Xác định đối tượng trọng điểm để xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Thứ Hai, 01/05/2023, 08:16

Đến nay tại TP Hồ Chí Minh đang có 35 mô hình phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) được công nhận. Trong đó, hầu hết đã được triển khai trên dưới 10 năm.

Tuy vậy theo báo cáo của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trong số này vẫn có nhiều mô hình không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, nhiều mô hình dù đã được triển khai nhiều năm và được đánh giá là có hiệu quả, nhưng đến nay vẫn chưa được sơ kết, tổng kết để nhân rộng.  

Xác định đối tượng trọng điểm để xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc -0
Tổ công tác hướng dẫn người dân tiếp cận các tiện ích của công nghệ 4.0 trong thực hiện các dịch vụ công và tố giác tội phạm. Ảnh: Công an TP HCM.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Phó Bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND quận 6 cho biết, để phong trào Toàn dân BVANTQ trên địa bàn đi đúng thực chất, công tác tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận và tự giác thực hiện trước các thông tin đa chiều trên mạng xã hội hiện nay là rất quan trọng. Ban thường vụ Quận ủy quận 6 cũng xác định lực lượng chủ công là Đảng ủy, Ban chỉ huy Công an quận. Lực lượng Công an là nòng cốt, nhưng phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đoàn thể, Mặt trận và chính quyền cơ sở. Quận 6 không chỉ tuyên truyền theo cách truyền thống, mà còn tận dụng công nghệ, các trang mạng và đặc biệt là hình thức rỉ tai nhau thông qua lực lượng nòng cốt, trong đó có cả đồng bào dân tộc thiểu số để người dân trong từng khu phố nhận thức được bản thân mình là một chiến sĩ trong công tác BVANTQ.

Công an quận 6 đang xây dựng và tham mưu với Ban thường vụ Quận ủy quận 6 đề án “Đưa lực lượng Công an về gần hơn với nhân dân”. Đây là đề án mà hằng tuần Ban chỉ huy Công quan quận sẽ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, UBND phường, khu phố, tổ dân phố để Công an xuống từng khu dân cư hướng dẫn nhân dân về Đề án 06, dịch vụ hành chính công và qua đó tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân về công tác đảm bảo ANTT. Bà Thảo cho rằng, khi đã có các mô hình thì phải thường xuyên đánh giá.

Hằng quý, quận 6 đều rà soát lại các mô hình trong phong trào Toàn dân BVANTQ tại địa phương để đánh giá những mô hình nào có hiệu quả nhằm nhân rộng, đồng thời củng cố lại những mô hình chưa đạt hiệu quả để tránh gây lúng túng cho cơ sở khi triển khai. Ngoài ra, UBND quận 6 cũng thường xuyên quan tâm đến vấn đề cơ sở vật chất, kinh phí cho các mô hình trong phong trào Toàn dân BVANTQ. Trung bình hằng năm, quận bố trí từ 5-7 tỉ đồng cho việc triển khai các mô hình này. Mỗi năm UBND quận 6 bố trí thêm từ 10-12 tỉ đồng để phụ cấp thêm cho lực lượng bảo vệ dân phố...

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho biết, ngoài nhiệm vụ thường xuyên, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tập trung tuyên truyền về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội đối với 7 nhóm phụ nữ đặc thù. Đó là học viên ở các trung giáo dục thường xuyên, công nhân lao động trong các khu nhà trọ, tiểu thương trong các chợ truyền thống, xây dựng phụ nữ nòng cốt ở các khu chung cư mới, phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, phụ nữ ở cộng đồng dân cư và phạm nhân nữ. Đối với công nhân, lao động từ các tỉnh về thành phố làm việc, Hội đã triển khai, duy trì hoạt động mô hình câu lạc bộ chủ nhà trọ, nữ công nhân nhà trọ với gần 4.000 câu lạc bộ.

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố cũng đã xây dựng đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị”, hỗ trợ cho khoảng 50 nghìn chị em phụ nữ được thụ hưởng đề án… Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần sớm đánh giá lại một cách toàn diện các mô hình trong phong trào Toàn dân BVANTQ đang có để phát huy, nhân rộng những mô hình hiệu quả, lược bỏ những mô hình chỉ mang tính hình thức để phong trào Toàn dân BVANTQ ngày càng thực chất, thiết thực. 

Bảo Sơn      
.
.