Nhiều câu hỏi về việc bồi thường tại Khu đô thị mới huyện Thới Lai

Thứ Tư, 10/07/2019, 16:33

Xung quanh vụ việc hàng chục hộ dân ấp Thới Thuận B (thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) bức xúc trước những bất cập, thiếu công bằng trong việc hỗ trợ, đền bù, tái định cư liên quan đến dự án Khu đô thị mới (KĐTM) ở huyện này, chiều 9-7, UBND huyện Thới Lai đã tổ chức họp báo thông tin về dự án.


Tại buổi họp báo, đại diện UBND huyện Thới Lai - ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai cho biết, Thới Lai là huyện vùng ven của TP Cần Thơ. Dự án KĐTM được kêu gọi đầu tư nhiều năm liền và vào năm 2016 thì được Công ty CP tư vấn thiết kế Cadif tham gia. Dự án đang xây dựng rầm rộ. Tuy nhiên, còn một số vấn đề như các hộ dân ảnh hưởng trong vùng dự án chưa đồng tình, khiếu nại.

Ông Lê Tấn Thiện, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Lai nói, dự án có tổng diện tích là 9,8 ha. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng di dời là 140 hộ. Tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với số tiền hơn 74 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường về đất hơn 66 tỷ đồng. UBND huyện đã ban hành quyết định phê duyệt 140 hộ nhưng đến nay đã có 119 hộ nhận tiền, với số tiền hơn 56 tỷ đồng. Riêng 21 hộ chưa nhận tiền, trong đó có 18 hộ có nhà và đất cặp Tỉnh lộ 922. Ngoài ra, có 64 hộ đã có quyết định phê duyệt chính sách tái định cư.

Các hộ dân bị thu hồi đất liên quan đến dự án KĐTM huyện Thới Lai bức xúc trước những bất cập trong công tác đền bù, hỗ trợ.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, vào tháng 12-2017, UBND huyện Thới Lai ban hành Quyết định số 5357/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo đó, Hội đồng bồi thường huyện Thới Lai chỉ bồi thường với mức giá 40% của loại đất ODT 2016 (nghĩa là 6.000.000đ * 40% = 2.400.000đ/m2) với lí do là đất không đủ điều kiện và GCNQSDĐ. 

Theo những gì UBND huyện Thới Lai trả lời cho các hộ dân cũng như báo chí, dự án KĐTM được nhà nước thu hồi đất và kêu gọi đầu tư nhằm từng bước hoàn thiện nhu cầu phát triển đô thị, tạo môi trường sống khang trang, văn minh… 

Thế nhưng, ngay khi triển khai, công tác thu hồi đất, đền bù hỗ trợ đã lộ rõ những bất cập, gây ảnh hưởng các hộ dân trực tiếp bị thu hồi đất. Cụ thể, tổng số hộ sử dụng đất cặp Tỉnh lộ 922 là 59 hộ. Tuy nhiên, chỉ có 2 trường hợp được cấp GCNQSDĐ đó là ông Võ Thành Ngôn và ông Nguyễn Hữu Lộc; 11 trường hợp khác được xét đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ của Hội đồng đăng ký đất đai  - UBND huyện Thới Lai nên được bồi thường với giá 6.000.000đ/m2 và chính sách tái định cư theo quy định.

UBND huyện Thới Lai họp báo cung cấp thông tin xung quanh những bất cập trong việc bồi thường, hỗ trợ tại KĐTM.

Nói rõ hơn vấn đề này, ông Lê Tấn Thiện lí giải: “Một số hộ dân cho rằng khi trích lục theo bản đồ 302 và có ghi diện tích đất ở và xác nhận của Chi nhánh văn phòng đăng ký mà tại sao không được áp dụng. Để được xem xét cấp giấy chứng nhận phải có tên trong các loại giấy tờ được thiết lập theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10-11-1980 của Chính phủ. Không thể theo bản đồ số 302, bởi vào năm 2004, UBND thành phố có chủ trương về việc số hóa hệ thống hồ sơ địa chính đo đạc chính quy, nên có thuê đơn vị đo đạc để làm cơ sở quản lý chứ không phải lấy đó làm cơ sở cấp giấy chứng nhận (!)”. 

Đến thời điểm hiện tại 41 hộ đã nhận tiền, 18 hộ chưa nhận tiền, 25 hộ giao mặt bằng và 34 hộ chưa giao. “Vì sao 2 hộ dân được cấp GCNQSDĐ vào thời điểm đó, huyện cũng đã xem xét lại, qua thanh tra, thẩm tra trình tự thủ tục, thì thời điểm đó là đúng quy định (!?) nên phải bồi thường theo quy định. Chúng tôi cũng thấy được những bất cập giữa các hộ dân” – ông Thiện nói.

Trong đơn trình bày gửi đến Báo CAND, các hộ dân cho biết, do đất ở định cư cũng như kinh doanh, sản xuất từ trước năm 1995 đến nay nên đã nhiều lần yêu cầu ngành chức năng cấp GCNQSDĐ trước thời điểm công bố quy hoạch rất lâu nhưng đều bị từ chối. Ông Nguyễn Hoàng Trung Kiên cho biết, 8 anh chị em trong gia đình được cha là Nguyễn Hoàng Việt phân chia đất để làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, vào ngày 5-12-2017, UBND huyện Thới Lai ban hành quyết định số 5354 về việc thu hồi 3.004,5 m2 đất lúa và 295,5 m2 đất ODT (được Sở TN&MT TP Cần Thơ công nhân và lưu trữ theo bản đồ 302 và bản đồ 299) mà gia đình đã trực tiếp sử dụng, sản xuất kinh doanh từ trước 1995 đến nay. 

“Từ năm 1991 cha tôi, đến các anh, chị rồi đến tôi cũng như nhiều hộ dân khác đã nhiều lần xin được cấp sổ đỏ nhưng không được. Mặc dù, giấy tờ của gia đình chúng tôi là đầy đủ điều kiện, cụ thể là đơn xin đăng kí quyền sử dụng đất được ông Nguyễn Hoàng Việt gửi đến UBND huyện Ô Môn cũ (nay là huyện Thới Lai) và sổ kê khai diện tích và thu nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp – thuế đất... Tuy nhiên, một số hộ thì được cấp để được hưởng chính sách bồi thường, tái định cư mặc dù cùng là đất mương lộ như chúng tôi. Như thế là bất cập, bất công…”, ông Kiên bức xúc.

Còn ông Liêu Dương, nguyên Phó Ban Nhân dân ấp Thới Thuận (nay là ấp Thới Thuận B), là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cho rằng, thời điểm năm 1990 có rất nhiều hộ dân “bỗng nhiên” được Nhà nước cấp sổ đỏ tại khu vực này. “Trong đó có hộ của tôi, ông Phan Văn Bé (Trưởng Ban Nhân dân ấp thời điểm đó), ông Nguyễn Hữu Lộc, ông Thái Hồng Quân và ông Nguyễn Văn Hoàng (Phó Chủ tịch UBND xã Thới Lai thời điểm đó), Nguyễn Văn Sáu…. \

Được một thời sau thì ở xã xuống “mượn” lại sổ đỏ để kiểm tra thông tin, rồi thu hồi luôn. Lý do là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó cấp sai. Tôi, ông Bé, ông Quân và mấy người khác nữa chấp hành, nộp lại, nhưng có hai người không chịu nộp, giữ lại là ông Nguyễn Hữu Lộc và Nguyễn Văn Sáu nên có sổ đỏ luôn tới tận bây giờ. 

Sau đó, ông Nguyễn Văn Sáu bán phần đất này lại cho ông Nguyễn Văn Sĩ. Rồi ông Nguyễn Văn Sỹ bán cho ông Võ Thành Ngôn và vẫn được công nhận có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Liêu Dương kể.

Tại buổi họp báo, nhiều cơ quan báo chí có chung thắc mắc: “Người dân ở trên đất của họ, được xác định là thổ cư và có đóng thuế hàng năm nhưng lại không được bồi thường ?. Câu hỏi này chưa được cơ quan chức năng lý giải cụ thể. 

Trước câu hỏi về việc sau khi bị giải tỏa cuộc sống của người dân có tốt hơn hiện tại hay không ?. Ông Phạm Thanh Trúc – Giám đốc chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thới Lai, cho biết: “Một số trường hợp khó khăn công ty có hỗ trợ cho người dân. Ví dụ như các trường hợp trong quá trình thực hiện tháo dỡ giao mặt bằng thay gì người dân phải thuê nhân công tháo gỡ, thì chủ đầu tư hỗ trợ nhân công để tháo dỡ. Người dân đỡ tốn chi phí phần đó”.

Dự án KĐTM huyện Thới Lai đang được triển khai thi công dù còn nhiều bất cập, bức xúc, quyền lợi của các hộ dân bị ảnh hưởng chưa được giải quyết thấu đáo.

Cũng với câu hỏi trên, được ông Nguyễn Thành Út – Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai trả lời: “Theo quy định, thì hộ nào có đất thổ cư đủ điều kiện bồi hoàn thì 6.000.000đ/m2, còn không đủ chỉ 30% số đó. Tuy nhiên UBND huyện thấy người dân mất mát cũng lớn nhưng chỉ biết căn cứ theo quy định, điều khoản nào chứ không dám thêm, dám bớt. Do đó tôi có mạnh dạng kiến nghị với thành phố là trước đây các dự án trong thành phố là 30%, đề nghị nâng lên. Sau đó Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định cụ thể là 40%”.  

Ông Dương Minh Thành, Cán bộ địa chính UBND thị trấn Thới Lai cho biết: “Trên tuyến Tỉnh lộ 922 thì không ai có trong hồ sơ vì khi làm đường thì đưa vào đất hành lang an toàn lộ giới do nhà nước quản lí, không hiểu vì sao 11 hộ trên lại có trong hồ sơ và 2 hộ được cấp GCNQSDDĐ”. Ông Thành cũng không nắm rõ nguyên nhân dẫn đến những bất cập nêu trên. 

Trần Lĩnh
.
.
.