Thiết bị vệ sinh cho phi công giá bao nhiêu?

Thứ Bảy, 20/06/2020, 14:18
Trong quân đội các nước trên thế giới, mỗi binh chủng đều có đồng phục riêng. Với không quân, đó là bộ áo liền quần; nhưng hầu hết phi công chiến đấu Mỹ đều than phiền rằng khi đang bay, họ không thể đi tiểu nếu mắc tiểu! Vì thế, Không quân thuộc Hải quân Mỹ đã bỏ ra 2 triệu USD nhằm giải quyết vấn đề tế nhị này…

Một trong những vấn đề kỹ thuật mà các nhà chế tạo máy bay chiến đấu luôn gặp phải là với không gian chật chội trong buồng lái, họ không thể thiết kế thêm phòng vệ sinh. Ngay cả khi làm được chăng nữa thì việc phi công cởi bộ áo liền quần của mình để giải quyết cái chuyện tế nhị cũng không đơn giản.

Đại úy James Cadwell, phi công máy bay phản lực F-16 thuộc Sư đoàn Không quân chiến thuật số 6, Mỹ,  nói: "Ở trên mặt đất, mỗi lúc vào nhà vệ sinh, tôi phải kéo cái dây kéo (zipper) trên bộ quần áo bay từ cổ xuống. Xong rồi lại kéo lên, rất bất tiện". Đại úy Lucia Cohen, nữ phi công F-16 thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia bang New York nói thêm: "Đàn ông còn đỡ, chứ chị em phụ nữ mới thật là khổ. Chúng tôi phải cởi cái áo bay xuống ngang đùi".

Thiết bị AMXDmax dùng cho nam và nữ phi công của Công ty Omni Medical Systems.

Đó là ở dưới đất, còn trên trời lại khác. Hấu hết phi công khi phải thực hiện những phi vụ kéo dài trên 2 tiếng đều hạn chế uống nước trước lúc bay. Tuy nhiên điều này không giúp ích được gì nhiều bởi lẽ những cú nhào lộn hoặc tăng tốc đột ngột sẽ làm tăng lực G lên cơ thể, dẫn đến bàng quang co thắt, gây ra hiện tượng buồn đi tiểu, chưa kể hạn chế uống nước sẽ làm rối loạn điện giải do cơ thể mất nước.

Để khắc phục chuyện… buồn đi tiểu, các phi công áp dụng một phương pháp cổ xưa: Đó là mặc tã (hay còn gọi là đóng bỉm). Vẫn theo nữ phi công Lucia Cohen, giải quyết xong, nó gây ra cảm giác khó chịu nhưng "có còn hơn không!". Riêng trung úy Michelle Curran, nữ phi công F-16 thuộc Sư đoàn Không quân 335, cô ngại ngùng thú nhận rằng trong một chuyến bay huấn luyện tiếp nhiên liệu trên không kéo dài 3 tiếng 30 phút, cô đã "đi" 2 lần. Và bởi vì lượng nước tiểu quá nhiều khiến tã không hút được hết nên sau khi hạ cánh, cô đi như chạy vào toilet để thay bộ áo liền quần.

Michelle nói: "Không chỉ mình tôi, mà nhiều phi công nữ trong sư đoàn cũng gặp phải tình trạng tương tự".

Vì vậy, những người đứng đầu Không quân thuộc Hải quân Mỹ đã phải ra thông báo mời thầu thiết kế kỹ thuật giúp phi công tránh khỏi cái chuyện phiền toái này. Kết quả là Công ty Omni Medical Systems, trụ sở tại bang Vermont giành được hợp đồng trị giá 2 triệu USD.

Theo ông Mark Bernie, quản lý chương trình nghiên cứu của Omni Medical Systems: "Kỹ thuật ấy phải an toàn, hợp vệ sinh, không rò rỉ, không tạo ra mùi hôi và nhất là không gây nhiễm trùng đường tiểu ngược dòng trong trường hợp phi công phải bay 3, 4 tiếng".

Chương trình nghiên cứu của Omni Medical Systems bắt đầu từ tháng 6/2018. Sau nhiều lần thử nghiệm, tháng 3/2019, họ đưa ra một thiết bị gọi là AMXDmax gồm một cái ly bằng nhựa dẻo có vòi nối với một cái bơm điện bé tí và một cái chai cũng bằng nhựa, dành cho phi công nam giới. Cả ly lẫn chai đều có van ngược nhằm tránh nước tiểu trào ra ngoài khi phi công thực hiện những bài bay phức tạp.

Vẫn theo ông Mark Bernie, trước lúc mặc quần áo bay, phi công sẽ đeo thiết bị này vào bộ phận bài tiết rồi trong khi bay, nếu đi tiểu, nước tiểu sẽ chảy vào ly. Một cảm biến sẽ kích hoạt bơm điện hút hết nước tiểu trong ly rồi chuyển sang chai chứa. Theo thiết kế, chai nhựa chứa được tối đa 1 lít rưỡi, đủ cho một chuyến bay kéo dài 5 giờ đồng hồ. Ông Mark Bernie nói: "Bạn hoàn toàn có thể bay nghiêng, bay ngửa, bay xoắn ốc mà không phải lo lắng gì, kể cả khi chai chứa nước tiểu đã đầy".

Với phi công nữ, cái ly nhựa được thay bằng một miếng mút xốp đặc biệt, tương tự như miếng băng vệ sinh. Khi đi tiểu, nước tiểu thấm vào mút xốp rồi ngay lập tức, bộ cảm biến điều khiển cái bơm điện nằm ngay trong miếng mút xốp, hút sạch. Sau đó, cũng như thiết bị dành cho phi công nam giới, nước tiểu được chuyển sang túi chứa có gắn van ngược để nó không bao giờ đổ ra ngoài.

Từ đó đến giữa năm 2019, Công ty Omni Medical Systems tiến hành thử nghiệm cho hơn 300 phi công tình nguyện. Nó cho thấy AMXDmax hoạt động tốt ngay cả khi phi công bay ở độ cao 10km.

Trung tá Flinker Whitmann, phi công FA-18 cho biết ông không hề thấy vướng víu khi mang bộ thiết bị AMXDmax, còn nữ đại úy Leslie Nimitz thì nói hầu hết nhân viên trên tàu sân bay John F. Kennedy đều không biết các nữ phi công có thiết bị này trong bộ quần áo bay. Cô nói: "Họ thiết kế nó rất gọn, nhẹ, sử dụng đơn giản và hiệu quả, kể cả khi chúng tôi bay liên tục trong 3 giờ".

Cuối tháng 12/2019, hơn 600 bộ AMXDmax đã được Không quân thuộc Hải quân Mỹ đặt mua để trang bị cho các phi công của họ với giá 5.000USD mỗi bộ. Trung tá Ron Flanders, phát ngôn viên của lực lượng này cho biết, Hải quân dự định cung cấp AMXDmax cho tất cả phi công, cả nam lẫn nữ.

Ông Flanders nói: "Chương trình phòng chống rủi ro (MPHA) của Hải quân Mỹ, trực thuộc Bộ Tư lệnh Kỹ thuật Hải quân đã chuyển cho Công ty Omni Medical Systems 1 triệu USD để nghiên cứu thực hiện bộ thiết bị này và hiện vẫn phải xin thêm 1 triệu USD nữa cho phần mua sắm".

Hầu hết nhân viên mặt đất đều không biết phi công chiến đấu mang thiết bị AMXDmax trong bộ quần áo bay.

Trước đó, hồi đầu năm 2018, chỉ huy lực lượng Không quân thuộc Hải quân Mỹ là Phó Đô đốc DeWolfe Miller đã nêu vấn đề "đi tiểu trên máy bay phản lực chiến đấu lúc đang bay" khi tham dự hội nghị chuyên đề "Huấn luyện nghề nghiệp cho phi công nữ".

Trong hội nghị, ông DeWolfe Miller kêu gọi các nhà khoa học tìm ra những phương pháp tiện lợi, an toàn và dễ sử dụng cho vấn đề này. Bên cạnh đó, ông còn đề nghị cải tiến bộ quần áo bay của phi công trực thăng sao cho họ dễ dàng giải quyết nhu cầu bài tiết của cơ thể. Phó Đô đốc Miller nói: "Ưu điểm của trực thăng là có thể hạ cánh ở hầu hết mọi địa hình. Vậy có nên yêu cầu phi công phải mặc bộ áo liền quần không, hay là tách nó thành quần và áo riêng biệt?".

Ý kiến của Phó Đô đốc Miller được nhiều phi công ủng hộ. Mike Stuff, phi công trực thăng AH-60 Black Hawk hiện đang ở Afganistan nói: "Khác với máy bay phản lực chiến đấu, không gian trên trực thăng khá rộng, kể cả những chiếc nhỏ như OH-6. Nếu muốn bài tiết, phi công chính có thể nhờ phi công phụ bay hộ để giải quyết việc này, và sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu không phải mặc bộ quần áo liền nhau".

Tuy nhiên, cũng có những phi công cho biết họ không cần đến thiết bị AMXDmax vì "chỉ tổ phiền toái và tốn tiền!". Đại úy George Osborn, phi công F-15 nói trước khi Công ty Omni Medical Systems phát minh ra bộ thiết bị AMXDmax, ông và một số đồng đội của ông đã có cách giải quyết: "Một cái bao cao su, cắt phần đầu ra rồi nối với một đoạn ống bằng keo epoxy. Ống này lại nối với cái túi nhựa, buộc vào đùi. Tất cả chỉ tốn có 2,5USD. Chúng tôi dùng nó đã hơn 3 năm nay mà chưa hề gặp rắc rối gì cả…".

Vũ Cao (Theo Aviation Weekly)
.
.
.