Ấn Độ:

Hôn nhân sắp đặt biến phụ nữ thành "nô lệ thời hiện đại"

Thứ Bảy, 10/12/2016, 18:06
Trong xã hội hiện đại, hôn nhân sắp đặt vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều làng quê Ấn Độ. Những người phụ nữ trẻ phải đối mặt với nhiều vấn đề như bạo lực, trầm cảm… Không ít người đã tìm cách giải thoát cho mình bằng cái chết.


Bi kịch và bế tắc

Radhaben Vaghela, một phụ nữ ngoài 30 tuổi, sinh ra ở Sitavar - một khu vực ở miền tây Ấn Độ kể lại rằng, từ nhỏ, cô đã nhận thức được sẽ phải chia tay thời thơ ấu khi lớn lên. "Tôi không được phép đi học hoặc khuyến khích tìm một công việc. Khi bước sang tuổi 16, cha mẹ nói đã chọn cho tôi một người đàn ông để kết hôn.

Trong vòng vài tuần, tôi phải đến sống với gia đình chồng. Tôi không có lựa chọn nào khác, cũng không bao giờ được hỏi có hạnh phúc khi sống trong gia đình khác. Gia đình chồng tôi gồm cha mẹ, anh em và vợ của họ cùng chung sống trong căn nhà nhỏ", Vaghela kể lại.

Sau một đêm, cuộc sống của Vaghela đã thay đổi hoàn toàn. Cô không còn là cô gái trẻ, không thể chơi đùa với các anh chị em hoặc chờ mẹ chuẩn bị bữa tối. Cô phải tuân theo các quy tắc của gia đình chồng. "Tôi phải nấu ăn cho tất cả các thành viên trong gia đình và phải đảm bảo đồ ăn đúng thời gian quy định. Đó là cuộc sống của tất cả phụ nữ phải không?", Vaghela nói.

Vaghela chỉ là một trong hàng triệu "bahus" hoặc còn được gọi là các bà nội trợ ở Ấn Độ. Đó là những người buộc phải rời bỏ gia đình, tuổi thơ đến sống với gia đình chồng sau khi kết hôn. Con dâu cũng phải được đối xử như con gái khi ở nhà chồng nhưng trên thực tế, nhiều cô gái bị đẩy vào cuộc sống như một nô lệ. Những người vợ trẻ thường bị cấm kiếm tiền, mặc quần áo thời thượng hoặc ra khỏi nhà khi trời tối. Đối với nhiều phụ nữ, hôn nhân có nghĩa là từ bỏ thói quen thời thơ ấu và quên đi cái tôi cá nhân của mình.

Xung đột, cạnh tranh giữa các thế hệ phụ nữ trong gia đình cũng là vấn đề gây rắc rối lớn. Đây là "cảm hứng" của chương trình truyền hình được yêu thích ở Ấn Độ  mang tên "SaaS-Bahu".

Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ Ấn Độ đã lập gia đình cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới. Theo tạp chí Lancet, tỷ lệ phụ nữ Ấn Độ có khả năng tự tử cao gấp 2,5 lần so với phụ nữ ở các quốc gia giàu có. Số liệu từ Cục Thống kê tội phạm quốc gia cho thấy, kể từ năm 1997, mỗi năm, hơn 20.000 bà nội trợ Ấn Độ tự sát.

Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ Ấn Độ có khả năng tự tử cao gấp 2,5 lần so với phụ nữ ở các quốc gia giàu có.

Phán quyết của Tòa án gây tranh cãi

Sống cùng với gia đình chồng được coi là "chuẩn mực" ở nhiều vùng nông thôn - nơi có đến 2/3 dân số Ấn Độ đang sinh sống. Ngày nay, một số phụ nữ trẻ thích ra ngoài xã hội làm việc, tận hưởng cuộc sống vợ chồng mà không bị áp lực từ công việc nhà hay phải làm hài lòng cha mẹ chồng.

Tuy nhiên, tháng trước, một phán quyết của Tòa án tối cao Ấn Độ đã gây nên những luồng dư luận trái chiều vì có thể gây bất lợi cho phụ nữ. Theo đó, Tòa án đã đồng ý cho một người đàn ông ly hôn vợ vì lý do vợ anh từ chối sống với gia đình chồng. Trong đơn xin ly hôn, người đàn ông viết rằng, người vợ muốn rời bỏ gia đình vì "bị nhiễm tư tưởng phương Tây" và vi phạm các giá trị truyền thống của Đạo Hindu.

"Quan điểm đàn ông là "đối tác cao cấp" đã ăn sâu, bám rễ vào xã hội Ấn Độ. Trong xã hội này, người chồng có trách nhiệm kiếm tiền. Thông thường, anh ta sẽ đưa số tiền kiếm được cho mẹ đẻ. Nếu anh ấy đưa tiền cho vợ, những "trận chiến" lớn trong gia đình sẽ xảy ra", Winnie Singh, Giám đốc của tổ chức phi chính phủ bảo vệ nữ quyền Maitri nói.

Singh cho rằng, phán quyết của Tòa án tối cao sẽ làm cho mọi việc tồi tệ hơn với các bà nội trợ Ấn Độ. "Đây không phải là quyết định sáng suốt. Nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ Ấn Độ. Người đàn ông không bao giờ phải đến sống với bố mẹ vợ nên không phải đối mặt với những bất đồng nảy sinh. Nhiều phụ nữ đã bị lạm dụng và rơi vào trạng thái trầm cảm.

Hành động của Chính phủ để bảo vệ phụ nữ trước nạn bạo lực rất yếu ớt. Cảnh sát là không muốn can thiệp vào các trường hợp bạo lực gia đình. Họ coi đó là mâu thuẫn nhỏ. Tòa án Ấn Độ không công nhận hiếp dâm trong hôn nhân là tội phạm. Khi ly hôn, người vợ không được quyền chia sẻ tài sản của chồng", Singh nói.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.