Xử lý, răn đe học sinh đi xe lạng lách, "bốc đầu"

Chủ Nhật, 27/02/2022, 09:36

Công an tỉnh Bắc Kạn đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông,kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng thanh, thiếu niên và học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, bốc đầu.

Hiện nay, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Không chỉ những lỗi cơ bản như: không đội mũ bảo hiểm, dàn hang ngang, nhiều trường hợp học sinh thích thể hiện bản thân bằng việc nẹt pô, lạng lách, đánh võng, đi xe bằng 1 bánh đối với xe 2 bánh (hay còn gọi là bốc đầu), gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Trước tình trạng đó, lực lượng CSGT Công an toàn tỉnh đã tăng cường phối hợp với các trường học nhằm giáo dục nâng cao ý thức cho các em, một mặt đẩy mạnh việc xử lý, tạo sức răn đe, đảm bảo an toàn cho các em đến trường.

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, một số trường vẫn duy trì học tập trung nên nhiều em học sinh sử dụng phương tiện là xe mô tô, xe đạp điện đến trường. Đầu giờ buổi sáng, hay sau mỗi giờ tan học, không quá khó để bắt gặp trên đường những hình ảnh học sinh vô tư điều khiển xe mô tô, xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, phóng nhanh... gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Đáng chú ý, một số trường hợp còn tháo bỏ hoặc dùng khẩu trang che biển số xe để đối phó với cơ quan chức năng. Có vô vàn lý do được các em học sinh đưa ra để bao biện cho hành vi thiếu ý thức của mình. Trong đợt ra quân xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cũng ghi nhận nhiều trường hợp có cả người lớn là cha mẹ, anh, chị chở con em mình đi học cũng vi phạm luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm với học sinh rất khó khăn bởi nhiều em vi phạm khi gặp lực lượng chức năng thì rú ga bỏ chạy, rất nguy hiểm cho chính các em và người đi đường.

Thiếu tá Đàm Văn Thượng, Phó Đội trưởng, Phòng CSGT, Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, cảnh cáo, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là đối với học sinh; đồng thời, thông báo những trường hợp học sinh vi phạm tới các trường để có biện pháp quản lý.

Việc vi phạm khi tham gia giao thông của học sinh trước hết do các em chưa có ý thức tốt trong chấp hành pháp luật về giao thông, chưa nhận thức hết những nguy hiểm khi tham gia giao thông; đặc biệt, gần 2 năm trở lại đây, do tác động của dịch COVID-19 nên việc tổ chức tuyên truyền trực quan không được triển khai...".

Chỉ trong thời gian ngắn, tổ công tác của Phòng CSGT phối hợp với Công an các huyện, thành phố đã phát hiện và lập biên bản trên 10 trường hợp, tạm giữ phương tiện để xử lý theo quy định và mời giáo viên chủ nhiệm của các học sinh vi phạm chứng kiến. Theo em Vương Đức Hoàng, học viên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Bạch Thông: Em che biển số xe lại vì vi phạm nên để các bạn không ghi lại được biển số, để đi nhanh cũng không ai kịp nhìn thấy biển số xe...

Xử lý, răn đe học sinh đi xe lạng lách,
Lực lượng CSGT lập biên bản các trường hợp là thanh thiếu niên, học sinh vi phạm trật tự ATGT.

Luật Giao thông đường bộ năm 2018 quy định, cho phép người từ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe mô tô dưới 50 phân khối tham gia giao thông, từ 18 tuổi trở lên mới được điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 phân khối trở lên, và phải có giấy phép lái xe. Cũng vì vậy, nhiều gia đình đã chọn mua các loại xe mô tô, xe máy điện dưới 50 phân khối (biển số AA) cho con em mình.

Do luật cho phép người điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 phân khối không cần giấy phép lái xe, nghĩa là không qua đào tạo, sát hạch nên các em chưa được đào tạo kỹ năng lái xe, kỹ năng xử lý các tình huống, chưa được tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ... nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất ATGT.

Nội dung này đã được lực lượng Cảnh sát giao thông phổ biến tại các trường học vào đầu năm học và các trường cũng yêu cầu gia đình và học sinh ký cam kết tự giác chấp hành Luật Giao thông. Nhưng trên thực tế, việc ký cam kết này chưa thực sự mang lại hiệu quả, bởi trong năm 2021, chỉ riêng phòng CSGT Công an tỉnh đã xử lý trên 20 trường hợp thanh thiếu niên, học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, Công an thành phố Bắc Kạn đã phát hiện, xử lý gần 100 trường hợp thanh thiếu niên, học sinh vi phạm trật tự ATGT, trong đó, 64 trường hợp vi phạm trong lứa tuổi từ 14 đến 16. Nhiều trường hợp liên quan đến việc tụ tập chạy xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bốc đầu gây mất trật tự, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho những người khác khi tham gia giao thông...

Em Ôn Trường Giang, học sinh Trường THPT Phủ Thông, huyện Bạch Thông cho rằng: "Vi phạm của em có thể làm nguy hiểm đến tính mạng của mình và ảnh hưởng tới người xung quanh, em biết vậy nhưng do bản tính thích nghịch và thích thể hiện".

Công an tỉnh Bắc Kạn đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó chú trọng vào đối tượng là thanh, thiếu niên và học sinh. Kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng thanh, thiếu niên và học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, bốc đầu... Đồng thời thông báo các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đến các trường học, chính quyền địa phương và gia đình để có biện pháp phối hợp giáo dục, xử lý.

Gia đình cần nêu cao trách nhiệm trong việc quản lý phương tiện, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, kiên quyết không giao phương tiện cho con em mình khi chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện theo quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho những người xung quanh, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngọc Ánh
.
.