Xúc động hàng nghìn Cảnh sát cơ động giúp dân, chung tay khắc phục hậu quả sau bão
Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Bộ Công an - một trong những lực lượng giúp đỡ nhân dân các tỉnh phía Bắc ứng phó với cơn bão số 3, chung tay khắc phục hậu quả sau bão trong những ngày qua đã huy động hàng nghìn CBCS ứng trực làm nhiệm vụ; nhiều CBCS ở tâm bão, trắng đêm ngâm mình trong nước ngập, hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.
16 đơn vị ứng trực 100% quân số
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh phụ trách Bộ Tư lệnh CSCĐ cho biết, ngay sau khi nhận được Công điện của Bộ Công an về ứng phó với cơn bão số 3, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã khẩn trương ban hành 3 công điện, công văn, điện đạo các phòng, đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ ứng phó khẩn cấp với bão số 3, chủ động rà soát về quân số, trang thiết bị, vật tư, phương tiện phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH), sẵn sàng ra quân thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác ứng trực sẵn sàng tăng cường, phối hợp, hỗ trợ các địa phương ứng phó với cơn bão số 3 từ 13h ngày 6/9/2024, trong đó, 16 đơn vị: Trung đoàn CSCĐ Thủ đô; Trung đoàn CSCĐ Nam Trung Bộ; Trung đoàn CSCĐ Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc; Trung đoàn CSCĐ Bắc Trung Bộ; Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc; Trung đoàn CSCĐ Trung Bộ; Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ (CSBV) mục tiêu Cơ quan đại diện Ngoại giao; Trung đoàn CSBV mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, khoa học - kỹ thuật; Trung đoàn Không quân CAND; Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và giáo dục nghề nghiệp số 1; Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và giáo dục nghề nghiệp số 3; Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ; Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng chống khủng bố; Đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1; Đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3, Đoàn CSCĐ Kỵ Binh tổ chức ứng trực cấp độ 3 với 100% quân số.
Các đơn vị còn lại ứng trực cấp độ 2 với 85% quân số, rà soát về trang thiết bị, vật tư, phương tiện phục vụ công tác CNCH, sẵn sàng ra quân thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh được lãnh đạo Bộ Công an phân công tham gia Sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại Hải Phòng, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì ngày 7/9. Trong hai ngày 7 và 8/9, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sao, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ đã trực tiếp đến các đơn vị CSBV mục tiêu để kiểm tra công tác ứng trực sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với bão và động viên CBCS làm nhiệm vụ tại các mục tiêu, vọng gác, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...
Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc ra quân hộ đê sau bão
Tại Quảng Ninh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của bão, nhận định do mất điện, nhiều hộ dân sẽ mất phương tiện liên lạc do điện thoại hết pin, rất cần đến sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, CBCS Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc đã không quản hiểm nguy, thức trắng đêm, chủ động tìm đến những nơi ngập lụt để giúp đỡ nhân dân chống bão, tiến hành sơ tán người dân đến nơi an toàn...
Khi cơn bão đi qua địa bàn, tối 7/9, khu phố Lê Hoàn, phường Nam Khê, TP Uông Bí bị chìm sâu trong nước. Theo đánh giá, đây là một địa điểm tập hợp nhiều khu nhà trọ, có rất nhiều công nhân, sinh viên và người hưu trí sinh sống. Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc lập tức huy động CBCS đến hiện trường, bằng tinh thần và trách nhiệm cao nhất đã vận động, hỗ trợ và di chuyển thành công toàn bộ người dân đang sống tại đây đến nơi ổn định, an toàn.
Sáng 8/9, sau hoàn lưu bão gây mưa khắp nơi khiến nước sông dâng cao, đơn vị đã ra quân hộ đê tại khu vực Điền Công 1, Phường Trưng Vương, TP Uông bí, Quảng Ninh. Đây là khu vực đê xung yếu, có nguy cơ vỡ. "Chỉ tính từ 0h ngày 8/9 đến nay, chúng tôi đã huy động hơn 100 lượt CBCS cùng nhiều phương tiện ra quân thực hiện nhiệm vụ tại các "điểm nóng", thiết thực giúp đỡ các hộ dân trên địa bàn. Đồng thời, thường xuyên giữ tốt thông tin liên lạc với các lực lượng, sẵn sàng phối hợp thực hiện nhiệm vụ khi được điều động, phân công", Đại tá Nguyễn Văn Vinh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc chia sẻ.
Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trước siêu bão
Trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm của siêu bão Yagi, Ban Chỉ huy Trung đoàn CSBV mục tiêu Cơ quan đại diện Ngoại giao đã chủ động triển khai các phương án từ sớm, sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra khi bão đổ bộ. Các bục gác, trụ sở doanh trại được gia cố; trang bị, phương tiện, dụng cụ cứu hộ đã được kiểm tra kỹ lưỡng, sẵn sàng sử dụng. Kế hoạch dự phòng được xây dựng chi tiết, đảm bảo an toàn tối đa cho các mục tiêu ngoại giao.
Trong thời gian siêu bão Yagi đổ bộ vào Thủ đô Hà Nội, nhiệm vụ bảo vệ ANTT và an toàn cho các Cơ quan đại diện Ngoại giao trở nên đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết. "Ban Chỉ huy Trung đoàn đã tổ chức họp phân công lực lượng túc trực, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống khẩn cấp. Những biện pháp phòng ngừa, ứng phó với bão đều được thực hiện kịp thời, đảm bảo không có thiệt hại lớn xảy ra", Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trung đoàn trưởng nhấn mạnh.
Sáng 8/9, ngay sau khi siêu bão Yagi đi qua, Ban Chỉ huy Trung đoàn đã nhanh chóng điều động lực lượng đến các khu vực bị ảnh hưởng để phối hợp các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả. Hàng trăm CBCS không quản ngại khó khăn, đã nhanh chóng tham gia hỗ trợ công tác cứu trợ, sửa chữa những hư hỏng và khôi phục lại các hoạt động bị ảnh hưởng do bão. Với tinh thần trách nhiệm cao, Trung đoàn đã góp phần đảm bảo sự hoạt động ổn định của các mục tiêu ngoại giao, đồng thời duy trì tình hình ANTT trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Thượng uý Đặng Duy Hùng, cán bộ Trung đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu Đại sứ quán Chi Lê (phố Nguyễn Đình Thi, phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, bình thường các CBCS mặc quân phục Cảnh sát xuân hè, đội mũ kê-pi, đi giày đen làm nhiệm vụ, song trước siêu bão, các CBCS đã phải thay trang phục bằng áo mưa, đội mũ bảo hiểm, đi ủng để đảm bảo an toàn. "Tôi thực hiện nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu Đại sứ quan Chi Lê vào lúc 1-3h sáng 8/9. Mục tiêu nơi tôi đứng sát Hồ Tây, rất hút gió, trong cơn bão sóng nước đánh lên tận mặt đường, những gốc dừa nhiều năm tuổi đối diện mục tiêu cũng bị quật ngã, bật gốc. Cho nên, CBCS đã chọn những vị trí đứng thuận lợi để vừa bảo đảm an toàn cho mục tiêu, vừa bảo vệ an toàn cho bản thân", anh chia sẻ.
Cũng theo Thượng uý Đặng Duy Hùng, trước mưa to gió lớn, anh, em CBCS Trung đoàn luôn động viên nhau trong ca gác giữ vững tinh thần vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho mục tiêu bảo vệ, không để bật cứ hành động, tình huống xấu hay tác nhân bên ngoài lợi dụng mưa bão để đột nhập mục tiêu trộm cắp tài sản, phá hoại, gây ảnh hưởng đến mục tiêu. Sáng cùng ngày, anh cùng đồng đội còn phối hợp Công an phường và CSGT dọn dẹp, vệ sinh, chặt cây cối đổ gãy ở các tuyến phố xung quanh mục tiêu...
Tại mục tiêu Đại sứ quán Anh, Đại uý Nguyễn Văn Duân, Trung đội trưởng, Đại đội 9, Trung đoàn CSBV mục tiêu Cơ quan đại diện Ngoại giao tham gia tăng cường bảo vệ ca gác 22h đêm 7/9 đến 0h ngày 8/9. "Thực sự gió bão rất mạnh, quật ngã nhiều cây cối, ô ở mục tiêu cũng nghiêng đổ, nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau vững vàng thực hiện nhiệm vụ, đồng thời quan sát nếu có người dân đi đường cần hỗ trợ thì sẵn sàng giúp đỡ", anh chia sẻ.
Sáng 8/9, Đại uý Nguyễn Văn Duân đã cùng 50 CBCS trong đơn vị phối hợp Công an phường, Tổ Bảo vệ ANTT ở cơ sở... tổ chức cắt cây, thu dọn các mảnh vỡ, dọn dẹp vệ sinh ở phố Dương Văn Bé, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, giúp nhân dân tham gia giao thông an toàn, thuận lợi.
Cùng với đó, trong 8/9 ngày, CBCS Trung đoàn CSBV mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, khoa học - kỹ thuật, Bộ Tư lệnh CSCĐ cũng đã tổ chức dọn dẹp, cưa những cành cây lớn đổ gãy lên các mục tiêu được bảo vệ; tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, phối hợp các lực lượng giúp dân cắt cây, khắc phục hậu quả mưa bão trên các tuyến phố xung quanh các mục tiêu được giao bảo vệ...
Sẵn sàng lực lượng phương tiện ứng cứu ngay các vùng nguy hiểm
Thực hiện Công điện của Bộ Tư lệnh CSCĐ về việc chủ động ứng phó với bão Yagi và mưa lũ do ảnh hưởng của bão, Trung đoàn CSCĐ Thủ đô cũng đã tổ chức ứng trực 100% quân số, vũ khí, công cụ, phương tiện, theo dõi sát tình hình, diễn biến của bão, mưa lũ để chủ động các phương án, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương để ứng phó khi bão, mưa lũ đổ bộ.
Trung đoàn duy trì nghiêm túc công tác ứng trực, phân công rõ trách nhiệm; tăng cường công tác kiểm tra trong và sau bão, đặc biệt là các phương án ứng phó bảo đảm ANTT, phòng chống bão lũ tại các doanh trại đơn vị. Đồng thời, khẩn trương rà soát lại các trang thiết bị hiện có, đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men, áo mưa, phao và các trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó, cứu nạn, cứu hộ đảm bảo cho việc ra quân dài ngày, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu ngay các vùng nguy hiểm khi có lệnh.
Trong ngày 8/9, Trung đoàn đã tổ chức cho CBCS ra quân giúp nhân dân khắc phục mưa bão số 3 tại quận Hai Bà Trưng, huyện Sóc Sơn - TP Hà Nội; huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Công tác khắc phục hậu quả mưa bão đượclực lượng CSCĐ tổ chức khẩn trương để nhanh chóng giúp nhân dân khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, sớm ổn định lại cuộc sống...