“Vùng đất học” nơi thượng nguồn sông Hinh

Thứ Bảy, 29/01/2022, 20:18

Huyện miền núi Sông Hinh đang chuyển mình vào xuân bằng sức sống mới trên con đường đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những nỗ lực tích cực của lực lượng Công an bảo đảm ổn định ANTT và bình yên cuộc sống...

Sớm giêng, không gian vùng đất phía Tây Nam Phú Yên trong trẻo, ngọt lành. Nắng mai chảy tràn xuống chân những ngọn đồi hình bát úp bên thượng nguồn sông Hinh xanh biêng biếc. Những sắc hoa rừng đánh thức xuân về trên mỗi con đường thảm nhựa - bê tông uốn lượn giữa mênh mang màu xanh nương rẫy đến các buôn làng. Huyện miền núi Sông Hinh đang chuyển mình vào xuân bằng sức sống mới trên con đường đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những nỗ lực tích cực của lực lượng Công an bảo đảm ổn định ANTT và bình yên cuộc sống...

Tết trang 44: “Vùng đất học” nơi thượng nguồn sông Hinh -0
CBCS Công an huyện Sông Hinh đến thăm người dân ở buôn Bưng A, xã Ea Lâm.

1. Dừng xe bên phố núi Hai Riêng, tôi cùng Trung tá Phan Xuân Phúc, Phó trưởng Phòng An ninh đối nội (ANĐN) Công an tỉnh Phú Yên và đồng đội của anh ghé thăm nhà văn Y Điêng – người được các thế hệ các nhà văn trân trọng, ví như cây kơ nia đại thụ, như già làng văn học của Tây Nguyên; rồi đến buôn Thinh, xã Ea Trol tưởng nhớ Mô Lô Y Choi - tác giả bài thơ “Cô gái vót chông” nổi tiếng đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc bài hát cùng tên từ thời đánh Mỹ; sau đó về lại buôn Krông, xã Ea Bia nghe già làng Ma Vi kể chuyện về “vùng đất học”.

Ma Vi đi qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, từng làm giao liên, du kích, đến khi đất nước thống nhất, với “vốn liếng” văn hóa lớp 4 từ thời Việt Minh, ông là người duy nhất ở xã Ea Bia đọc thông, viết thạo cả tiếng kinh lẫn tiếng Ê đê, nên Ma Vi có nhiều năm làm việc ở UBND xã Ea Bia rồi được Đài Truyền thanh, UBND huyện Sông Hinh mời đến phụ trách bản tin thời sự tiếng Ê đê và dạy tiếng Ê đê cho hàng trăm CBCS Công an, công chức, viên chức trong tỉnh. Trung tá Phúc cũng là học viên của Ma Vi nên khi gặp lại trong căn nhà sàn bên con suối Ea Thong Plum, thầy trò đều chào hỏi nhau bằng tiếng Ê đê rất sôi nổi.

Trung tá Phúc chia sẻ: “Gần 50% dân số ở huyện Sông Hinh là dân tộc Ê đê sinh sống ở 100% xã, thị trấn, vì thế hầu hết cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phòng ANĐN Công an tỉnh Phú Yên và Công an huyện Sông Hinh đều biết tiếng Ê đê để thực hiện tốt phương châm “An ninh chủ động”, trong đó có chủ động hòa nhập “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng chung tiếng nói với đồng bào) ở các buôn làng”.

Biết tiếng Ê đê rồi, CBCS Công an không chỉ hiểu thêm phong tục tập quán, tâm nguyện, đời sống thường nhật của người dân, mà còn chủ động tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, giúp cho đông đảo người dân nhận diện rõ những âm mưu đen tối của các thế lực thù địch tuyên truyền xuyên tạc sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam, vu cáo chính quyền vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, “đàn áp tôn giáo” nhằm tác động xấu đến ANTT ở các buôn làng và hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó rất nhiều người dân chủ động lên tiếng tố giác, phản đối những người lầm lạc đã bị các phần tử phản động FULRO lôi kéo, kích động, dụ dỗ bằng nhiều chiêu trò ảo tưởng, mơ hồ với cái gọi là “Tin Lành Đêga”, “Tin Lành đấng Christ”.

Cũng nhờ biết tiếng Ê đê nên CBCS Công an còn góp phần đẩy lùi nhiều tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan rồi tham gia cùng chính quyền, đoàn thể ở địa phương hòa giải ổn thỏa hầu hết các vụ mâu thuẫn, tranh chấp; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”… Bằng tiếng Ê đê, CBCS Công an đã kết nối liên lạc qua Facebook để hướng dẫn, hỗ trợ Nay H’Chấc – một người phụ nữ ở buôn Bưng B, xã Ea Lâm cùng hai người con gái trở về quê nhà sau những chuỗi ngày lang bạt trên đất Thái chỉ vì nghe theo lời kích động, dụ dỗ của những kẻ phản động lưu vong nước ngoài “vẽ” ra “cuộc sống thiên đường” bằng ảo vọng. Vì thế ở góc nhìn an ninh, những người lính mặc sắc phục Công an đã bảo vệ cuộc sống bình yên và góp phần tô điểm sắc xuân những buôn làng ở thượng nguồn sông Hinh.

Trở lại với chuyện “vùng đất học”, Ma Vi chia sẻ: “Trong chiến tranh không có cơ hội học tập đã đành. Giữa thời bình mình phải khuyên bảo con cháu đi học đến nơi đến chốn để làm giàu bằng tri thức, khoa học công nghệ chứ đâu chỉ tay chân trỉa lúa, trồng khoai để no cái bụng, ấm cái lưng…”. Để có nhiều học sinh đến trường, Ma Vi tích cực động viên con cháu trong gia đình, họ tộc. Tấm gương vượt khó, học giỏi và thành đạt đầu tiên ở huyện Sông Hinh là anh Lơ Mô Tu, con trai của Ma Vi.

Tốt nghiệp PTTH, Lơ Mô Tu thi đậu Y Đa khoa Trường Đại học Tây Nguyên, đến năm 1996 anh về làm bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh, rồi lần lượt giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, Bí thư thị trấn Hai Riêng, Phó Bí thư thường trực và từ năm 2015 đến nay là Bí thư Huyện ủy Sông Hinh. Người em trai anh Tu là Lơ Mô Y Ngưu thi đậu Trường Trung cấp An ninh nhân dân 2 và hiện là Đại úy, cán bộ Đội An ninh Công an huyện Sông Hinh.

Tết trang 44: “Vùng đất học” nơi thượng nguồn sông Hinh -0
Những con đường đến các buôn làng ở huyện miền núi Sông Hinh đều được bê tông hóa.

Gần chục năm sau đó, Krông không chỉ là được vinh danh là “buôn cử nhân”, mà còn được công nhận là buôn văn hóa đầu tiên ở huyện Sông Hinh. Và sau nhiều năm nhân rộng điển hình “buôn cử nhân” Krông, đến nay xã Ea Bia đã có 72 người trình độ đại học, 9 người cao đẳng và 22 người trung cấp ở các lĩnh vực Công an, Quân sự, y khoa, dược, kế toán, kinh tế, sư phạm, công tác xã hội... Nổi bật trong số đó có Y Phan, Y Ky, Y Ca, Y Trung, Nay Anh Dũ, Y Bin… tốt nghiệp Đại học Quân sự và hiện là sĩ quan Quân đội; Ka Sô Bách nhiều năm là Thẩm phán TAND huyện Sông Hinh; Ksor Y Diêu, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bia… Với riêng Ma Vi đến nay đã có 45 năm tuổi Đảng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, được Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng kỷ niệm chương “Cựu chiến binh Việt Nam”, “Vì sự nghiệp tư tưởng văn hóa”…

2.Ngoài huyết mạch giao thông QL29 kết nối Phú Yên với Đắk Lắk, ở huyện miền núi Sông Hinh còn có QL19C và đường Trường Sơn Đông là điều kiện thuận lợi trong giao thương và phát triển kinh tế – xã hội. Trên đường về các xã Ea Ba, Ea Ly những ngày chớm xuân nắng gió ngọt lành, ông Định Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh chia sẻ: “Năm 2021, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách cùng với dịch, bệnh COVID-19 bùng phát, nhưng so với năm trước giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng 4,18%, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng 18,8%, thu ngân sách đạt 110%, các hoạt động giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin – truyền thông… đều được quan tâm đầu tư hiệu quả; quốc phòng, an ninh giữ vững ổn định, diện mạo nông thôn mới ở nơi này thật sự đổi mới và phát triển…”.

Đại tá Nguyễn Trọng Thám, Trưởng Công an huyện Sông Hinh cho biết: “Sau hai năm thực hiện đề án đưa Công an chính quy về xã, công tác nắm tình hình và xử lý vụ việc về ANTT ở cơ sở được tăng cường kịp thời, hiệu quả. Công an huyện Sông Hinh phối hợp Phòng ANĐN Công an tỉnh Phú Yên cùng các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu tuyên truyền xuyên tạc, kích động, dụ dỗ, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số đi theo FULRO, “Tin Lành Đêga”, “Tin Lành đấng Christ”, đấu tranh cảnh báo 33 đối tượng FULRO, “Tin Lành Đêga”, đưa ra kiểm điểm trước dân 11 đối tượng liên quan “Tin Lành đấng Christ”. 91,6% nguồn tin tố giác tội phạm đã được giải quyết, điều tra làm rõ 26 vụ phạm pháp hình sự, đạt 89,7%; 3 vụ ma túy, đạt 100%; vận động người dân giao nộp 13 khẩu súng các loại từ mô hình “Thôn, buôn không có vũ khí trái phép” đang được thực hiện hiệu quả …”.

Ông Oi Mai, già làng ở buôn Bưng A, xã Ea Lâm bày tỏ: “Đất nước thanh bình, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhiều gia đình đã vượt khó thoát nghèo nhờ chủ trương chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước, chứ không có “Tin Lành Đêga”, “Tin Lành đấng Christ” nào chăm lo cho mình bát cơm, hạt gạo đâu…”

Đi qua những buôn làng ở huyện miền núi Sông Hinh những ngày đầu năm mới, chúng tôi không chỉ thưởng ngoạn sắc màu rực rỡ của nhiều loài hoa rừng, mà còn cảm nhận nét vẻ bình yên của vùng đất phía Tây Nam Phú Yên. Để có sự bình yên đó, những CBCS Công an vẫn ngày đêm bám trụ ở mỗi buôn làng giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần tô điểm sắc xuân nơi thượng nguồn sông Hinh.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.