Đừng để trẻ ngộ độc cây quả dại

Thứ Tư, 03/05/2017, 11:25
Từ ngày 10-4 đến 21-4-2017, ở Nghệ An và Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra ba vụ ngộ độc do ăn hạt quả ngô đồng trồng trong trường học, vụ việc cũng làm gần 70 em học sinh nhập viện cấp cứu.


Hồn nhiên ăn quả… độc

Ngày 10-4, 12 học sinh lớp 2, Trường tiểu học Tân Giang, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ăn quả ngô đồng nhặt trong sân trường phải nhập viện. Các em này  đã khỏe lại sau một ngày nằm viện...

 Chiều 20-4, trong giờ ra chơi, nhiều học sinh lớp 2 và lớp 3, Trường tiểu học Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An rủ nhau đi ăn quả ngô đồng. Hơn 10 phút sau, một số em đau bụng, nôn mửa. Nhà trường gọi xe cấp cứu đưa số học sinh trên đến Trung tâm y tế thị xã Cửa Lò. Ông Phùng Đức Nhân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Cửa Lò cho biết có khoảng 30 học sinh phải đi cấp cứu và cho biết các em là học sinh lớp 2 và lớp 3 đều cùng nhau ăn quả ngô đồng...

Chiều 21-4, lúc tan trường, các em học sinh lớp 6, 7 Trường phổ thông dân tộc nội trú - THCS Quỳ Châu, Nghệ An thấy quả ngô đồng rơi nhiều ở sân trường nên cùng nhau ăn... Hơn 20 giờ, thầy Phạm Mạnh Hùng, hiệu trưởng nhà trường nhận được tin báo điện thoại của giáo viên trực giáo vụ là sau giờ ăn tối một số học sinh nội trú đến xin thuốc uống, các em có triệu chứng buồn nôn, đau bụng, đi ngoài... chưa rõ lý do.

Ngô đồng thân gỗ.

Do đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở nội trú tại trường nên dễ tìm hiểu, biết các em cùng ăn hạt quả cây ngô đồng vào buổi chiều tan học... Ngay lập tức nhà trường đưa các em đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu.

Ngày hôm sau, 37 em được xuất viện với tinh thần ổn định, sau khi được truyền dịch và các bác sĩ trấn an tâm lý. Thầy Hùng cho biết, có 5 em bị nặng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy dữ dội.

Em Lữ Thị Ý, học sinh lớp 6A3, kể lại, lúc tan học, thấy một số bạn nam trong lớp nhặt quả ngô đồng chín rụng trong sân trường đập vỡ vỏ, lấy hạt ăn. Đang đói bụng, thấy các bạn ăn trước nói ngon, bùi như lạc nên em cũng ăn theo mà không biết đây là hạt có độc. Có bạn ăn một hạt, có bạn chỉ ăn nửa hạt...

Các dược sĩ và bác sĩ cho biết hạt cây Ngô đồng có dầu, ăn bùi nhưng làm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy. Ngộ độc nặng sẽ chảy máu đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột (ói hay tiêu chảy ra máu); tiêu chảy nặng sẽ chết vì sốc do trụy tim mạch; chảy máu và hoại tử một số cơ quan, phủ tạng; suy thận.

Độc tố trong hạt ngô đồng là một protein độc, thuộc nhóm toxalbumil (chất albumin - giống lòng trắng trứng - độc),  có chung cơ chế gây độc là ức chế tổng hợp protein ở tế bào, làm tế bào chết vì thiếu protein - chất căn bản của sự sống. Do tế bào không thể tổng hợp protein, nên các triệu chứng xuất hiện nhanh, cách vài giờ đến một ngày sau khi nhiễm độc, tử vong sau 3 ngày đến khoảng hai tuần. Một số cây gần gũi trong đời sống có chất thuộc nhóm toxalbumil như hạt Thầu dầu có chất ricin, hạt Cam thảo dây có chất abrin...

Tuy các chất nhóm này vào cơ thể theo đường tiêu hóa (như ăn hạt ngô đồng) ít độc hơn nhiều lần so với đường hô hấp và đường máu nhưng cũng rất nguy hiểm. Liều chết trung bình của abrin với người từ 10 - 1000 microgam/kg trọng lượng cơ thể theo đường tiêu hóa và 3,3 microgam/kg trọng lượng cơ thể khi hít vào phổi. Liều chết trung bình của ricin với người là 22 microgam/kg trọng lượng cơ thể.

Do tính kịch độc của nhóm chất này nên từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất Mỹ đã có ý tưởng chế tạo đám bụi hay đám mây ricin nhưng không thành; hoặc làm lớp phủ trên đạn, bi trong đạn nhưng bị công ước quốc tế và chính luật của Mỹ cấm.

Gần đây, ngày 29 tháng 5 năm 2013, một thư nặc danh gửi đến thị trưởng thành phố New York, Michael Bloomberg; một thư gửi Mark Glaze, Giám đốc tổ chức những thị trưởng chống lại việc buôn súng bất hợp pháp (Mayors Against Illegal Guns - MAIG), ở Washington; thư thứ ba được gửi tới Tổng thống Barack Obama, đều có dấu vết của ricin. Nữ diễn viên Shannon Richardson bị buộc tội và đã nhận tội vào tháng 12-2013. Ngày 16 tháng 7 năm 2014, Richardson bị kết án 18 năm tù giam và phạt 367.000 USD.

Trước đây, thế giới không thiếu những vụ ám sát chính trị gia đình đám tìm thấy chất ricin... Ở nước ta, cây ngô đồng còn gọi là cây vạn linh, sen núi, dầu lai có củ. Có hai loại ngô đồng là ngô đồng cảnh và ngô đồng thân gỗ. Ngô đồng thân gỗ được trồng nhiều để có bóng mát và các trường học thường thấy loại ngô đồng này. Loại này thân có gai; lá hình tim, hơi ba cạnh; nhựa và hạt cây có dầu; quả lúc chín màu nâu sậm, bên trong có hai hạt.

Làm gì để không ngộ độc những cây, quả dại?

Từ chuyện ngộ độc nấm thấy rằng, nói đến nấm ăn có lẽ nhiều người nhất biết rằng có nấm độc, thế nhưng số người ngộ độc nấm hàng năm cũng không ít. Huống hồ trong tự nhiên quanh ta có nhiều loại cây, quả có độc nhưng rất gần gũi đời sống...

Ví dụ, nói đến cà độc dược hay trúc đào thì khá nhiều người biết là loại cây độc nhưng ít người biết cây thầu dầu có độc; còn nói đến những cây nghe lạ hoắc như cây thông thiên, cây sừng trâu, cây đai vàng, cây ngô đồng... thì rất hiếm người biết là độc...

Ngô đồng cảnh.

Ba vụ việc trên tuy chưa có học sinh nguy kịch tính mạng song là cảnh báo cho các nhà trường về sự nhận biết những sinh vật độc của học sinh. Đành rằng, các em bị ngộ độc hạt ngô đồng trong các vụ việc trên còn nhỏ đều là học sinh lớp 7 hoặc lớp 2, 3 và ngay cả bố mẹ các em cũng chưa chắc đã biết hạt ngô đồng có độc. Ở đây chúng tôi muốn nói đến vai trò của nhà trường. Liệu có nên đưa vào chương trình giảng dạy một bài giảng về cây, quả độc, những động vật nguy hiểm...?

Chỉ có bằng cách này thì mới có nhiều nhất số trẻ biết được những nguy hiểm tiềm ẩn trong cuộc sống mà tránh được. Không học thì đương nhiên không biết, vì thế lính và phi công Mỹ ở Việt Nam trước đây được phát một quyển sách, trong đó mô tả rõ những thứ cây, quả ăn được và không ăn được... Các em ở trường tiểu học Nghi Hòa còn bảo quả ngô đồng là quả óc chó, ăn vào sẽ rất thông minh, vì thế rủ nhau đi ăn(!?)

Ngày 23-4, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã gửi công văn "khẩn" đến các phòng giáo dục huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc sở, chỉ đạo các cơ sở, trường học rà soát, loại bỏ ngay các loại cây, hoa có độc trồng làm cảnh, lấy bóng mát hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên trường học.

Nếu phải trồng để giảng dạy học, nghiên cứu phải có biển báo và các biện pháp kiểm soát an toàn; yêu cầu ban giám hiệu trường tuyên truyền tới giáo viên, học sinh và phụ huynh tuyệt đối không ăn các loại hoa, quả có độc hoặc nghi ngờ có độc...

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế có công văn khẩn yêu cầu triển khai các biện pháp phòng ngừa ngộ độc, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, trong đó khuyến cáo các loài cây, hoa có độc thường gặp như cây lá ngón, cây cà độc dược, cây trúc đào, cây thông thiên, cây đai vàng, cây bông tai, cây thầu dầu, cây ngô đồng. Tuy nhiên, nếu trẻ không nhận diện được cây độc thì nếu sân trường không có chúng cũng sẽ ăn ở chỗ khác. Có lẽ tốt nhất phải dạy cho trẻ nhớ rằng, cây, quả gì không biết thì không được ăn.

Bs Trần Kiên
.
.
.