Những kinh nghiệm hay xây dựng đô thị thông minh

Thứ Sáu, 01/11/2019, 08:01
Diễn đàn Liên chính phủ về GTVT bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 đã chính thức bế mạc. 

Qua các phiên họp tại diễn đàn, nhiều đại biểu trong nước và quốc tế đã cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển thành phố thông minh và giao thông theo hướng xanh, sạch, trong đó nhấn mạnh muốn xây dựng một thành phố thông minh, cần ưu tiên phương thức vận tải khối lượng lớn như: Xe buýt, tàu điện, sử dụng năng lượng điện.

Trước gần 300 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự diễn đàn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Cùng với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu đi lại và số lượng phương tiện giao thông vận tải, nhiều thành phố trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề về phát triển hệ thống giao thông như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, gia tăng nhanh phát thải khí nhà kính từ hoạt động GTVT…”.
Một thành phố thông minh cần ưu tiên phương thức vận tải khối lượng lớn. (Ảnh minh hoạ)

Vì vậy, chiến lược phát triển GTVT của Việt Nam đặt ra mục tiêu: Phát triển hệ thống GTVT theo hướng hiện đại, chất lượng ngày càng được nâng cao với chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Peter Newman, Đại học Curtin (Australia) cho rằng, đô thị thông minh gắn liền với những ứng dụng công nghệ thông minh trong giao thông như gắn cảm biến tự động trên các xe ôtô để tự động truyền thông tin tới trung tâm điều hành giao thông về các tuyến giao thông tắc nghẽn.

Nếu muốn xây dựng một thành phố thông minh, cần ưu tiên phương thức vận tải khối lượng lớn như: Xe buýt, tàu điện, sử dụng năng lượng điện.

“Nếu ưu tiên vận tải lớn, cần quy hoạch xây dựng các làn đường dành riêng cho xe buýt khối lượng lớn, tàu điện không chạy ray, biến hành lang đô thị thành hệ thống vận chuyển tốc độ nhanh. Cùng đó, cần xây dựng trạm sạc pin dùng năng lượng mặt trời”, ông Peter nói.

Bên cạnh đó, ông Shivananda Swamy, Giám đốc điều hành Trung tâm Giao thông đô thị Ấn Độ cho biết, Ấn Độ hiện có 14 thành phố đã có metro, 8 thành phố có buýt nhanh BRT và đang thúc đẩy hợp tác đầu tư PPP hệ thống đường sắt và giao thông công cộng.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu quốc tế cho rằng, để xây dựng thành phố thông minh cần gắn đầu tư giao thông xanh, sạch trong quy hoạch phát triển đô thị. Về lĩnh vực này, ông Simon Ng, chuyên gia từ Hội đồng môi trường kinh doanh của Hong Kong chia sẻ: Diện tích Hong Kong nhỏ, trong khi dân số lại quá đông. Vì vậy, Hong Kong phát triển đô thị theo hướng cao tầng, chiếm ít diện tích.

Đặc biệt, chủ trương phát triển mạnh mạng lưới đường sắt đô thị, coi đây là loại hình giao thông xương sống vì vận chuyển khối lượng lớn, tính kết nối cao, chiếm ít diện tích và nhất là thân thiện môi trường, ít phát thải. Khi xây đường sắt đô thị, phải tính toán hành khách chỉ đi bộ khoảng 500m là đến 1 ga và có mạng lưới xe buýt, trạm xe buýt kết nối tốt với tàu điện.

Cùng đó, cần phát triển khu thương mại, dịch vụ, hệ thống bán lẻ, mua sắm trong khu vực các trạm đường sắt, xe buýt để người dân không phải di chuyển quá xa, vẫn có thể đáp ứng các nhu cầu cuộc sống...

Bày tỏ thêm quan điểm tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể  cho biết, đối với phát triển giao thông vận tải tại các thành phố, Việt Nam chủ trương phát triển mạnh hệ thống xe buýt; nhanh chóng đầu tư các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao và tàu điện ngầm, từng bước tăng tỷ lệ đảm nhận của vận tải khách công cộng tại các thành phố; kiểm soát sự phát triển của xe máy, ôtô cá nhân, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; từng bước phát triển hệ thống giao thông thông minh tại các đô thị.

Để đạt được mục tiêu này, trong điều kiện kinh tế xã hội và hạ tầng kỹ thuật như hiện nay, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, cần tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới.

Bộ trưởng Thể tin tưởng qua diễn đàn này, các kinh nghiệm tốt từ các nước, các ý tưởng mới về giao thông thông minh, về công nghệ cacbon thấp trong GTVT sẽ được chia sẻ để hướng tới phát triển hệ thống GTVT bền vững.

Phạm Huyền
.
.
.