Xoá mặc cảm, tạo việc làm cho những người lầm lỡ
Đây là mục tiêu nhân văn, tốt đẹp mà mô hình "Quản lý, giáo dục, giúp đỡ, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người nghiện ma tuý" trên địa bàn xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên hướng tới. Đến nay, mô hình đem lại hiệu quả khi Công an xã phối hợp vận động 3 doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp nhận và tạo việc làm cho 10 lao động đã chấp hành xong án phạt tù...
Cây Thị là xã vùng sâu, vùng xa nằm ở phía Đông huyện Đồng Hỷ với địa bàn rộng, rừng núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Do trình độ dân trí không đồng đều, các loại tội phạm, tệ nạn như cờ bạc, ma tuý, trộm cắp tài sản còn lợi dụng hoạt động, khiến quá trình đấu tranh truy bắt của lực lượng Công an gặp nhiều khó khăn.
Để "phòng" hơn là "chống", Công an xã Cây Thị đã tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương thành lập mô hình trên, phân công thành viên có trách nhiệm quản lý, theo dõi và giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn để số người chấp hành xong án phạt tù trở về tái hoà nhập cộng đồng nơi sinh sống, đối tượng đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người nghiện ma tuý hoặc có nguy cơ mắc các tệ nạn xã hội sớm có công ăn việc làm ổn định, vượt qua mặc cảm để nhanh chóng hoà nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.
"Định kỳ hàng tháng, các thành viên trong mô hình sinh hoạt một lần, họp bàn về tình hình ANTT chung trên địa bàn, tình hình trật tự an toàn giao thông và những vấn đề nổi lên trong tháng, tình hình liên quan công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù, người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người nghiện ma tuý; đề ra các giải pháp, biện pháp thực hiện trong tháng tiếp theo...", Thượng úy Dương Bình Văn, Phó Trưởng Công an xã Cây Thị cho biết.
Là một trong 37 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, anh Nguyễn Mạnh Cường, ở xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị chia sẻ từng mặc cảm, tự ti bởi những việc làm sai trái của mình trước đây. "Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, động viên của gia đình, chính quyền địa phương và Công an xã nên anh đã gây dựng được cơ sở chế biến gỗ, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với thu nhập trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng", anh nói. Đáng chú ý, trong số những lao động tại xưởng gỗ của anh Cường, có 3 người cũng từng lầm lỡ, được anh giúp đỡ, tạo điều kiện về công việc trong thời gian dài.
Được biết, những năm qua, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ các trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để họ xóa bỏ mặc cảm, sớm ổn định cuộc sống, góp phần ngăn chặn tình trạng tái phạm tội, giữ gìn ANTT ở cơ sở.
Theo đó, lực lượng Công an tăng cường tuyên truyền về công tác tái hòa nhập cộng đồng nhằm từng bước xóa bỏ định kiến, kỳ thị trong nhân dân; kịp thời nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của từng trường hợp chấp hành xong án phạt tù để tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền có biện pháp phối hợp gia đình, các ban, ngành, đoàn thể động viên, giúp đỡ.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù ra trình diện và làm các thủ tục đăng ký cư trú, cấp căn cước công dân. Chủ động phân nhóm, lập hồ sơ phân công người theo dõi, quản lý. Các địa phương cũng khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận, giúp đỡ, cảm hóa những người chấp hành xong hình phạt tù để họ có công việc ổn định.
"Kết quả, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có gần 100 người được hỗ trợ đào tạo nghề, bố trí việc làm, có thu nhập ổn định. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ phạm tội, vi phạm pháp luật đối với người chấp hành xong án phạt tù", Thượng tá Lưu Công Nguyên, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Thi hành án và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Thái Nguyên thông tin.
Đồng thời, lực lượng Công an các cấp đang phối hợp các địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây cũng là một trong những chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vay vốn ưu đãi để học nghề, phát triển sản xuất kinh doanh...