tức đã trở nên rõ ràng hơn: tìm nguồn điện đủ mạnh. 

Trong khi laser nhanh chóng trở thành nền tảng vũ khí cho các loại phim khoa học giả tưởng Stormtrooper, thì thách thức về việc phát triển ra vũ khí bắn đạn laser vẫn chưa thể hiện hữu trong thế giới thực. 

Xuyên suốt 30 năm sau đó và cuối cùng các nhà nghiên cứu đã mơ thấy một thứ giải pháp: thay vì bắn ra một chùm tia laser, vũ khí laser sẽ bắn ra một tia ngắn nhưng xung cực mạnh của nó đủ làm bay hơi lớp ngoài của bất kỳ mục tiêu nào. Các nhà nghiên cứu vũ khí hy vọng rằng phương pháp "bào mòn" có thể khoan xuyên qua mục tiêu.

Tuy nhiên, chẳng mấy chốc công nghệ này lại rơi vào một ngõ cụt khác. Trong khi xung laser năng lượng cao của nó bắt đầu làm bay hơi lớp ngoài của vật liệu mục tiêu thì nó cũng đồng thời sẽ tạo ra một quả bóng khí siêu nóng được biết đến bằng tên gọi plasma. 

Plasma này hấp thụ tất cả năng lượng từ phần còn lại của xung laser,  tạo ra một cái khiên để phần còn lại của xung laser không thể chạm tới mục tiêu. Sau này các nhà thiết kế vũ khí lại biến chính plasma thành vũ khí. Họ sử dụng một hệ thống bằng cách tạo ra xung laser cực lớn để nhanh hình thành plasma và nó phát nổ. 

Loại laser này có thể sinh ra một vụ nổ plasma với nhiều kích cỡ từ súng bắn đạn cho đến lựu đạn - phụ thuộc vào các nguồn điện. Vũ khí mới tạo ra thứ súng laser tầm xa với tốc độ cao. Quan trọng hơn là nó tự điều chỉnh để không gây hại cho bất kỳ ai đó mà chỉ đơn giản là khiến họ phải thoái lui.

Một loại vũ khí laser phát ra ánh sáng helium lần đầu tiên đã được chế tạo.

Các thế hệ Laser PIKL, PCL, PEP

Loại vũ khí kiểm soát plasma mới được biết đến dưới cái tên là Laser tấn công xung cấp tốc (PIKL). Nó nôm na là một loại súng điện "lớn, nặng nề và dễ vỡ"  và là nền tảng để chế tạo ra súng Laser hóa xung (PCL). PCL là một loại súng laser hóa được hoạt động bằng việc đốt cháy deuterium ở nhiệt độ cao với fluorine có tính ăn mòn cao.

Nhưng ngay cả PCL cũng không đủ mạnh và đến năm 2000 đã xuất hiện một phiên bản súng laser mới gọi là Đạn nổ năng lượng xung (PEP). Sau một thập kỷ phát triển, việc hứa hẹn tạo ra vũ khí laser không tử thương dường như đã thành hiện thực.

"Ngay bây giờ, chúng ta sẽ có thứ gần nhất với súng laser", dẫn lời khẳng định của Đại tá George Fenton, khi đó ông là người đứng đầu Tổng cục vũ khí phi tử thương (JNLWD). Quân đội Hoa Kỳ muốn gắn một thiết bị PEP lên chiếc "xế hộp" Hummer và đã đánh trúng các mục tiêu từ cách đó 2km.

Tuy nhiên, nhìn ánh sáng chói lòa thì thấy có vẻ tốt, song thực sự súng laser quá yếu gấp trăm lần để có thể biến thành một thứ vũ khí hiệu quả. Nhưng PEP không nhất thiết đánh mạnh để có hiệu quả lớn. Những thí nghiệm trên động vật đã chỉ ra rằng các vụ nổ plasma đã gây ra "đau và tê liệt tạm thời".

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các tác động thần kinh không những được gây ra bởi sóng xung kích hay nhiệt, mà còn cả xung điện từ được tạo ra bởi bóng lửa plasma đang giãn nở. Điều này đã tác động trực tiếp lên thần kinh như cách mà nhiễu điện đã tác động đến đài vô tuyến.

Khám phá bất ngờ này đã dẫn đến việc tinh chỉnh những tác động hệ thần kinh của PEP. Các tế bào thần kinh truyền đạt cơn đau được gọi là Nociceptors, và người ta cho rằng một xung có là căn nguyên làm "kích hoạt Nociceptor đỉnh điểm" hình thành nên một cảm giác đau đớn tột cùng mà không thật sự phá hoại cơ thể.

Nó trông giống như hành động phi nguy hiểm nhưng lại cực kỳ hiệu quả. Ngoài cảm giác đau đớn, vụ nổ plasma còn gây ra cảm giác bị tê liệt tạm thời.

Nhưng ngay cả với những mục tiêu này thì JNLWD cuối cùng vẫn kết luận rằng "PEP không thể tạo ra dạng sóng cần thiết", sự thực này khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì chí ít PEP sẽ bị lạm dụng để tra tấn. Năm 2009, ông John N. Wood, giáo sư về sinh học thần kinh phân tử tại Đại học College London (UCL, Anh) phát biểu: "Thứ này (PEP) đối với tôi là một sự phi nghĩa sâu sắc" (ám chỉ đến việc tra tấn)".

Hệ thống khiên âm học Plasma

Ánh sáng Plasma không đủ mạnh để tạo ra vũ khí, vì thế mà các nhà nghiên cứu đã tập trung thứ ánh sáng này bằng cách sử dụng ánh sáng đầu ra của màn hình hiển thị và thế là đã ra đời Hệ thống khiên âm học Plasma (PASS) vào năm 2013.

Mục tiêu lần này là tập trung laser giữa không trung và tạo ra một tia chớp plasma cực nhanh mang hiệu ứng như bắn pháo hoa. Ông Keith Braun của Sở các hệ thống vũ khí năng lượng tiên tiến (AEASD) của quân đội Mỹ, giải thích: "PASS sử dụng một mô hình được lập trình gồm các sự kiện plasma nhanh nhằm tạo ra một bức tường ánh sáng cực mạnh kèm tiếng nổ tại khu vực hoạt động".

Thay vì laser hóa học, PASS đã sử dụng laser chạy điện ở trạng thái rắn. Song một lần nữa, ngay cả với công nghệ mới thì tiếng nổ plasma cũng không đủ mạnh để có thể làm choáng hay vô hiệu hóa. Việc thiết lập bức tường ánh sáng sẽ tạo ra một tấm khiên che chắn cho binh lính làm cho kẻ thù không thể phá hủy vũ khí của đối phương.

Song cũng như những nỗ lực trước đó, PASS đã bị thất bại và nhà thầu của thiết bị này là Stellar Photonics, nhanh chóng ngừng kinh doanh. JNLWD cũng có một ứng dụng mới cho các loại vũ khí xung ngắn. Đó là những tấm kính chắn gió xe nhằm ngăn tài xế tiếp cận chốt kiểm soát.

Vụ nổ plasma sẽ phá hủy kính chắn gió và tỏa ra một thứ ánh sáng chói mắt khiến tài xế không thể tiếp tục lái. Vũ khí mới sẽ vượt qua những giới hạn chính của laser quân sự được quân đội Mỹ triển khai ở Iraq - ở tầm xa thì chúng quá mờ, không hiệu quả; nhưng ở tầm gần thì ánh sáng chói cũng đủ làm hư mắt. Chắn gió laser có thể tác động ở bất kỳ khoảng cách nào bởi vì vụ nổ plasma sẽ luôn cùng với khoảng cách của mắt tài xế.

Một loại vũ khí laser được lính Mỹ thử nghiệm, có tác dụng khống chế đám đông.

Vũ khí laser đáng sợ

Đầu năm 2018, JNLWD đã bật mí về thiết bị laser cảm ứng plasma mới (LIPE), mà nó có thể tạo ra một chuỗi nhanh các xung plasma (như vũ khí PIKL hồi năm 1998) nhưng cũng có thể được tinh chỉnh để mang tín hiệu. Họ công bố một đoạn video minh họa về cảnh quả cầu lửa laser đang truyền tải một thứ thông điệp khó hiểu mà báo Cơ Khí Phổ Thông quả quyết rằng "Nó là thứ đáng sợ nhất chưa từng nghe nói đến".

Đoạn video đó nhấn mạnh đến một hệ thống tân tiến mà có thể ra lệnh hay hướng dẫn cho ai đó ở cách xa 1 km mà không làm điếc tai họ ở cự li gần. Tháng 9 năm 2018, JNLWD bắt đầu một dự án 3 năm rưỡi nhằm hoàn tất việc chế tạo ra vũ khí plasma không gây tử thương. Thành quả mới nhất là một loại vũ khí laser được gọi là SCUPLS ((Hệ thống laser xung siêu ngắn) và nó sẽ dùng các loại laser xung ngắn.

SCUPLS có 3 chức năng nhằm gợi nhớ một số dự án có từ trước đó: truyền tải thông điệp nói ở tầm xa, tạo ra những tiếng nổ kèm ánh sáng trong không khí gây điếc tai khi nhắm vào mục tiêu, và hơi nhiệt gây đau rát. Nếu sử dụng ở các mức độ năng lượng thấp thì nó sẽ sản sinh ra hàng ngàn vụ nổ như vũ khí PASS.

Cũng như PEP, SCUPLS đủ nhỏ để lắp đặt vào các loại phương tiện chiến thuật cao, nhưng nó sẽ cần uy lực hơn các loại vũ khí laser trước đó.

Ông David Law, trưởng khoa học gia tại JNLWD (Lầu Năm Góc) phát biểu: "Chúng tôi cần các dạng laser tốt hơn với năng lượng tăng khoảng 1 bậc trên mỗi xung. Một thế hệ mới của các loại laser xung siêu ngắn sẽ nhắm đến khả năng không gây tử thương ở mọi khoảng cách".

Lượng điện năng cao cũng sẽ cho phép SCUPLS truyền tải các thông điệp giọng nói thông minh đến khoảng cách hàng ngàn mét, cùng vụ nổ sẽ tạo ra thứ âm thanh lên tới 165 decibel tương đương như khi đứng bên trong động cơ của máy bay phản lực!

Thêm vào đó, SCUPLS sẽ sử dụng các bước sóng an toàn cho võng mạc vì thế chúng không bị mắt thẩm thấu, triệt tiêu nguy hiểm làm nổ tung nhãn cầu.

Ông David Law nhấn mạnh: "Điều này khiến cho SCUPLS an toàn hơn nhiều trong trường hợp tiếp xúc với mắt. Hiện tượng laser xung ngắn giờ đây đã được hiểu tốt hơn, cũng như các loại laser trạng thái rắn mới cũng rẻ tiền hơn, đáng tin cậy hơn và mạnh hơn các loại laser hóa học cũ. SCUPLS tạo ra tiếng rú to, âm thanh nổ đinh tai không gây chết người nghe có vẻ đã thoát ra khỏi các bộ phim viễn tưởng, và lần này chúng đang có nhiều cơ hội để biến thành sự thật.”

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.
.