"Lên chức" cụ vẫn giết người vì… ghen

Thứ Bảy, 19/10/2019, 13:08
Dù đã lên chức… cụ vì khi ấy cháu ngoại vừa sinh con, nhưng Nguyễn Thị Hồng, SN 1956, trú tại xã Qúy Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn nổi máu ghen tuông vì chỉ vì mỗi khi cãi nhau lại bị chồng đem so sánh với người phụ nữ khác. Cho rằng người đàn bà cùng tuổi ấy mê hoặc chồng mình, bà Hồng xuống tay sát hại để rồi sau đó phải trả giá đắt với bản án 17 năm tù.


Già còn nổi máu Hoạn Thư

"Nếu như hôm đó tôi bình tĩnh hơn thì sự việc đã không xảy ra. Cũng chỉ tại bị chồng mắng mỏ, đem tôi ra so sánh với người đàn bà kia khiến tôi mất bình tĩnh", bà Hồng bộc bạch khi nhắc lại chuyện cũ.

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Thị Hồng nghi ngờ chồng mình là ông Trương Văn Thân có quan hệ bất chính với chị Phạm Thị L. từ năm 2009 nên đã nhiều lần gặp chị L và yêu cầu chấm dứt việc quan hệ bất chính với chồng mình nhưng người phụ nữ ấy không thừa nhận.

Khoảng 8h30' ngày 6-9-2013, sau trận cãi vã với chồng, bà Hồng đạp xe xuống chợ Kim, tính chuyện hỏi tội chị L. vì cho rằng chính vì người phụ nữ này mà mỗi lần vợ chồng va chạm với nhau, chị L. lại là mẫu người để ông Thân so sánh và mong muốn vợ mình được như thế.

Nữ phạm nhân Nguyễn Thị Hồng chia sẻ trong trại giam.

Khi đi ngang qua sạp bán dao, Hồng hỏi mua một con dao tiết lợn rồi đi thẳng đến khu vực chị L bán trứng. Tới nơi, bà Hồng không hỏi một câu nào mà cầm dao đâm một nhát vào vùng ngực gần nách phải của chị L. khiến người phụ nữ này tử vong trên đường đi cấp cứu. Với hành vi này, bà Hồng bị kết án 17 năm tù giam về tội giết người.

Nhắc lại ngày bị bắt, bà Hồng bảo không sao quên được cảm giác nhục nhã khi hàng trăm con mắt của những người thân quen, họ hàng, láng giềng và cả người qua đường nhìn mình. Rồi những lời xì xầm mà cho đến bây giờ nhiều lúc đang làm việc, bà Hồng vẫn bất giác nghĩ tới. Rồi những ngày trong trại tạm giam chờ đi cung, hầu tòa,… tất cả là những lo lắng, xấu hổ và dằn vặt.

"Ngày ra tòa mới là cực hình đối với tôi. Gia đình nạn nhân khóc lóc, chửi bới đòi đền mạng. Cảm giác của tôi lúc ấy rất sợ hãi. Tôi không dám ngẩng mặt  nhìn xuống dưới nhưng tai thì vẫn nghe hết mọi lời chửi rủa. Tôi sợ họ xông lên đánh chết", bà Hồng kể. Khi nghe chủ toạ phiên toà tuyên án 17 năm tù, bà Hồng đã sốc và ốm mấy tháng trời khi nghĩ tới quãng thời gian dằng dặc phía trước phải sống trong tù.

Hỏi có chống án không, bà Hồng lắc đầu cười buồn: "Chỉ là tôi không ngờ rằng cuối đời mình lại phải vào đây sống chứ tội lỗi mình gây ra cho gia đình người ta có đi tù là xứng đáng".

Về Trại giam Phú Sơn 4 thi hành án, cải tạo lao động ở đội làm hàng mã, bà Hồng bảo công việc nhàn, phù hợp với sức của mình nhưng phải ngồi nhiều nên lắm lúc hay bị tê bì chân tay.

"Lắm lúc mỏi chân, tôi lại đứng lên đi lại. Cán bộ quản giáo nhìn thấy cũng không quở trách gì mà còn động viên rằng làm được đến đâu thì làm. Câu nói ấy khiến tôi suy nghĩ nhiều lắm. Ở cái tuổi lên ông lên bà như mình, đáng ra phải an vui bên con cháu mà còn gây chuyện đến nỗi phải vào đây. Chính vì thế mà bất đắc dĩ lắm tôi mới đứng lên, đi lại chứ không dựa dẫm vào tuổi tác để mà trốn lao động", bà Hồng bộc bạch.

Hỏi bà Hồng có phải ai cũng hay liên hệ bản thân như thế không hay vì tuổi tác và tính cách khiến Hồng suy nghĩ, nữ phạm nhân có mái tóc bạc trắng nửa đầu cười cười rằng khi đã vào trong này rồi thì ai cũng rất nhạy cảm, rất hay suy diễn và chỉ vì một lời nói của người khác đôi khi là bâng quơ, là vô tình cũng khiến mình mất ăn mất ngủ vài ngày.

"Ngày mới vào, tôi không làm sao quên được cảm giác tủi hổ khi được mọi người cùng buồng hỏi về tội lỗi của mình. Biết là họ hỏi để biết thôi nhưng tôi vẫn có cảm giác đang bị hàng chục đôi mắt phán xét bủa vây làm cho ngột ngạt, khó thở.

Sau này tôi mới hiểu mọi người thường làm thế với những phạm nhân mới vào để biết và cũng là để tránh đụng chạm tới khi trò chuyện. Đều là người có tội sống với nhau, chúng tôi không muốn làm khó ai nếu chẳng may nói năng đụng chạm",  bà Hồng tâm sự.

Theo lời người phụ nữ này thì so với nhiều phạm nhân nữ phạm tội có mức án dài, bà Hồng là người may mắn vì không bị chồng con bỏ rơi.

Tâm nguyện ngày ra trại

"Tôi rất may mắn là không bị chồng con bỏ rơi. Sau những gì đã xảy ra, mọi người trong nhà đã thông cảm và tha thứ cho tôi. Con cháu tôi bận học hành, làm việc nên vài ba tháng mới lên thăm tôi còn ông ấy thì tháng nào cũng lên.

Chẳng để làm gì đâu nhưng được nói với nhau vài câu động viên, hỏi thăm sức khỏe, thế là cũng hiểu được lòng nhau rồi. Với tôi, những lời thăm hỏi ấy còn đáng giá gấp trăm ngàn lần được ăn sơn hào hải vị", bà Hồng kể, đôi mắt đỏ hoe.

Phạm nhân Trại giam Phú Sơn 4 đang lao động cải tạo ở xưởng may mặc.

Cũng giống như bao người đàn bà khác, nỗi niềm đều dành cả vào chồng con và chỉ khi nhắc đến gia đình, chồng con thì dù là người đàn bà cứng rắn nhất cũng rơi lệ. Bà Hồng cũng vậy. Mặc dù rất thành thật kể về những cảm súc của mình ngày bị bắt, ngày mới vào trại, thậm chí là cả những khi buồn chán, tuyệt vọng nhất nhưng bà Hồng không một lần rơi lệ. Bà Hồng bảo đấy là sự trả giá mà bất cứ kẻ gây ra tội nào cũng có và phải gắng mà vượt qua. Nhưng khi nhắc đến chồng, đến con thì sự cứng rắn ấy dường như biến mất.

"Tôi sinh ra ở vùng nông thôn, học cũng chỉ để biết chữ còn cuộc sống từ bấy đến giờ mãi gắn với con trâu với ruộng đồng. Chuyện dựng vợ gả chồng cũng là do bố mẹ định đoạt nhưng chúng tôi thương nhau thật lòng", bà Hồng nhắc về dĩ vãng.

Lấy chồng từ năm 17 tuổi, dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng bà Hồng là tháo vát trong vai trò làm vợ, chăm lo vun vén cho gia đình nhỏ của mình. Cuộc sống tuy có khó khăn vất vả, nhưng bà Hồng luôn cảm thấy mãn nguyện vì vợ chồng hiểu ý nhau, chăm chỉ làm lụng nuôi con.

Ngoài làm ruộng, vợ chồng bà Hồng còn thay nhau chạy chợ, làm thuê để duy trì cuộc sống của gia đình nhỏ. Ngôi nhà ấy và cuộc sống của họ bắt đầu nhàn hạ và dư giả hơn khi các con của bà Hồng lớn, lập gia đình riêng.

Người phụ nữ này bảo rằng, sống với chồng hơn 40 năm, có với nhau 3 đứa con, 15 đứa cháu và giờ đã có 2 chắt ngoại. Gia đình luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng nói của trẻ thơ. Hai vợ chồng cũng vì thế mà bỏ buôn bán, ở nhà trông cháu cho các con chuyên tâm làm kinh tế.

Cứ nghĩ cuộc sống của hai vợ chồng già cứ bình dị như thế đến cuối đời, ai ngờ những chuyện nhỏ nhặt trong sinh hoạt đời thường lúc trẻ có thể bỏ qua thì nay lại bị tuổi già chấp nhặt. Mỗi khi không vừa ý với một việc làm nào đó của bà Hồng, ông Thân lại đem vợ ra so sánh với người phụ nữ bán trứng ngoài chợ. Ông bảo bà không phải vất vả sớm hôm như người ta, sống sung sướng mà vụng ăn vụng làm.

"Ban đầu tôi không để ý đâu, thậm chí còn bảo ông ấy thích thì sang đó mà sống. Nhưng khi ông ấy nói nhiều quá thì tôi đã không nín nổi tò mò. Tôi đã đi gặp người phụ nữ kia", bà Hồng kể.

Giống như một vết rạn nứt ngày càng bị khoét sâu bởi những lời nói của chồng, bà Hồng đã không nhẫn nhịn được. Nhất là khi biết người phụ nữ mà chồng mình hay nhắc đến trẻ hơn mình và đang sống cảnh góa bụa nuôi con thì cảm giác bất an trong lòng bà Hồng mỗi ngày thêm nặng trĩu. Sau rất nhiều ngày tâm tư, suy nghĩ, Hồng quyết định đến gặp người phụ nữ kia để nói chuyện.

Đương nhiên là bà Hồng bị "người ấy" chửi cho một trận. Nhưng những câu so sánh của ông Nhân trong lúc nóng giận cứ như những giọt nước mưa rơi vào vết thương đang rớm máu trong lòng người vợ khiến bà Hồng đau đớn và cay cú để rồi trong lúc không kiềm chế được đã gây nên tội ác. 6 năm trôi qua, bà Hồng đã có sự thay đổi trong cách nhìn nhận lại tội lỗi của mình.

"Những ngày tạm giam tôi có thời gian nghiền ngẫm về tội lỗi của mình. Tôi đã thấy mình vô lối, ghen tuông thái quá. Chồng tôi cũng đã nhận ra sai lầm của mình. Ông ấy bảo cũng chỉ muốn tôi tốt lên, mong tôi đừng cáu bẳn những chuyện vặt vãnh mới đem so sánh với người thiên hạ. Ông ấy muốn tôi nhìn gương cô ấy một mình lam lũ vất vả nuôi con mà học tập nhưng tôi lại nghĩ sang chiều hướng khác", người đàn bà luống tuổi  bật khóc.

Bà Hồng cho biết, từ ngày gây án đến giờ cũng chỉ biết nhờ các con và chồng sang xin lỗi gia đình  nạn nhân chứ bản thân chưa có điều kiện thắp nén nhang tạ lỗi, hay trực tiếp nói lời xin lỗi trước bàn thờ của người đã khuất.

"Mặc dù tôi được chồng con quan tâm, tháng nào cũng lên gặp gỡ động viên nhưng trong lòng tôi vẫn luôn có cảm giác như đá đeo. Khi nào còn chưa thực hiện được lời xin lỗi từ chính tâm can mình thì tôi còn chưa thể thanh thản được. Trong tâm nguyện của tôi, sau khi ra trại, việc làm đầu tiên chính là đến nhà nạn nhân, thắp nén nhang tạ lỗi với cô ấy và cầu mong gia đình nạn nhân tha thứ", phạm nhân Nguyễn Thị Hồng bộc bạch.

Vĩnh Hà
.
.
.