Đại dịch kích hoạt sự thích ứng

Thứ Năm, 30/04/2020, 08:21
COVID-19 được ví như một sự kiện "thiên nga đen" đưa thế giới vào giai đoạn cách ly xã hội, thậm chí phong tỏa quốc gia, để đảm bảo sự sống còn của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới đây nhận định, chính những "bóng ma" kiểu COVID-19 lại đang mở ra những xu hướng mới giúp các tổ chức và doanh nghiệp thay đổi, từ đó tăng khả năng chống đỡ trước các đại dịch hay khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Từ thực trạng không mấy khả quan

Dịch hạch kinh hoàng những năm 1300 thay đổi cách thức sử dụng lao động và đem lại sự phát triển cho một số ngành như nước hoa, xây dựng hay kiến trúc. Dịch SARS giai đoạn 2002-2004 đã trở thành chất xúc tác cho sự lên ngôi của Alibaba, đưa tập đoàn thương mại điện tử này lên thống trị thị trường bán lẻ châu Á nhờ nỗi sợ di chuyển ra khỏi "vùng an toàn" của người dân.

Tương tự, khủng hoảng tài chính 2008 đã "kích hoạt" ý tưởng chia sẻ phòng Airbnb trong bối cảnh người dân cần tìm kiếm giải pháp thắt chặt hầu bao khi thu nhập suy giảm.

Bệnh viện thông minh hoạt động dựa trên nền tảng IoT và AI.

Hiện nay, COVID-19 cũng đang tạo nên điều tương tự khi giới quan sát nhận ra một số dấu hiệu thay đổi sẽ tạo nên xu hướng có ảnh hưởng lâu dài, định hình các hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Trong bối cảnh này, chính các doanh nghiệp và người lao động sẽ tham gia "chu trình bình thường hoá" thời hậu COVID. Điều này xuất phát từ thực tế COVID-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi hệ thống bán lẻ đứng trước thách thức khan hiếm thuốc men, nhu yếu phẩm và cả... giấy vệ sinh.

Sức tàn phá của COVID-19 bao trùm mọi lĩnh vực của nền kinh tế, "hạ gục" GDP của từng quốc gia, gây ra các hệ luỵ suy thoái nghiêm trọng đòi hỏi rất nhiều thời gian để phục hồi. Trong khi đó, người lao động phải làm việc tại nhà, đồng thời chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Gia tăng cách ly, hạn chế tiếp xúc xã hội hay giới hạn phạm vi di chuyển vô hình trung khiến tinh thần mỗi người có thể trở nên u ám hơn trước.

Cơ hội "cộng sinh"

Xuất phát từ thực trạng các chuỗi cung ứng toàn cầu dường như thiếu kết nối an toàn và mong manh trước đại dịch, nhiều ý kiến dự đoán chúng sẽ tìm cơ hội "cộng sinh" để tạo nên hệ sinh thái "đề kháng tốt" trước khủng hoảng. COVID-19 xảy ra, nguy cơ mất kiểm soát nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất hay tiêu thụ sản phẩm là rất rõ. 

Trung Quốc là ví dụ điển hình, khi mà việc công xưởng của thế giới phải thu mình trước SARS-CoV-2 đã đánh thẳng vào nhiều nền kinh tế vốn có nhiều hoạt động sản xuất phụ thuộc vào "nguồn cung" Trung Quốc.

Sự yếu thế của hoạt động kinh doanh bị phơi bày, đặt ra yêu cầu các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất cần độc lập hơn, phối hợp linh hoạt với nhau và theo dõi chặt chẽ đường đi của dòng nguyên liệu và sản phẩm qua các quốc gia, châu lục cũng như từng đơn vị cung cấp. 

Các chuyên gia tin rằng, một nền tảng khổng lồ hậu COVID-19 sẽ được hình thành dựa trên năng lực công nghệ sẵn có bao gồm mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và chuỗi khối. Người tiêu dùng sẽ đóng vai trò mắt xích quan trọng, cùng với các đơn vị phân phối, thông qua những hệ thống cung ứng "thép" trong mạng lưới thương mại điện tử toàn cầu. Ngoài ra, mô hình xe tự động và thiết bị bay không người lái trở thành những "người vận chuyển" thông minh.

Thành phố IoT

Sự càn quét khủng khiếp của COVID-19 buộc các chính phủ phải vào cuộc với tốc độ khẩn trương chưa từng có. Các bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán được hoàn thiện trong 10 ngày, trang bị các dụng cụ hiện đại nhất khi Trung Quốc bước vào đỉnh dịch. Hay Hàn Quốc đã tận dụng điện thoại thông minh để theo dõi di chuyển của người nhiễm bệnh nhằm cảnh báo cho cộng đồng theo thời gian thực. Từ đây, không ít chuyên gia nhận định, tình thế sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu thành phố thông minh được mở rộng.

Trên thực tế, chưa đến 1% tổng số thành phố lớn trên thế giới đang thử nghiệm mô hình thành phố IoT, với tham vọng ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán và điều trị bệnh. 

Những bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 cho thấy, chính phủ nên đầu tư vào các thành phố nhỏ có tiềm năng ứng dụng IoT, song song với chiến lược bệnh viện thông minh để phản ứng nhanh chóng trước những sự kiện "thiên nga đen". Sự phối hợp của các ông lớn công nghệ, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực đô thị thông minh và chính phủ là điều kiện tiên quyết để hiện thực hoá tham vọng thành phố IoT của tương lai.

Việc phát triển bệnh viện thông minh dựa trên nền tảng bốn trụ cột. Đầu tiên là công nghệ chuỗi khối, cho phép lưu trữ lượng dữ liệu bệnh án khổng lồ và chia sẻ nhanh chóng trong quá trình khám chữa bệnh với độ bảo mật rất cao. Tiếp đó là kỹ thuật phát triển dược phẩm chính xác dựa vào dữ liệu lớn và nghiên cứu về gen dưới sự hỗ trợ của AI. Ngoài ra, cũng cần nhắc đến phục hồi chức năng ứng dụng thực tế ảo, hay kiểm soát sức khoẻ từ xa nhờ việc thu thập dữ liệu qua các thiết bị thông minh cho phép đo nhịp tim cùng những dấu hiệu sinh tồn khác.

Hỗ trợ sức khoẻ tâm thần

Nhiều ý kiến cảnh báo nguy cơ "choáng" trước sự thay đổi về điều kiện làm việc và học tập vì COVID-19. Học trực tuyến hay làm việc từ xa, tại nhà dần trở thành một xu thế trong suốt khoảng ba tháng qua. COVID-19 đã và đang tác động đến tinh thần của mỗi người, khiến các doanh nghiệp và trường học phải đau đầu tìm giải pháp khắc phục. Vì vậy, một số công ty khởi nghiệp đang nhắm đến lĩnh vực hỗ trợ sức khoẻ tâm thần thông qua nền tảng kỹ thuật số.

Đơn cử như Humu, cái tên đình đám do một cựu nhân viên Google sáng lập, với mục đích giúp nhân viên tìm thấy sự tự do và hạnh phúc, giảm mệt mỏi căng thẳng để làm việc năng suất hơn. Humu phát triển dựa trên sự kết hợp của thành tựu khoa học máy tính, những nghiên cứu hàng thập kỷ về hành vi con người và cả... tình yêu.

Trong khi đó, Github và Automatic cung cấp các ứng dụng cho phép tạo môi trường giao tiếp và chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhân viên giảm bớt cảm giác cô đơn và nặng nề khi "gánh" deadline một mình tại nhà. Nhiều tổ chức khác bao gồm Braive và Moment Pebble chuyên hỗ trợ các gói dịch vụ tư vấn tâm lý, cùng ứng dụng sức khoẻ tâm thần, hướng đến mục tiêu xử lý khủng hoảng và cố vấn chiến lược làm việc từ xa hiệu quả...

Nguyễn Tuyết (tổng hợp)
.
.
.