Xứng danh Cảnh sát hình sự Việt Nam
“Có bàn chân lặng lẽ, giữa dòng đời như nước cuốn” - Bộ phim về Cảnh sát hình sự đã kết thúc từ lâu, lời bài hát mặc dù không có từ “Cảnh sát hình sự” nào nhưng khi ca khúc được cất lên là mỗi chiến sĩ Cảnh sát hình sự và đông đảo người dân vẫn cảm thấy da diết và gọi đó như ca khúc viết về lực lượng Cảnh sát hình sự.
Cứ nơi nào có vụ trọng án, nơi nào có băng nhóm tội phạm hoạt động, nơi nào người dân còn bức xức với tình hình ANTT ở địa phương…, nơi đó sẽ xuất hiện lực lượng Cảnh sát hình sự làm nhiệm vụ. Lặng lẽ với bao vất vả, chạy đua cùng thời gian, mang hết tâm sức và lòng tự trọng để khám phá các vụ án, triệt phá các băng nhóm, bắt giữ tội phạm… đem lại bình yên cho người dân. Với họ, khi đã đứng trong hàng ngũ của lực lượng Cảnh sát hình sự Việt Nam là sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì danh dự của người lính Cảnh sát hình sự, vì hạnh phúc, bình yên của người dân.
1. Dấu ấn đậm nét nhất của lực lượng Cảnh sát hình sự là triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm. Ở đâu hình thành băng nhóm, ở đó có những dấu chân âm thầm lặng lẽ của người lính hình sự. Từ việc triệt phá các băng nhóm tội phạm hoạt động mang tính truyền thống như Khánh “Trắng”, Phúc “Bồ”, Năm “Cam”, Dũng “Palestine”, Phương “Ninh hột”…, đến những băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao với số tiền chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng, đều mang dấu ấn phá án của lực lượng Cảnh sát hình sự Việt Nam.
Một trong những chuyên án được đánh giá điển hình là chuyên án do Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương triệt phá băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm do Lê Văn Thọ, tức Thọ “sứt” cầm đầu, điều hành đàn em gây ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như: Giết người; bắt cóc trẻ em; mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép ma túy, vũ khí, vật liệu nổ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Chuyên án được đấu tranh xuyên suốt trong một thời gian dài, thể hiện sự kiên quyết, truy đến cùng, dũng cảm đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm của lực lượng Cảnh sát hình sự, họ sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, thậm chí chấp nhận hy sinh vì sự bình yên của nhân dân.
Ngày 3/3/2012, Thọ “sứt” cùng 4 đối tượng đi ôtô mang theo súng quân dụng đến bản Lũng Xá, xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La bắt cóc cháu Sồng Thị Giang (6 tuổi) và yêu cầu gia đình chuộc bằng 500 triệu đồng, 5 bánh heroin, 500g ma túy đá. Khi người nhà cháu Giang truy đuổi, nhóm Thọ “sứt” đã dùng súng bắn trả khiến 1 người bị thương nặng.
Ngay sau khi nhận được báo cáo của Công an tỉnh Sơn La, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo các tổ công tác phối hợp với Công an tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Nội truy đuổi theo dấu vết nóng của các đối tượng. Cháu Giang đã được các trinh sát nhanh chóng giải cứu tại một nhà nghỉ ở TP Hoà Bình, lần lượt gần chục đối tượng, trong đó có tên cầm đầu Thọ “sứt” đã sa lưới. Năm 2013, TAND tỉnh Sơn La đã tuyên phạt Lê Văn Thọ 27 năm tù về các tội danh: Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; giết người; sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; đưa hối lộ.
Tuy nhiên, với bản tính là một tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm, thủ đoạn tàn độc, Thọ “sứt” sẵn sàng ra tay với bất cứ ai có mâu thuẫn hoặc cảm thấy cản trở con đường làm ăn bất hợp pháp của hắn. Khi đang thụ án trong Trại giam Nam Hà (Bộ Công an), Thọ vẫn tìm cách chỉ đạo 2 đối tượng bên ngoài dùng súng bắn trả thù anh Trần Mạnh Tiến ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, Hà Nam, làm anh Tiến và một cháu bé bị trọng thương. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cục Cảnh sát hình sự còn phát hiện một nguồn tin đặc biệt quan trọng: Thọ “sứt” đang lên kế hoạch, chỉ đạo các đối tượng ngoài xã hội đặt mìn nhằm giết hại, trả thù 2 cán bộ tư pháp tỉnh Sơn La là những người đã trực tiếp tham gia điều tra, đưa Thọ “sứt” cùng đồng bọn ra xét xử năm 2013.
Trước âm mưu chuẩn bị phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và với bản chất cực kỳ tinh quái, manh động của Thọ “sứt”, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam, Công an TP Hà Nội xác lập chuyên án nhằm ngăn chặn kịp thời và vô hiệu hóa âm mưu sát hại cán bộ thực thi pháp luật của bọn chúng, bảo vệ an toàn tính mạng cho các bị hại, nhân chứng, người dân. Lực lượng tham gia phá án đã bắt giữ Thọ “sứt” và 8 đối tượng trong băng nhóm. Sau đó, tại phiên toà sơ thẩm, Thọ bị tuyên án tử hình.
Tuy nhiên, trong thời gian kháng cáo, chờ xét xử phúc thẩm, Thọ cùng tử tù giam chung buồng là Nguyễn Văn Tình (SN 1989, bị kết án tử hình về tội ma túy) bỏ trốn khỏi Trại tạm giam T16, Bộ Công an. Khi Thọ bỏ trốn, nhiều người đã liên tưởng đến sự tuyên bố trả thù của Thọ nhằm vào những người điều tra và xét xử hắn tại phiên tòa sơ thẩm. Bởi đối với một kẻ tàn độc, từng dám lên kế hoạch đặt mìn trả thù những người thực thi pháp luật như Thọ “sứt”, không có gì là hắn không dám làm.
Vì vậy, việc hắn trốn khỏi trại giam là một mối nguy hiểm đặc biệt cho xã hội và ngay cả các cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia bắt giữ, điều tra, xử lý Thọ “sứt”. Tuy nhiên, không để Thọ “sứt” tiếp tục gây tội ác, các tổ công tác của Cục Cảnh sát hình sự, trong đó có cả những “người quen” từng bắt giữ Thọ “sứt” đã không quản ngày đêm, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức truy lùng, bắt giữ thành công hai tử tù trốn trại.
Rồi các vụ trọng án, các vụ thảm án xảy ra, dù ở đồng bằng như vụ Bình Phước hay nơi rừng sâu núi thẳm ở Tương Dương, Nghệ An, vụ giết nữ sinh giao gà ở Điện Biên gây rúng động dư luận xã hội vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, hễ nhận được lệnh là lực lượng Cảnh sát hình sự lại lên đường, phối hợp phá án. Có rất nhiều bức thư của người dân gửi đến lực lượng Cảnh sát hình sự tố giác tội phạm, hay khẩn cầu vụ án sớm được khám phá, bởi trong suy nghĩ của họ vẫn luôn sâu sắc niềm tin về lực lượng Cảnh sát hình sự: nơi nào có tội phạm, nơi nào người dân cần có sự bình yên là có các anh…
2. Đối với những người lính hình sự Việt Nam, họ không chỉ có một “cái đầu lạnh” để đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm mà họ còn có một “trái tim nóng”, một tinh thần nhiệt huyết và đam mê nghề nghiệp, họ phá án bằng mệnh lệnh từ trái tim và bản lĩnh người lính, đem đến những giá trị nhân văn trong chính những vụ án mà họ điều tra, thụ lý.
Khi điều tra vụ án Nguyễn Đức Nghĩa giết người, chặt xác người yêu cũ tại một chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội, các điều tra viên của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã không chấp nhận việc khép lại hồ sơ khi đối tượng Nghĩa nhận tội giết người và khai nguyên nhân do ghen tuông vì nạn nhân “bắt cá 2 tay”.
Các anh đã tỉ mẩn điều tra, củng cố từng chứng cứ để cuối cùng buộc đối tượng phải khai nhận mục đích gây án đê hèn của mình là giết người, cướp tài sản. Bởi bên cạnh việc điều tra đúng bản chất của vụ án, các anh muốn trả lại danh dự cho nạn nhân và góp phần làm dịu bớt nỗi đau của thân nhân, gia đình nạn nhân.
Trong chuyên án Cục Cảnh sát hình sự triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh ra nước ngoài do đối tượng Mai Đình Chung cầm đầu, các trinh sát đã giải cứu được 4 trẻ sơ sinh. Khi đưa các cháu bé trở về đơn vị, các trinh sát đã thay nhau bế bồng, chăm sóc. Những đôi tay còn lóng ngóng nhưng ấm tình thương của các trinh sát đã ôm các cháu vào lòng, cho các cháu ăn, ầu ơ ru các cháu ngủ. Đêm xuống, những chiếc bàn làm việc kê dồn để nhường góc phòng trải tấm nệm cho ấm áp, những tấm áo quân phục gấp làm gối tạm cho các con ngủ…
Nhìn những gương mặt no sữa của các con đáng yêu trên nền xanh của những chiếc áo cảnh phục, cảm giác ấm áp, xúc động len lỏi trong trái tim những người lính hình sự. Ngày mai, các con có thể được đưa trở về với gia đình, sẽ có một cuộc sống khác. Nhưng ngày hôm nay, nhìn giấc ngủ bình yên của các con, những người lính ấy cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của nghề trinh sát hình sự mà mình đang theo đuổi.
Mọi người vẫn vinh danh Cảnh sát hình sự bằng các danh xưng: “Khắc tinh của tội phạm”, là “Quả đấm thép” trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, quả đúng. Cuộc sống của họ phải thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, đối mặt với lằn ranh của sự sống và cái chết. Tuy nhiên, sự hiểm nguy của nghề càng khiến họ trân trọng hơn giá trị của yêu thương, giá trị của cuộc sống. Họ vẫn luôn có một trái tim ấm áp và phá án từ chính mệnh lệnh của trái tim mình. Họ tạo nên thương hiệu Cảnh sát hình sự Việt Nam, không chỉ tinh thông nghiệp vụ, làm chủ công nghệ, mưu trí, dũng cảm, bản lĩnh, mà còn có những giá trị nhân văn sâu sắc, tạo niềm tin đặc biệt cho người dân trên mọi miền đất nước. Không phải ngẫu nhiên, dưới các bài viết về chiến công của lực lượng Cảnh sát hình sự Việt Nam, có rất nhiều comment của người dân: “Cảnh sát hình sự Việt Nam giỏi quá!”; “Cảnh sát hình sự - Xứng danh Anh hùng”…