Vì bình yên trên các tuyến sông vùng châu thổ Cửu Long

Thứ Sáu, 06/05/2022, 07:15

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy, trật tự an toàn giao thông (TTATGT) thủy được bảo đảm.

Theo Ban ATGT các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, tình hình TTATGT trong những ngày nghỉ lễ 30/4  và 1/5 trên địa bàn ổn định. Đặc biệt, cả 3 địa phương trên không xảy ra TNGT đường thủy.

Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau cho biết: “Trong dịp nghỉ lễ, chúng tôi bố trí trực và số điện thoại đường dây nóng hoạt động 24/24h để phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố về giao thông. Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý bến tàu khách và phương tiện thủy chở khách, đặc biệt là bến khách ngang sông; nhắc nhở hành khách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi khi đi trên phương tiện thủy”.

vibinhyen 2.jpg -0
Cán bộ, chiến sĩ Thủy đoàn II tuần tra kiểm soát bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường thủy trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Thượng tá Phạm Quốc Khái, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng, trước khi diễn ra kỳ nghỉ lễ, CSGT Công an toàn tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn kể cả đường bộ lẫn đường thủy.

Đồng thời, phối hợp với ngành giao thông vận tải, chính quyền địa phương khảo sát các “điểm đen” thường xảy ra TNGT để đề xuất khắc phục các bất hợp lý trong tổ chức giao thông; giải tỏa các chướng ngại vật, xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ và đường thủy”.

Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ cũng triển khai kế hoạch về cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội (TTXH) mùa du lịch hè 2022; bảo vệ Ðại hội thể thao Ðông Nam Á lần thứ 31 và cao điểm kiểm tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT trên đường thủy nội địa thuộc địa bàn thành phố.

Theo đó, Giám đốc Công an thành phố yêu cầu Phòng Cảnh sát đường thủy trong bảo đảm TTATGT phải xác định lấy người dân là chủ thể, trọng tâm; mọi hoạt động của Cảnh sát đường thủy phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân.

Ðồng thời huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm ATGT, TTXH nhằm kiềm chế TNGT, không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng và ùn tắc giao thông trên đường thủy nội địa.

Trung tá Lâm Ðồng Hương, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Đơn vị thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đường thủy; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATGT đường thủy; chủ động phân luồng, bố trí lực lượng bảo đảm ATGT và dẫn đoàn; chú trọng đấu tranh với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa… Qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi người khi tham gia giao thông, tạo điều kiện để người và phương tiện lưu thông thông suốt, an toàn, góp phần kiềm chế TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường thủy nội địa trong dịp lễ”.

Nằm trên bán đảo Cà Mau với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, hệ thống giao thông đường thủy phức tạp, tỉnh Bạc Liêu có 6 tuyến sông do Trung ương quản lý chiều dài trên 190km; 11 tuyến sông do tỉnh quản lý dài 167km, 12 tuyến sông do huyện quản lý dài gần 290km. Toàn tỉnh có khoảng 50.000 phương tiện thủy nội địa, 650 bến thủy nội địa các loại đang hoạt động. Mặc dù có sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, song tình trạng vi phạm các quy định về TTATGT đường thủy nội địa vẫn diễn ra.

vibinhyen 1.jpg -0
Cán bộ, chiến sĩ Thủy đoàn II tuần tra kiểm soát bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường thủy trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm được Ban Chỉ đạo “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” xem là một trong những giải pháp quan trọng để bảo đảm ATGT trên đường thủy.

Ngoài Cảnh sát đường thủy, Thanh tra Sở GTVT, Ban Chỉ đạo còn tham mưu Ban ATGT tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cùng phối hợp với các địa phương để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT đường thủy nội địa. Trong 5 năm qua, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt trên 11.600 trường hợp, với số tiền trên 3,8 tỷ đồng. Trong đó, các lỗi chủ yếu là: chở hàng hóa quá vạch mớn nước an toàn; không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn...

Nhờ thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT, những năm qua, TNGT đường thủy trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giảm mạnh. Trong đó, năm 2020 không xảy ra tai nạn, năm 2021 chỉ xảy ra một vụ va chạm do xà lan trôi va vào trụ điện gió.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, Ban Chỉ đạo cuộc vận động phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đánh giá, công tác quản lý bến thủy nội địa, quản lý phương tiện và người lái phương tiện thủy trên địa bàn thực hiện chưa tốt. Bến không phép còn chiếm tỷ lệ cao (trên 50%), phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm còn khá nhiều (40%), nhiều người lái phương tiện chưa có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn do vướng các điều kiện về chi phí, trình độ học vấn không theo kịp chương trình đào tạo cấp chứng chỉ…

Thượng tá Lê Thành Biển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Đơn vị đang rà soát lại tình hình hoạt động của các bến thủy nội địa trên địa bàn và các công trình vượt sông để xin ý kiến Ban Giám đốc Công an tỉnh để triển khai các hoạt động đảm bảo TTATGT trong năm 2022 cũng như thực hiện tốt chỉ đạo về đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa từ Chính phủ”.

Theo Trung tá Tô Quang Minh, Thủy đoàn trưởng Thủy đoàn II (Cục CSGT), từ đầu năm đến nay, Thủy đoàn II đã tổ chức thực hiện 3 Kế hoạch về bảo đảm ATGT, TTXH trên đường thủy nội địa; trong đó tổ chức 445 ca tuần tra kiểm soát với 1.354 lượt CBCS tham gia; tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến hơn 6.147 lượt người tham gia giao thông; kiểm tra lập biên bản và ra quyết định xử phạt 316 trường hợp vi phạm, phạt tiền 416,3 triệu đồng.

“Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, các tổ công tác của Thủy đoàn II đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các văn bản về ATGT đường thủy nội địa đến người tham gia giao thông, người sinh sống, làm việc trên đường thủy. Qua đó nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông trên đường thủy.

Thời gian tới, Thủy đoàn II tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa đến người dân, các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực đường thủy nội địa. Cùng với đó, các tổ công tác tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi trái phép trên đường thủy; đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm…”, Trung tá Tô Quang Minh cho biết.

Văn Đức
.
.