Bom Ninja - Vũ khí đặc biệt của quân đội Mỹ

Thứ Tư, 22/05/2019, 10:17
Đó là một loại vũ khí không phát nổ mà chĩa ra 6 lưỡi dao để xé tan mục tiêu. Nó đã được sử dụng trong các vụ tấn công quan trọng do lực lượng Mỹ thực hiện năm 2017 và 2019.

Theo tờ Wall Street Journal, chính phủ Mỹ đã phát triển một loại tên lửa bí mật, được thiết kế đặc biệt để thực hiện không kích vào các mục tiêu nhỏ như tiêu diệt thủ lĩnh khủng bố mà không cần gây nổ. Nhờ đó, loại vũ khí này có thể giảm thiểu thiệt hại và nguy cơ gây thương vong cho dân thường.

Cả Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Lầu Năm Góc đã sử dụng loại vũ khí này nhưng vẫn giữ bí mật về sự tồn tại của chúng.

Đây là một phiên bản chỉnh sửa của tên lửa Hellfire nổi tiếng, một loại vũ khí mang đầu đạn nhồi chất trơ. Thay vì phát nổ, tên lửa Hellfire này được thiết kế để bắn ra hơn 45kg kim loại xuyên qua nóc ô tô và tòa nhà để tiêu diệt mục tiêu mà không làm tổn hại đến những người và tài sản gần đó. Đối với người bị nhắm tới, vũ khí này như một khối kim loại lao thẳng xuống từ bầu trời.

Hình vẽ mô phỏng R9X.

Tuy nhiên, phiên bản biến thể của Hellfire mang tên R9X được trang bị một loại "chất nổ" khác: 6 lưỡi dao dài xếp bên trong và được kích hoạt xuyên qua lớp vỏ tên lửa để xé tan mọi thứ trên đường đi.

Chi tiết về loại vũ khí bí mật này và những lần triển khai đã được cả chục quan chức Mỹ hiện nay và trước kia xác nhận. Có nhiều đồn đoán về loại vũ khí này nhưng sự phát triển và sử dụng chưa từng được tiết lộ.

R9X chỉ được một nhóm người biết tới. Nó được ví như "dao Ginsu bay" vì lưỡi dao có thể cắt xuyên tòa nhà và nóc ô tô. Biệt danh bắt nguồn từ loại dao phổ biến được bán trên kênh truyền hình thương mại cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Trong quảng cáo, loại dao này có thể cắt cả cành cây cũng như cà chua. R9X cũng được ví là bom Ninja.

Tên lửa R9X được sản xuất thời Tổng thống Barack Obama để tránh gây thương vong cho dân thường trong những chiến dịch không kích kéo dài của Mỹ ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria, Somalia, Yemen và những nơi khác. Ngoài cân nhắc về mặt nhân đạo và pháp lý, thương vong dân thường có thể làm giảm sự ủng hộ của đồng minh và dư luận với các mục tiêu chiến lược của Mỹ.

Tuy nhiên, các quan chức cho biết còn có một lý do nữa để Mỹ phát triển loại vũ khí này: Khủng bố ngày càng thích nghi với các cuộc không kích của Mỹ. Chúng ẩn náu trong nhóm phụ nữ và trẻ em để thoát khỏi tầm với.

Vũ khí này được phát triển từ năm 2011. Nó được coi là "kế hoạch B" để tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda Osama bin Laden trong khu nhà của hắn ở Abbottabad, Pakistan. Về sau, Mỹ quyết định dùng lực lượng đặc nhiệm để tiêu diệt Bin Laden.

Các biến thể Hellfire thông thường được sử dụng nhằm vào các nhóm hoặc một mục tiêu giá trị cao đang ở gần nhiều phiến quân. Tuy nhiên, khi xác định được một mục tiêu duy nhất thì R9X là một lựa chọn.

R9X không được sử dụng thường xuyên, chỉ được triển khai trong một số trường hợp cụ thể, nhất là khi đã xác định được mục tiêu thủ lĩnh khủng bố cấp cao nhưng nếu dùng vũ khí khác sẽ có rủi ro giết chết dân thường vô tội. Bộ Quốc phòng Mỹ mới sử dụng R9X khoảng 5 hay 6 lần trong các chiến dịch ở Libya, Syria, Iraq, Yemen và Somalia.

Tháng 1-2019, Lầu Năm Góc đã dùng R9X để tiêu diệt Jamal al-Badawi, kẻ bị cáo buộc đứng đằng sau vụ đánh bom tàu USS Cole năm 2000 tại một cảng ở Yemen khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.

Tháng 2-2017, CIA đã phóng R9X từ máy bay, tiêu diệt tên Ahmad Hasan Abu Khayr al-Masri, một người Ai Cập là nhân vật số 2 của Al-Qaeda, tại tỉnh Idlib của Syria.

Sau những chiến dịch như vậy, nhiều người chứng kiến hoặc xem ảnh đã  đồn đoán về loại vũ khí mới này. Các cuộc tấn công không gây thiệt hại giống như những cuộc không kích thông thường của Mỹ.

Tên lửa Hellfire (dài hơn 1,5m và nặng hơn 45kg) thường để lại vỏ bị cháy đen, biến dạng, xung quanh là nhiều mảnh vỡ và vết sém trên một bán kính lớn. Với R9X, nó không để lại dấu vết như vậy. Ảnh chụp hiện trường sau vụ tấn công Ahmad Hasan Abu Khayr al-Masri cho thấy có một lỗ hình chữ nhật trên nóc ô tô mà tên này đang lái. Không có dấu vết cháy của một vụ nổ. Kính chắn gió ô tô bị rạn nhưng cần gạt nước trên kính vẫn còn nguyên.

Một cựu quan chức Mỹ cho biết R9X giải quyết được vấn đề "ghế trái, ghế phải" hóc búa lâu nay. Tức là về mặt lý thuyết, R9X có thể tiêu diệt người ngồi ở ghế hành khách trên một chiếc ô tô đang di chuyển mà không gây hại đến người lái xe.

Hiện chưa rõ quá trình phát triển vũ khí này ra sao. Chỉ biết, sự hình thành R9X được thúc đẩy sau khi ông Obama công bố chính sách hồi tháng 5-2013, theo đó thiết lập quy tắc mới về dùng lực lượng sát thương bên ngoài vùng chiến sự như Afghanistan. Ông Obama nói: "Khi hành động, phải gần như chắc chắn không gây thương vong cho dân thường".

Theo một cựu quan chức Mỹ, R9X có thể được sử dụng khi còn nghi ngờ về kết cấu hay vật liệu xây dựng nơi mà tên khủng bố đang ẩn náu. R9X có thể tiêu diệt tên khủng bố mà không làm sập tòa nhà và gây thương vong cho những người khác bên trong.

Để dùng vũ khí này, cần có thông tin tình báo chính xác về vị trí và những thứ xung quanh mục tiêu. Vì R9X giảm thiểu rủi ro thương vong dân thường nên có nhiều cơ hội phóng loại vũ khí này hơn, từ đó giảm số giờ mà quân đội phải theo dõi và giảm số giờ máy bay trang bị vũ khí phải bay trên trời theo dõi mục tiêu.

Tổng thống Donald Trump hồi tháng 3 đã bãi bỏ một yêu cầu có từ thời ông Obama về việc phải báo cáo hàng năm về thương vong dân thường trong các cuộc không kích ngoài vùng chiến sự. Ông Trump cũng trao cho CIA nhiều linh hoạt hơn trong thực hiện các vụ tấn công bằng thiết bị không người lái - vốn không phải đáp ứng nhiều yêu cầu về trách nhiệm như quân đội Mỹ.

Hai trong số các quan chức nói về loại vũ khí bí mật này cho rằng chính phủ Mỹ lẽ ra nên thừa nhận sự tồn tại của nó cách đây nhiều năm. Thừa nhận sự tồn tại của R9X sẽ gửi thông điệp cho thế giới Hồi giáo rằng Mỹ đặc biệt quan tâm tới việc tránh thương vong cho dân thường.

Bà Sarah Holewinski, người cố vấn quân đội Mỹ về cách giảm thiệt hại cho dân thường trong chiến tranh, lưu ý rằng nếu dân thường biết về loại vũ khí như R9X, họ có thể ít đề phòng hơn trong tránh rủi ro từ các cuộc không kích. Tuy vậy, bà cho rằng vũ khí như R9X dường như có rất nhiều lợi ích.

Thùy Dương
.
.
.