Ghi nhận trách nhiệm của các thầy thuốc BVĐK Đức Giang, Hà Nội

Thứ Tư, 13/11/2019, 08:22
LTS: Mới đây, Báo CAND nhận được bài viết của nhà văn Anh Chi, tức Lê Văn Sen, nguyên là cán bộ NXB CAND dưới dạng một bức thư ngỏ. Ông đã xúc động viết về những người thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Hà Nội đã hết lòng cứu giúp ông trong một tai nạn nghiêm trọng.

Ông viết:

“Tôi là Anh Chi (tức Lê Văn Sen), thường trú tại nhà 24 ngõ 222, phố Thanh Am, quận Long Biên, Hà Nội. Buổi sáng ngày 17-7-2019 , tôi bị một tai nạn giao thông rất nặng, ngay sau đó đã được xe cấp cứu của Bệnh viện đưa về cứu chữa. Đến nay, tay phải tôi (do bị gãy xương ống và xương vai trong vụ tai nạn) dù chưa khỏi hẳn, sử dụng bàn phím máy tính còn vụng về, tôi vẫn muốn sớm viết thư này để bày tỏ lòng biết ơn Bệnh viện, biết ơn những thầy thuốc khoa Chấn thương - chỉnh hình, đặc biệt là những bác sĩ cùng các cán bộ điều dưỡng tại buồng bệnh do bác sĩ Vũ Mạnh Linh phụ trách, đã trực tiếp cấp cứu, chữa điều trị và chăm sóc tôi nhiều ngày nằm nội trú cũng như hôm nay đang điều trị ngoại trú.

Thưa Ban giám đốc,

Là người đã trải qua chiến tranh chống Mỹ, từng bị thương không chỉ một lần ở vùng chiến địa Hàm Rồng – Nam Ngạn những năm 1971 – 1972, nhưng chưa lần nào tôi bị thương tổn nặng như lần tai nạn này. Chỉ trong một tháng, phải qua ba lần phẫu thuật và tôi đã vượt qua được, đặc biệt là ca mổ đầu tiên nối lại cổ chân gẫy dập. Thân nhân cùng bạn bè của tôi coi sự thành công của ca mổ đó là một điều lạ thường, bởi họ đã nghĩ có thể tôi không thể còn giữ lại được bàn chân phải bầm dập, nát bấy. Nhưng đến nay, tôi đã đứng được và đang tập đi với bàn chân mà cha mẹ đã sinh ra cho tôi thuở mới chào đời. Và tôi rất hiểu, có được điều lạ thường cho cuộc sống của tôi, là do tài năng y học cùng sự tận tâm tận lực của bác sĩ Trần Trung Kiên, bác sĩ Vũ Mạnh Linh cùng các đồng nghiệp của anh tạo nên! Không chỉ qua cuộc phẫu thuật đầu tiên đó, mà ca phẫu thuật thứ hai nối xương cẳng tay cùng nối xương vai, và ca phẫu thuật thứ ba mổ khớp gối, nối dài thêm xương ống chân, những thầy thuốc khoa Chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện Đức Giang cũng đã thực sự thành công bởi chính năng lực y học hiện đại và tấm lòng từ mẫu của họ!

Tôi đã ngoài bảy mươi tuổi, nên tự biết khả năng hồi phục các vết thương về xương cốt đã rất hạn chế. Sau mỗi lần phẫu thuật, sức sống trong tôi vơi cạn nhiều. May sao, trong buồng bệnh tôi nằm, các cán bộ điều dưỡng Nguyễn Văn Tùng, Phan Thị Phương Nhã, Đồng Thị Khánh,... chăm sóc bệnh nhân thật tận tình. Bất cứ lúc nào, dù đã tối muộn hay đêm khuya, biết tôi cần sự giúp đỡ, các anh, chị ấy đều đến giúp và động viên tôi. Hơn một tháng trời, nhiều lần tôi được cáng thương chở đi phẫu thuật hoặc chụp, chiếu X-quang, phải qua một khâu rất khó khăn là khiêng chuyển tôi với nhiều vết thương nặng từ vai tới bàn chân từ cáng thương lên bàn mổ hoặc bàn máy X-quang. Hộ lý Nguyễn Thị Huệ là người có kỹ năng rất thuần thục trong việc đó, chỉ một động tác nhanh và dứt khoát, đôi tay chị đã đưa được tôi từ cáng thương hạ êm nhẹ lên bàn mổ hay bàn máy X-quang mà không bị đau đớn. Điều dưỡng viên Phan Thị Phương Nhã, mỗi lần đưa tôi lên cáng thương đi phẫu thuật đều nói: “Ông Sen cố gắng nhé, phải quay lại đây để bọn con chăm cho kỳ khỏi nhé!”...

Các việc, từ cho tôi uống thuốc, thay băng mỗi sáng hoặc truyền dịch buổi trưa, buổi tối, điều dưỡng viên đều làm rất chu đáo. Có lúc do đau và yếu mệt quá, tôi ngủ thiếp đi, cái nẹp định vị nơi khớp chân tôi bị xô lệch, lát sau đã có đôi tay của một thầy thuốc lặng lẽ và nhẹ nhàng chỉnh sửa lại cho đúng vị trí của nó... Những việc đó thực sự là tình thương mến tôi đã cảm nhận được trong những ngày nằm chữa trị tại Bệnh viện. Và chính tình thương mến đó giúp tôi vượt qua những cơn đau yếu dễ dàng hơn, khiến tôi biết tự đòi hỏi mình kiên trì mát-xa các vết thương, các cơ khớp để nó ấm nóng, mềm lại, chóng thoát khỏi sự co cứng…

Bệnh viện Đức Giang là một bệnh viện lớn hàng đầu của Thủ đô Hà Nội gồm 45 khoa, ban, phòng, trong đó có 9 khoa cận lâm sàng và 26 khoa lâm sàng với hơn năm trăm giường bệnh. Mỗi ngày, số người bị tai nạn hay ốm đau phải nhập viện cứu chữa là rất nhiều; và mỗi ngày, cũng thật nhiều bệnh nhân được xuất viện trở lại với cuộc sống bình thường để lao động, công tác, đóng góp cho nền kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung là rất lớn!

Kính thưa Ban Giám đốc Bệnh viện

Từ buồng bệnh của khoa Chấn thương - chỉnh hình do bác sĩ Vũ Mạnh Linh phụ trách tôi xuất viện về ngoại trú đã được hơn hai tháng. Sức khỏe khá lên, rồi dần dà tôi tập đứng, tập đi theo hướng dẫn của bác sĩ Vũ Mạnh Linh. Hôm nay, không cần xe đẩy hay nạng chống, tôi bắt đầu đi lại dược trong căn phòng của mình, và tôi thấy cần thiết phải viết thư ngỏ này, kính nhờ Báo Công an nhân dân cho đăng rộng rãi, để bày tỏ lòng biết ơn những người thầy thuốc Khoa chấn thương - chỉnh hính của bệnh viện đã cứu chữa cho tôi cùng rất nhiều bệnh nhân nữa. Và, tôi cũng xin trân trọng cảm ơn ông Giám đốc cùng tập thể Ban Giám đốc bệnh viện đã đào luyện nên những người thầy thuốc giàu y đức và giỏi y thuật!

Thanh Am, Long Biên, Hà Nội, 12-11-2019

Kính thư!

A.C.
.
.
.