Xung kích trong thực hiện Đề án 06 ở Điện Biên
Lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy được giá trị và lợi ích của chuyển đổi số, nhằm lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội, Điện Biên đã có những cách làm sáng tạo, thể hiện rõ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong hoạt động chuyển đổi số của các cấp chính quyền, để người dân tích cực, chủ động tham gia, đồng hành với quá trình chuyển đổi số…
Ngày đầu thực hiện chủ trương
"Nhà tôi ở xa trung tâm. Trước đây, muốn làm bất cứ thủ tục gì cũng phải đến xã. Đường thì khó đi. Giấy tờ thì nhiều. Lúc mang đủ, lúc lại mang thiếu. Đến nơi rồi lại phải quay về lấy thêm giấy tờ. Quay lại thì hết giờ. Thế là lại phải chờ đến hôm sau mới làm được. Vừa tốn kém tiền bạc, vừa mất thời gian. Có khi còn bị nhỡ việc" - chia sẻ của chị Hoàng Thị Tuyết, thôn Thanh Xuân, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cũng chính là những hạn chế, khó khăn mà mọi người dân, doanh nghiệp ở khắp nơi trong cả nước trước đây gặp phải. Muốn đi đâu, làm gì, thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cũng đều phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Ở nơi biên giới heo hút, CBCS Công an tỉnh Điện Biên vẫn đang từng ngày, từng giờ, bất kể mưa nắng, ngày đêm cần mẫn, vượt gian khó để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT gắn với hiện thực hóa khát vọng về một chính phủ số trong tương lai. Việc triển khai thực hiện các dự án, đề án lớn của Chính phủ đã và đang được các CBCS âm thầm, nỗ lực cố gắng, với mong muốn mang một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân ở nơi phên giậu này.
Cũng giống như những đồng đội khác, Đại úy Trần Thị Thanh Hiền, cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh thường xuyên vắng nhà để thực hiện Đề án 06. Là phụ nữ lại có con nhỏ nên việc tăng cường thực hiện nhiệm vụ vào ban đêm khiến chị phải gác lại nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Mỗi ngày, chị Hiền rời khỏi nhà khi trời còn chưa kịp sáng và trở về khi đêm đã khuya, các con chìm sâu trong giấc ngủ. Vì thế mà bao lâu nay, chị đã không thể tự tay chăm sóc cho các con và gia đình mình.
Ở bản Hồng Líu, phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ, chị Lầu Kim Tuyến cũng phải mất gần 2 tháng trời mới được gặp con trai mình. Đồng chí Mùa Huy Hoàng - con trai chị cùng tổ thực hiện Đề án 06 của Công an huyện Điện Biên Đông đã đi gần hết địa bàn các xã giáp ranh biên giới để thu nhận và hoàn thiện hồ sơ cấp mã định danh điện tử cho nhân dân. Anh cũng chính là thành viên của Tổ công tác lưu động tham gia thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công dân Điện Biên ở 21 tỉnh, thành phía Bắc.
"Dù ở chung nhà mà biền biệt 2 tháng trời tôi mới được gặp con. Có lúc được chứng kiến cảnh con và đồng đội đưa máy móc về, thức đêm đến 1-2h sáng để làm CCCD cho nhân dân, tôi càng hiểu và thương con nhiều hơn", chị Lầu Kim Tuyến, mẹ đồng chí Mùa Huy Hoàng tâm sự.
Với phương châm "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an", 22h, trụ sở xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ vẫn sáng đèn. Lúc này, tổ CCCD lưu động của Công an Nậm Pồ đang nhiệt tình, hướng dẫn người dân vào thực hiện các thủ tục cấp CCCD. Mặc dù đã vào đêm khuya, đây cũng là ca làm việc thứ 5 của tổ công tác, sự mệt mỏi cũng hiện rõ trên khuôn mặt mỗi CBCS, nhưng ai nấy vẫn chăm chú, cẩn thận, tỉ mỉ để thực hiện chính xác công việc của mình. Với phương châm "Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an", ngay từ những ngày đầu thực hiện Dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD, mỗi CBCS Công an Điện Biên đã không quản ngày đêm, làm hết việc chứ không hết giờ để hoàn thành đúng tiến độ mà Dự án đề ra.
Chiến dịch thần tốc
Những đêm trắng không ngủ, những bữa cơm vội vã, những bát cháo ấm tình quân dân. Đó là những hình ảnh mà vào thời điểm 2 năm trước chúng ta có thể thấy ở bất cứ xã, bản vùng sâu, vùng xa nào trong thực hiện chiến dịch cấp CCCD cho nhân dân ở địa bàn tỉnh Điện Biên. Với tinh thần "thần tốc", sau khi hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phúc tra 3 cấp tại 115/115 xã, phường, thị trấn để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung những thông tin sai, thiếu và những thông tin phát sinh chưa được thu thập.
Để giải "bài toán" phủ kín CCCD một cách nhanh và đầy đủ nhất, Công an tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo Công an các xã, thị trấn ngày đêm nỗ lực thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc và hiệu quả các biện pháp công tác đã đề ra, trong đó mỗi CBCS Công an chính là một tuyên truyền viên tích cực trong lĩnh vực này.
Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", lực lượng Công an xã tiến hành rà soát, chia thành các nhóm đối tượng cụ thể để triển khai thực hiện. Đối với các công dân sức khỏe bình thường, lực lượng Công an sẽ vận động, hướng dẫn người dân tới các địa điểm theo quy định để làm CCCD. Các trường hợp có vấn đề về nhận thức, sức khỏe, người có tuổi, già yếu không thể đi lại thì lực lượng Công an sẽ tới tận nhà hỗ trợ công dân. Bố trí làm thủ tục cấp CCCD vào các ngày thứ 7, chủ nhật đối với các đối tượng là học sinh, sinh viên; với nông dân, nhất là khi bước vào mùa vụ sẽ tranh thủ mọi lúc khi người dân có thời gian nhàn rỗi.
Tập trung vận động cá biệt, xây dựng mô hình "điểm truy cập internet công cộng"; biên soạn tài liệu, dàn dựng clip, đi từng thôn bản vùng sâu, vùng xa tuyên truyền về các tiện ích và cách giải quyết hồ sơ trên dịch vụ công phù hợp với đặc điểm địa bàn dân cư và trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho các tín đồ tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa được làm CCCD gắn chip nhanh chóng, thuận lợi.
Đồng chí Hạng A Nánh, Bí thư Đảng ủy xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà chia sẻ: "Sau khi cùng các thành viên trong tổ công tác tiến hành vận động, giải thích rất rõ về ý nghĩa của Đề án 06, các hộ dân cũng đã hiểu những chủ trương của Đảng, Nhà nước, và đã đồng ý để lực lượng Công an mang máy móc vào thực hiện việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD…".
Trên nền tảng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, toàn bộ thông tin cơ bản đầy đủ tính pháp lý về công dân đều được thể hiện, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân khi thực hiện các giao dịch dân sự, tạo ra một sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ, toàn diện về kinh tế - xã hội cũng như nâng tầm công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng, phát triển đất nước.
"Lực lượng Công an đã tích cực triển khai thực hiện theo đúng phương châm "Làm hết việc chứ không hết giờ". Quyết tâm triển khai hiệu quả Đề án 06 với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, xác định đây là động lực phát triển toàn diện, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh, bền vững. Đây là tinh thần hết sức tích cực của mỗi CBCS Công an tỉnh Điện Biên cùng toàn bộ các cấp, ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh" là đánh giá của đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Điện Biên về việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn.
10 Ban Chỉ đạo cấp huyện, 129 Tổ công tác cấp xã và 1.447 Tổ công tác cấp thôn, bản được thành lập phục vụ Đề án 06; 25/25 dịch vụ công thiết yếu được tích hợp triển khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; 100% dịch vụ công về cư trú được thực hiện trực tuyến; các nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư cơ bản hoàn thành theo đúng lộ trình đề ra; là 1 trong 18 tỉnh đầu tiên đã về đích trong thu nhận hồ sơ CCCD. Những con số biết nói đã thể hiện tinh thần xung kích, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Đề án, Dự án của mỗi CBCS Công an Điện Biên, tất cả vì lợi ích của đất nước, của người dân, hướng tới mục tiêu cao nhất là công dân số, xã hội số và chính phủ số.