Những cuộc đấu trí trên không gian mạng

Thứ Năm, 28/05/2020, 10:10
Không có khái niệm của ngày nghỉ, tiếp xúc trực tiếp hàng trăm nghìn thông tin xấu độc mỗi ngày, làm việc 24/7 (cả thứ Bảy, Chủ nhật), chấp nhận hy sinh một phần hạnh phúc của bản thân, gia đình...

Trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (gọi tắt là Cục An ninh mạng) đã phát hiện, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19.

Phía sau những chiến công góp phần đập tan âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dịch COVID-19 chống phá đất nước, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với Việt Nam là sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ làm nhiệm vụ.

Cán bộ, chiến sĩ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao triển khai công tác tại Bệnh viện Bạch Mai.

Ở nơi ánh đèn không bao giờ tắt

Có thể thấy, trong hơn 3 tháng qua, tại Cục An ninh mạng có những bộ phận không bao giờ tắt ánh đèn... Với tinh thần “mỗi cán bộ chiến sĩ là một dũng sĩ chống giặc”, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, kể từ thời điểm bùng phát dịch bệnh đến nay, lực lượng Công an đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ; là một trong những lực lượng đi đầu tham gia công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Riêng lực lượng an ninh mạng, để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đã phải làm việc 24/7 (cả thứ Bảy, Chủ nhật) tập trung rà soát, phân tích, xử lý hàng trăm nghìn tin, bài trên mạng xã hội Zalo, Facebook, Instagram liên quan dịch bệnh COVID-19. Từ đó, tổ chức truy xét, truy tìm các nguồn tán phát thông tin sai sự thật. Các chiến sĩ đã lần theo những dấu vết số để tìm ra con người thật và phối hợp công an các địa phương tổ chức đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, lừa đảo, trục lợi liên quan đến phòng, chống dịch bệnh...

Một trong số đó là việc làm rõ hành vi đăng tải hàng trăm thông tin thất thiệt về dịch bệnh COVID-19 trên Facebook “Đ.N.Q”. Cục An ninh mạng đã làm việc với Đ.N.Q (trú tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội), là một “KOL” nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook, để làm rõ hành vi đăng tải hàng trăm thông tin chưa được kiểm chứng, thất thiệt về dịch bệnh COVID-19 trên tài khoản Facebook cá nhân.

Từ tháng 2-2020 đến thời điểm đó, tài khoản Facebook “Đ.N.Q” đã phát tán hơn 200 bài viết với nội dung thông tin không xác thực. Trung bình mỗi bài viết trên tài khoản Facebook “Đ.N.Q” đã thu hút hàng nghìn lượt like, chia sẻ, bình luận. Đây được coi là “nguồn phát tán” các thông tin thất thiệt về dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam trên mạng xã hội trong thời gian vừa qua.

Các thông tin thất thiệt trên Facebook cá nhân của Đ.N.Q đã gây hoang mang trong dư luận xã hội, khiến nhiều người chuyển chỗ ở, tích trữ lương thực... ảnh hưởng lớn đến cuộc sống ổn định của người dân. Đ.N.Q đã buộc phải gỡ bỏ 216 bài viết với nội dung thông tin chưa được kiểm chứng và bài viết có chứa các bình luận với nội dung xuyên tạc, đưa tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam trên tài khoản Facebook cá nhân “Đ.N.Q”.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Hà Văn Bắc, Trưởng phòng 3 cho biết, tính đến ngày 12-4, đơn vị đã tổ chức rà soát, phân tích, xử lý hàng triệu tin, bài trên không gian mạng có liên quan đến dịch bệnh. Từ đó, tổ chức truy xét, truy tìm các nguồn tán phát thông tin sai sự thật để kịp thời tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh và lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Cơ quan Công an thu thập dữ liệu hệ thống camera của Công ty Trường Sinh tại Bệnh viện Bạch Mai.

CBCS của Cục đã trực tiếp đấu tranh với 13 đối tượng trọng điểm và phối hợp với công an các địa phương xác minh, triệu tập đấu tranh hơn 1.300 đối tượng, củng cố hồ sơ xử lý hình sự 4 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 300 đối tượng, xử lý 218 cơ sở kinh doanh thiết bị vật tư y tế vi phạm. 100% các đối tượng đều thừa nhận hành vi sai phạm, gỡ bỏ các tin, bài viết và cam kết không tái phạm.

Bên cạnh đó, các CBCS còn chủ động tuyên truyền, đấu tranh phản bác thông tin giả, sai sự thật trên không gian mạng; tập trung đấu tranh vạch mặt âm mưu, thủ đoạn kích động của các thế lực thù địch trên các trang thông tin quốc tế có xu hướng chống Việt Nam và các trang phản động, hội nhóm chống đối như “Việt Tân”, “Dân làm báo”, “Nhật ký yêu nước”... Qua đó, người dân đã nâng cao nhận thức, cảnh giác trước các thông tin sai sự thật.

Những chiến công khó nói được bằng lời

May mắn cho tôi khi được nghe kể về những câu chuyện tưởng chỉ trong phim ảnh thì nay diễn ra với chính những chiến sĩ bàn phím. Đó có thể là một trinh sát không kịp về nhà kỷ niệm 1 năm ngày cưới, ngóng tin từ xa khi con sốt phải vào viện lúc giữa đêm hay phải để con nhờ ông bà chăm sóc. Với Thượng úy Nguyễn Công Tuấn, vì yêu cầu xác minh, đấu tranh với đối tượng nên kỷ niệm ngày cưới chỉ kịp gọi điện thông báo với vợ về muộn, rời cơ quan lúc gần 12h đêm khi đã xong báo cáo.

Anh kể: “Tối đó, tôi về đến nhà muộn, rón rén mở cửa và thật cảm động khi thấy vợ vẫn ngồi đợi, mâm cơm vẫn trên bàn và chiếc bánh như tôi đã mua tặng vợ khi ngỏ lời yêu. Lúc đó, tôi chỉ biết ôm chặt vợ vào lòng và cám ơn cô ấy đã quên đi những thiệt thòi khi làm vợ của một người công an để hiểu và thông cảm cho công việc của tôi”.

Đặt nhiệm vụ đơn vị lên trên hết, vì chiến đấu với tin giả, tin xuyên tạc về dịch bệnh COVID-19 mà con ốm cũng không thể về, phải để vợ một mình bắt xe giữa đêm cho con vào viện, chia sẻ lại với chúng tôi Thượng úy Vũ Hải Nam rơm rớm nước mắt. Hay, với các cán bộ chiến sĩ nữ có con nhỏ, rất bận bịu với công việc, đi sớm, về muộn, không còn chút thời gian cho riêng mình, thậm chí đến về nhà muộn rồi vẫn phải vừa bế cho con ngủ vừa làm báo cáo, thu tin.

Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng cho biết: Đảng ủy, lãnh đạo Cục đã động viên CBCS bố trí làm việc ca kíp, đảm bảo công việc thực hiện thường xuyên, liên tục 24/24 tác chiến trên môi trường mạng, đơn vị vẫn quan tâm chăm lo, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ và công tác phòng dịch.

Ngoài việc khẩn trương đấu tranh xử lý đối tượng, đơn vị còn thành lập đội phản ứng nhanh, vào tận nơi phát sinh ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai để phối hợp với các đơn vị liên quan, không quản ngày đêm tập trung trích xuất, phân tích 25 terabyte (TB) dữ liệu, sàng lọc 26.340 tệp dữ liệu; xác định hình ảnh của 19.294 trường hợp đến bệnh viện Bạch Mai và Công ty Trường Sinh trong thời gian từ 12-27-3, để kịp thời rà soát, xác minh, truy tìm những người có khả năng lây nhiễm, phục vụ công tác cách ly, ngăn chặn dịch bệnh.

Trong quá trình này, cán bộ của đơn vị đã phải tiếp xúc, lập biên bản, rà soát, kiểm tra, trích xuất dữ liệu thiết bị điện tử liên quan trên diện rộng tại tâm dịch trong Bệnh viện Bạch Mai, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng, vượt qua khó khăn, họ vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngay sau khi có nguồn dữ liệu, Trung tâm 1 đã tiến hành trích xuất để phục vụ phân tích, sàng lọc, xử lý hình ảnh kịp thời báo cáo lãnh đạo Cục; báo cáo lãnh đạo Bộ trao đổi Bộ Y tế các kết quả thu được nhằm phục vụ công tác rà soát, quản lý các trường hợp đã từng đến Bệnh viện Bạch Mai và truy tìm bệnh nhân F0, F1...

Các CBCS làm công tác đảm bảo an toàn, ninh mạng hằng ngày phải tiếp xúc với hàng nghìn thông tin độc hại nhưng vẫn luôn nỗ lực, âm thầm rà soát, sàng lọc, xử lý để loại bỏ các nguồn tin sai sự thật gây tâm lý hoang mang, xáo trộn cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong xã hội.

Xuân Mai - Khánh Hòa
.
.
.