Lặng thầm cuộc đấu trí trên không gian mạng

Thứ Bảy, 23/05/2020, 08:25
Trong những ngày cả nước gồng mình chống dịch COVID-19, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao (CNC) đã tác chiến trên không gian mạng...


Trong cuộc chiến lặng thầm đó, những "Chiến sỹ bàn phím" đã phát hiện, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch bệnh. Từ đó, góp phần đập tan âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dịch bệnh chống phá đất nước, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với Việt Nam. 

Ở nơi ánh đèn không bao giờ tắt

Hôm đó, vào khoảng 20h, thông tin về trường hợp của bệnh nhân số 17 nhiễm COVID-19 có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc với nhiều người..., xuất hiện trên không gian mạng và bắt đầu lan truyền với tốc độ chóng mặt. 

Vào thời điểm này, Việt Nam đã và đang làm công tác kiểm soát dịch tốt nên chỉ có 16 người nhiễm bệnh...,  nhưng khi thông tin về bệnh nhân số 17 xác định dương tính với COVID-19 có hoạt động khai báo không trung thực được chia sẻ trên không gian mạng đã khiến người dân hoảng loạn và lo sợ.

Nhiều người đã chỉ trích, công kích, lên án thậm chí soi mói, bóc mẽ, thêm thắt đời tư và câu chuyện của bệnh nhân số 17 để thông tin thêm giật gân hơn. Ví dụ như bệnh nhân đi dự khai trương Uniqlo, đi lên phố Tạ Hiện... Chỉ trong một buổi tối có đến hàng chục nghìn thông tin dạng đó được lan truyền, số lượng quá lớn và thời gian phát sinh vào thời điểm muộn gây hoang mang dư luận.

Trong tình hình đó, các đối tượng phản động cũng coi đây là ngòi nổ để đăng các bài viết xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong công tác chống dịch COVID-19.

Các đối tượng cho rằng 16 người nhiễm bệnh là con số giả, đồng thời dựng lên thuyết âm mưu rằng bệnh nhân số 17 như một con tốt thí, khi có nhiều bệnh nhân phát bệnh sẽ dễ dàng để công bố nhiều ca mắc mới. Rồi các đối tượng nhận định sai lệch về dịch bệnh, đưa ra phỏng đoán về số người nhiễm bệnh có thể lên đến hàng chục nghìn ca trong thời gian ngắn khiến cho dư luận hoang mang...

Ngay trong đêm hôm đó, lãnh đạo đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sỹ (CBCS) vào cuộc nắm, phân loại, đối chiếu các dạng thông tin. Rà soát, lập danh sách với các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, các bài viết có nội dung công kích vô căn cứ để tiến hành các biện pháp ngăn chặn.

Nửa ngày một lần, kíp trực lại có báo cáo về các hoạt động của các đối tượng trên không gian mạng. Đồng thời, phối hợp với Công an các địa phương mời, gọi hỏi, xử lý các đối tượng đăng tin sai sự thật. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin chính thống để giải độc các thông tin xấu; kết hợp với các cơ quan báo chí để chiến đấu trên mặt trận thông tin và các phương tiện thông tin truyền thông...,  góp phần ổn định tình hình.

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đối tượng không chỉ xuyên tạc về tình hình dịch bệnh, số người chết, người bị nhiễm bệnh mà còn đưa ra những thông tin sai sự thật nhằm phủ nhận thành quả chống dịch của Nhà nước và nhân dân ta; phủ nhận vai trò lãnh đạo, nỗ lực của Đảng, Chính phủ và của hệ thống chính trị trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Trên không gian mạng hành vi của các đối tượng càng tinh vi, với nhiều thủ đoạn. Trong đó phải kể đến việc đưa tin một nửa sự thật, chỉ khơi gợi những vấn đề có lợi cho các đối tượng còn bản chất của sự việc thì che giấu. Một số đối tượng còn đánh tráo khái niệm, tuyên truyền bịa đặt, xuyên tạc.

Trung úy Bùi Thế Anh, cán bộ Phòng 3, Cục ANM và PCTP sử dụng CNC cho biết, dù là bịa đặt nhưng nếu được lặp đi lặp lại, qua một thời gian lâu ngày cũng có thể khiến giả thành thật và đánh vào đối tượng là những người đọc không có bộ lọc thông tin và không có thói quen kiểm chứng tính logic của thông tin; thủ đoạn biến không thành có...

Xâu chuỗi các hiện tượng đơn lẻ để xâu chuỗi thành một sự việc khác; dùng sai hệ quy chiếu, dùng hệ quy chiếu khác biệt để đánh giá, phán xét mà không quan tâm đến các giá trị lịch sử, các nhận định và quan điểm đạo đức.

Các đối tượng hoạt động không theo thời gian cố định, không đi theo giờ hành chính… Có thông tin là phải đi thực tế để xác minh về con người. Từ tên tuổi và số đăng trên face phải làm rõ được câu hỏi đó có đúng là đối tượng gây án hay không và làm theo quy định của pháp luật, phải có căn cứ và cơ sở. 

Để phân loại các thông tin, người cán bộ phải có sự nhạy cảm về chính trị. Một người hàng ngày phải xử lý hàng trăm thông tin. Các bài trực diện dễ nhận biết, nhưng có những bài viết tinh vi hơn như một nửa sự thật, biến sai thành đúng.

Làm việc không có ngày nghỉ, nhiều ngày liền không có thời gian về thăm nhà, các tin mới luôn được cập nhật; các bài về vi phạm pháp luật phải nắm 24/24... Người trinh sát trẻ ấy không khỏi xót xa khi nhìn thấy không ít thanh niên tham gia mạng xã hội rơi vào ma trận thông tin và bị các đối tượng xâm phạm ANQG lợi dụng, lôi kéo hoặc thay đổi tư tưởng, có sự bất mãn đối với Đảng, Nhà nước...

Trung tâm 1 họp bàn với Hải đội 1 Tổng cục Hải quan.

Với Thượng úy Nguyễn Công Tuấn, cán bộ Cục ANM và PCTP sử dụng CNC, đó là kỷ niệm 2 năm ngày cưới nhưng vẫn không được về nhà. Những ngày đó, do điều động của cấp trên, anh được giao nhiệm vụ truy xét, truy tìm các trường hợp liên quan đến bệnh nhân số 21.

Hôm đó trên không gian mạng xuất hiện nhiều tin bài, liên quan đến bệnh nhân này. Trong đó, có nhiều nội dung xuyên tạc đời tư và khai thác hình ảnh về vợ, con và nhân thân lai lịch của bệnh nhân phát lên mạng rồi xuyên tạc về lịch trình di chuyển...

Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng phòng đã chỉ đạo đơn vị tập trung nắm tình hình, xác định các nguồn và truy xét, truy tìm các đối tượng tung tin xuyên tạc… Các anh đã làm việc đến khoảng 3h sáng thì mới hoàn thành. Chẳng kịp nghỉ ngơi, anh và đồng đội đã tập hợp thành báo cáo; phối hợp với Công an địa phương, gọi hỏi các đối tượng.

Qua truy xét, truy tìm đã xác định được hơn 20 đối tượng có hoạt động thông tin về bệnh nhân 21 đầu tiên và tổ chức đấu tranh. Sau khi xác định các đối tượng, đơn vị đã có công văn gửi đến Công an các địa phương, hướng dẫn phương thức đấu tranh với các đối tượng lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, bởi trên không gian mạng liên quan đến chứng cứ điện tử, dữ liệu số. Nếu không thận trọng, các đối tượng sẽ dễ dàng tẩu tán chứng cứ. 

Kể chuyện rà soát giữa tâm dịch Bệnh viện Bạch Mai

Cho đến bây giờ, Thượng tá Nguyễn Tường Quân, Giám đốc Trung tâm 1 thuộc Cục ANM và PCTP sử dụng CNC và đồng đội vẫn không thể quên được những ngày làm việc ở tâm dịch trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai.

Anh nhớ lại: Ngày 4/4, Cục ANM và PCTP sử dụng CNC nhận được công văn của Bộ Y tế đề nghị trích xuất dữ liệu camera giám sát của Công ty Trường Sinh, nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai. Trong công văn cũng thông báo, khu vực làm việc đã được các đơn vị của Bộ Quốc phòng khử khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai sẽ trang bị đồ bảo hộ và đảm bảo các điều kiện an toàn phòng dịch...

Cán bộ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao làm nhiệm vụ tại tâm dịch Bệnh viện Bạch Mai.

Song vào thời điểm đó, các ca bệnh của Công ty Trường Sinh liên tục bị phát hiện nên yêu cầu đặt ra đòi hỏi phải nhanh chóng làm rõ các thông tin ghi lại. Áp lực công việc đặt ra đối với anh và đồng đội là rất lớn...

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 “về việc rà soát, quản lý các trường hợp đã từng đến Bệnh viện Bạch Mai” và mục tiêu chính là phát hiện và truy tìm ra trường hợp F0 nhiễm COVID-19 đã gây ra ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Thượng tá Nguyễn Tường Quân và đồng đội đã bắt tay ngay vào công việc.

Thượng tá Nguyễn Tường Quân cho biết: Khi xây dựng kế hoạch, anh và đồng đội phải đối mặt với không ít khó khăn. Đặc điểm hệ thống camera giám sát của Công ty Trường Sinh lắp đặt trên diện rộng của Bệnh viện Bạch Mai chủ yếu khu vực nhà ăn, khu căng tin, khu hành lang…, đều là khu vực đang bị cách ly.

Trong khi đó, hệ thống thiết bị giám sát này sử dụng nhiều loại đầu ghi hình khác nhau lắp đặt tại phòng giám đốc Công ty Trường Sinh hiện đã bị niêm phong và cách ly, hệ thống thu tín hiệu từ 64 camera, dữ liệu được lưu trong các ổ cứng dung lượng lớn 6TB được đặt tại phòng làm việc của Giám đốc Công ty (đã được công ty niêm phong); chìa khóa do ông Sinh – Giám đốc Công ty giữ trong khi đó bản thân ông Sinh hiện đang cách ly tập trung nên đến ngày 5/4, bộ phận bảo vệ của Bệnh viện Bạch Mai mới lấy được chìa khóa để mở cửa.

Từ 13h đến 20h ngày 5/4/2020, tổ công tác của Trung tâm 1 đã phối hợp làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, các đồng chí cán bộ trực tiếp thực hiện được trang bị đồ bảo hộ và tuân thủ các yêu cầu về phòng dịch. Quá trình tiến hành có đại diện của Công ty Trường Sinh và bộ phận bảo vệ của Bệnh viện Bạch Mai chứng kiến việc mở niêm phong phòng làm việc do Công ty Trường Sinh tự thực hiện. Trung tâm 1 đã tiến hành trích xuất, xử lý dữ liệu.

Ngay sau khi có nguồn dữ liệu, Trung tâm 1 đã tiến hành trích xuất để phục việc phân tích, xử lý, sàng lọc hình ảnh; kịp thời báo cáo lãnh đạo Cục báo cáo lãnh đạo Bộ trao đổi Bộ Y tế các kết quả thu được, nhằm phục vụ cho công tác rà soát, quản lý các trường hợp đã từng đến Bệnh viện Bạch Mai và truy tìm bệnh nhân F0, F1…

Trong quá trình đó, CBCS của Trung tâm 1 phải trực tiếp tiếp xúc làm việc, trong bệnh viện Bạch Mai nên nguy cơ đối với CBCS bị lây nhiễm COVID-19 là rất cao. Trong trường hợp bị lây nhiễm bệnh dịch bản thân CBCS sẽ phải thực hiện điều trị y tế, cách ly theo quy định, thậm chí ảnh hưởng tới gia đình, người thân và gây gián đoạn hoạt động công tác của đơn vị như cách ly, phong tỏa doanh trại...

Vượt qua những khó khăn, trong quá trình phối hợp làm việc với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ, CBCS đã tuân thủ các quy định, yêu cầu về an toàn phòng dịch, đảm bảo an toàn cho CBCS trong quá trình làm nhiệm vụ.

Thượng tá Hà Văn Bắc, Trưởng phòng 3 cho biết, tính đến ngày 12/4, đơn vị đã tổ chức rà soát, phân tích, xử lý hàng triệu tin, bài trên không gian mạng có liên quan đến dịch bệnh. Từ đó, tổ chức truy xét, truy tìm các nguồn tán phát thông tin sai sự thật để kịp thời tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh và lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Những con số đã minh chứng những nỗ lực đó. Đơn vị đã trực tiếp đấu tranh với 13 đối tượng trọng điểm và phối hợp với Công an các địa phương xác minh, triệu tập đấu tranh hơn 1.300 đối tượng, củng cố hồ sơ xử lý hình sự 4 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 300 đối tượng, xử lý 218 cơ sở kinh doanh thiết bị vật tư y tế vi phạm.

Xuân Mai
.
.