Những hợp đồng vũ khí béo bở của Anh ở Trung Đông

Thứ Tư, 02/11/2016, 07:30
Cuộc triển lãm hàng không quốc tế Farnborough (FIA) 2016 diễn ra tại thành phố cùng tên ở miền nam nước Anh là sự kiện được tổ chức 2 năm một lần quy tụ nhiều ông lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng trên thế giới. Nhưng ít ai biết rằng, đàng sau cuộc triển lãm là những hợp đồng giao dịch bí mật của các nhà chế tạo vũ khí.

Sự kiện FIA 2016 nằm dưới sự điều hành của UKTI DSO - tổ chức quảng bá xuất khẩu vũ khí của chính quyền Anh - và được tổ chức bởi cựu thủ tướng Anh David Cameron thu hút 80 đại biểu trong lĩnh vực quân sự cùng lượng khách tham gia chừng 100.000 người.

Trong số những nhà tài trợ FIA 2016 là nhà thầu quốc phòng Mỹ nổi tiếng Raytheon tự mô tả là “nhà chế tạo tên lửa hàng đầu thế giới”. Raytheon quảng cáo chuỗi nhà máy của công ty - đặt trụ sở tại thành phố Cambridge bang Massachusetts - đặt tại Essex và Scotland sản xuất bom dẫn hướng Paveway IV đã được “thử nghiệm tại mỗi cuộc xung đột lớn” và chứng minh được là “loại vũ khí được lựa chọn bởi những người dùng cuối”.

Bom dẫn hướng Paveway IV của Anh.

Trong đó, một “người dùng cuối” nhiệt tình là chính quyền Arập Xêút, quốc gia khách hàng lớn nhất của Anh đồng ý ký hợp đồng trị giá 3,5 tỷ bảng Anh cho phần cứng quân sự kể từ đầu năm 2015. Chính quyền Arập Xêút gia tăng chi tiêu quân sự sau khi dẫn đầu một liên minh can thiệp vào Yemen chống lại phiến quân Houthi Shia được Iran hỗ trợ.

Từ đầu năm 2016, nhóm nhà điều tra của tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) đã có mặt tại hiện trường vụ nổ 2 quả bom tại Yemen và tìm thấy bằng chứng chứng minh vũ khí Anh - bao gồm bom dẫn hướng Paveway - được sử dụng. Cả 2 mục tiêu tấn công - một phòng thương mại và một nhà kho - càng củng cố tuyên bố từ HRW rằng Arập Xêút chọn mục tiêu là cơ sở hạ tầng dân sự. Nhà nghiên cứu Kristine Beckerle ở HRW khẳng định việc triển khai vũ khí Anh ở Yemen là bất hợp pháp.

Quang cảnh cuộc triển lãm hàng không quốc tế Farnborough (FIA) 2016.

Trong khi đó, một ủy ban điều tra được thành lập ở Anh kết luận rằng liên minh quân sự do Arập Xêút dẫn đầu chống phiến quân Houthi Shia ở Yemen đã tấn công “nhầm lẫn” vào một khu dân cư ở thành phố cảng Mokha nằm trên biển Đỏ làm chết ít nhất 65 dân thường.

Ủy ban cũng nhấn mạnh liên minh Arập Xêút phải chịu trách nhiệm về vụ không kích một bệnh viện do Tổ chức Các bác sĩ không biên giới (MSF) điều hành chỉ vì nghi ngờ đây là nơi ẩn náu của phiến quân!

Nhiều chứng cứ gây bất lợi thực sự là thảm họa cho ngành kinh doanh quốc phòng đang bùng nổ của Anh. Những số liệu chính  thức được công bố gần đây nhất tiết lộ chính quyền Anh giành được hợp đồng mua vũ khí trị giá 7,7 tỷ bảng Anh hồi năm 2015. Hiện nay, Anh chiếm khoảng 10% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu và trong thập niên qua trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ 2 trên thế giới.

Một nhà máy thực phẩm ở thủ đô Sanna của Yemen bị trúng bom của máy bay liên minh quân sự Arập Xêút.

Theo số liệu từ chính quyền Anh, thị trường xuất khẩu quốc phòng toàn cầu trong năm 2015 là miếng bánh trị giá gần 100 tỷ bảng Anh - tăng 17% so với năm 2014. Do đó, các chính quyền Anh đều cố gắng tìm mọi cách mưu cầu lợi ích từ miếng bánh này. Thủ tướng Tony Blair ra sức ngăn cản một cuộc điều tra về hoạt động xuất khẩu vũ khí đến Arập Xêút; David Cameron cần mẫn tán tỉnh hoàng gia Riyadh; đầu năm 2016 Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon dẫn đầu phái đoàn Anh đến Qatar để quảng cáo máy bay chiến đấu tấn công đa nhiệm Eurofighter Typhoon.

Trung Đông được chính quyền Anh đánh giá là thị trường ưu tiên hàng đầu và khoảng hai phần ba số vũ khí xuất khẩu nước này đều đi đến khu vực. Trong 2 năm qua, Anh ký hợp đồng bán vũ khí trị giá 388 triệu bảng Anh với Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), 170 triệu với Qatar, 120 triệu với Oman và 24 triệu với Bahrain. Và 3 năm qua, Anh bán số vũ khí trị giá 450 triệu bảng Anh cho Thổ Nhĩ Kỳ, 116 triệu cho Ai Cập. Chính quyền Anh cũng ký hợp đồng cung cấp tên lửa với Malaysia và Thái Lan.

Phiến quân Houthi Shia ở Yemen.

Tom Brake, người phát ngôn cho Bộ Ngoại giao Anh, cho rằng London cần xem xét lại chính sách xuất khẩu vũ khí đến Arập Xêút sau khi có bằng chứng phơi bày nước này vi phạm Luật Nhân quyền Quốc tế (IHL) ở Yemen. Tom Brake cũng thừa nhận chính quyền Anh đã thất bại trong nỗ lực giám sát tác động của vũ khí Anh ở Yemen.

Trong khi đó, một nữ phát ngôn cho Bộ Ngoại giao Anh lên tiếng bảo vệ chính quyền Anh là “một trong những chế độ kiểm soát xuất khẩu vũ khí hiệu quả nhất thế giới”! Nhưng, mọi người đều biết rằng Thủ tướng David Cameron từng cấp phép xuất khẩu lô vũ khí trị giá 82 triệu bảng Anh cho Tel Aviv và chúng được sử dụng để đánh bom tàn sát dân thường ở Gaza năm 2009 trong cuộc xung đột mà cả hai bên Israel và Palestine đều bị buộc tội ác chiến tranh.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.
.