Công an các đơn vị, địa phương:

Ứng trực 100% quân số, chủ động phòng chống bão và giúp dân

Thứ Ba, 27/09/2022, 11:42

Bão số 4 mỗi lúc càng tiến gần vào các tỉnh Trung Trung Bộ, do đó các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng đang khẩn trương hoàn thành công tác ứng phó trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Công an Đà Nẵng hỗ trợ dân tránh bão

Từ sáng sớm ngày 27/9, Công an các quận, huyện địa bàn xung yếu của TP Đà Nẵng như Hòa Vang, Sơn Trà và Liên Chiểu đã phối hợp với các đơn vị, địa phương đã vận động, hỗ trợ sơ tán hàng chục nghìn người dân, công nhân, sinh viên đến các điểm sơ tán tập trung, công trình kiên cố lân cận. Đến 12h trưa nay, Đà Nẵng đã có hơn 80.800 người dân được sơ tán đến nơi tránh trũ an toàn trước giờ bão số 4 đổ bộ... 

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, đang áp sát vào đất liền, thời điểm này TP Đà Nẵng, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến phường, xã và các sở, ban, ngành, đơn vị đã coi chống bão là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng nhất. Trong đó, công tác sơ tán nhân dân đến nơi trú bão an toàn, người dân phải ở trong nhà hoặc công trình kiên cố khi có gió bão mạnh... là yêu cầu được đặt lên hàng đầu để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Đà Nẵng: Khẩn cấp sơ tán hơn 80.800 người dân trước giờ bão số 4 đổ bộ  -2
Trong ngày 26 và suốt từ sáng sớm 27/9, lực lượng Công an các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang khẩn cấp hỗ trợ người dân di dời, chèn chống nhà cửa trước giờ bão số 4 đổ bộ. 

Báo cáo nhanh của UBND TP Đà Nẵng, hiện đã sơ tán tập trung 25.869 người, sơ tán xen ghép (lân cận) là 54.932 người (tính đến rạng sáng 27/9). 

Trưa 27/9, Trung tá Lê Văn Tư, Trưởng Công an xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang cho biết, thời điểm hiện tại, lực lượng Công an xã đã kịp thời vận động, hỗ trợ cho hơn 100 người là đồng bào dân tộc Hrê ra khỏi các lán trại tạm bợ trong rừng để về tránh trú bão số 4 tại  các nhà dân, trường học kiên cố trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị các chủ rừng hỗ trợ lương thực thực phẩm, nước uống để bà con yên tâm tránh trú bão. Theo Công an xã Hòa Bắc, 100 bà con đồng bào dân tộc Hrê (tỉnh Quảng Ngãi) đang là lao động tự do, khai thác keo trên địa bàn.

Theo UBND TP Đà Nẵng, hiện công tác chuẩn bị các cơ sở trường học cho người dân đến trú bão trên địa bàn thành phố đã được các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố triển khai nhanh chóng và liên tục để ứng phó với bão số 4. Tại các địa bàn ven biển như quận Sơn Trà, Liên Chiểu, để triển khai ứng phó với bão số 4, bên cạnh vận động nhân dân sơ tán sang các nhà kiên cố ở lân cận, các địa phương trên địa bàn quận Liên Chiểu đã thiết lập 70 điểm sơ tán tập trung với hơn 9.000 người dân ở trong các căn nhà không bảo đảm an toàn, sinh viên và công nhân đang ở các khu nhà trọ...

Địa phương được trưng dụng Khu ký túc xá sinh viên phía Tây để làm nơi sơ tán người dân có nhà ở không bảo đảm an toàn tại khu vực Xuân Thiều và một phần các hộ dân ở khu nhà liền kề tại tổ 14, phường Hòa Hiệp Nam; sơ tán nhiều công nhân, sinh viên ở các khu nhà trọ không bảo đảm an toàn tại phường Hòa Khánh Bắc đến trú ẩn tại Trường Tiểu học Âu Cơ. Nhiều trường học kiên cố trên địa bàn quận đã được trưng dụng làm nơi sơ tán nhân dân, bố trí người dân, sinh viên, công nhân ở tạm và bảo đảm an toàn trong bão.

Đà Nẵng: Khẩn cấp sơ tán hơn 80.800 người dân trước giờ bão số 4 đổ bộ  -0
Lực lượng Công an hỗ trợ, chuẩn bị chỗ trú ẩn an toàn trong các điểm trường học kiên cố cho người dân được di dời trước bão.
Đà Nẵng: Khẩn cấp sơ tán hơn 80.800 người dân trước giờ bão số 4 đổ bộ  -0

Tại quận ven biển Sơn Trà, lực lượng Công an, Quân đội, xung kích tại chỗ tại các phường Thọ Quang, Mân Thái... chia thành nhiều nhóm để rà soát, kiểm tra tình trạng các nhà dân, khu trọ sinh viên và công nhân để hỗ trợ đưa hết người đang sinh sống trong các nhà không bảo đảm an toàn đến nơi sơ tán. Bên cạnh đó, cắt cử, bố trí lực lượng canh gác, không để người dân tự ý rời nơi sơ tán về nhà hoặc đi ra ngoài khi có mưa, gió mạnh để tránh tai nạn đáng tiếc. Lực lượng công an tăng cường bảo đảm an ninh - trật tự, không để xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản khi người dân đã đi sơ tán…

Công an Phú Yên dầm mưa giằng chống mái tôn giúp dân

Trao đổi với PV Báo CAND sáng 27/9, Đại tá Nguyễn Thái Hoàng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cho biết, để chủ động nâng cao hiệu quả phòng, chống cơn bão số 4 và lũ lụt có thể xảy ra sau bão, ngoài việc yêu cầu 100% cán bộ – chiến sĩ (CBCS) các đơn vị, địa phương thường trực thực hiện phương châm “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ”, mà còn huy động 558 CBCS từ các đơn vị nghiệp vụ và công an 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia lực lượng thanh niên xung kích hỗ trợ, giúp đỡ người dân phòng, chống bão và triển khai phương án cứu nạn – cứu hộ khi có tình huống cấp thiết.

    Công an Phú Yên chủ động giúp dân trước khi bão đến  -0
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đến thăm, động viên tổ xung kích của Phòng CSCĐ Công an tỉnh Phú Yên giúp dân giằng chống nhà ở tại xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu.   Ảnh : Hữu Toàn.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an Phú Yên cũng đã chuẩn bị 34 ca nô, 4 xuồng cao su, 40 xe ô tô, 53 xe chở CBCS và vật tư, công cụ đến các địa bàn phòng, chống bão lũ, 175 nhà bạt – lều bạt, 1.161 phao cứu sinh,  2.228 áo phao, 27 phao bè, 129 bộ đàm cầm tay, 61 máy phát điện cùng nhiều vật dụng khác.

Từ chiều tối 26/9, Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Phú Yên điều động 31 CBCS chia thành hai tổ xung kích đến phường Xuân Phú và xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu để giúp dân giằng chống mái nhà tránh bão.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND tại hiện trường trong sáng 27/9, tổ xung kích gồm 21 CBCS do Thiếu tá Võ Duy Phú, Đại đội trưởng Đại đội CSCĐ thuộc Phòng CSCĐ Công an tỉnh Phú Yên trực tiếp chỉ huy đang tất bật xúc cát đưa vào bao tải vận chuyển lên cao để giằng chống mái tôn 3 căn nhà của gia đình các ông bà Lý Thành Khanh (SN 1976), Nguyễn Thị Đành (SN 1961), Lý Thị Nhung (SN 1978), trú ở thôn Hòa Phú, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu.

Chứng kiến hình ảnh những người lính mặc sắc phục công an dầm mình trong mưa, tất bật tay xẻng, tay cuốc xúc cát, chuyền tay nhau đưa lên mái nhà để giằng chống mái tôn căn nhà nhỏ hướng ra phía những hồ tôm, bà Nguyễn Thị Đành xúc động bày tỏ : “Nghe cơn bão dữ từ biển Đông sắp ập vào đất liền, tôi thật sự lo lắng mái tôn căn nhà sẽ bị bão cuốn. Trong lúc chưa biết cách nào để phòng tránh thiệt hại thì các chú công an về giúp, tôi thật sự cảm động, bớt nỗi lo âu”.

    Công an Phú Yên chủ động giúp dân trước khi bão đến  -1
Tổ xung kích của Phòng CSCĐ Công an tỉnh Phú Yên giúp người dân ở xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu giằng chống mái nhà.   Ảnh Hữu Toàn.

Khi kiểm tra hoạt động phòng, chống cơn bão số ở thị xã Sông Cầu trong sáng 27/9, ông Trần Hữu Thế – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trực tiếp đến thăm, chia sẻ, động viên tổ xung kích của Phòng CSCĐ Công an tỉnh Phú Yên. 

Quảng Nam được dự báo là nơi tâm bão số 4 đi qua. Để chủ động ứng phó với bão số 4, lực lượng Công an tỉnh này đã ứng trực 100% quân số, sẵn sàng phương tiện, lực lượng giúp đỡ người dân.

Ứng trực 100% quân số, chủ động phòng chống bão và giúp dân -0
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam tham gia kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại các huyện miền núi.

Trong sáng 27/9, Công an các địa phương đồng loạt xuống địa bàn cơ sở để phối hợp di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn và giúp chằng chống nhà cửa cho nhân dân ứng phó bão số 4.

Gấp rút hoàn thành công tác ứng phó trước khi bão đổ bộ -0
Công an xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ giúp đỡ người dân đi sơ tán tập trung để tránh bão số 4.
Gấp rút hoàn thành công tác ứng phó trước khi bão đổ bộ -0
Cán bộ Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Nam hỗ trợ người dân xã Tam Thanh lên xe về điểm sơ tán tập trung.

Được sự đồng ý của Giám đốc Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Nam đã thành lập đội hình “Thanh niên Công an Quảng Nam xung kích ứng phó với bão số 4” gồm 30 đoàn viên thanh niên của các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh xuống các xã ven biển Tam Thanh (TP Tam Kỳ), Bình Minh (huyện Thăng Bình) để phối hợp sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn và chằng chống nhà cửa giúp nhân dân.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, dù trời mưa nặng hạt, kèm gió nhẹ, song hàng chục cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Nam và Công an xã Tam Thanh vẫn nỗ lực đội mưa để giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa và sơ tán người dân đến nơi tập trung.

Bà Lê Thị Tích (trú thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh) chia sẻ rằng, ngôi nhà của vợ chồng bà không kiên cố nên khi được lực lượng Công an vận động đi sơ tán, vợ chồng bà đã đến nhà văn hóa thôn từ sớm để được đưa lên xe vận chuyển về điểm sơ tán tập trung tại trung tâm TP Tam Kỳ. “Vợ chồng tôi già yếu rồi, căn nhà đã cũ không đảm bảo an toàn nên khi nghe bão số 4 rất mạnh sắp đổ bộ vào, vợ chồng tôi đã thu xếp đồ đạc, khóa cửa cẩn thận để đi sơ tán tập trung”, bà Tích bộc bạch.

Ông Phan Văn Tâm (trú thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh) có căn nhà sát biển được xây dựng đã lâu, xuống cấp cũng được đi sơ tán tập trung lần này. Ông Tâm nói rằng, để đảm bảo an toàn tính mạng trước khi bão đổ bộ, gia đình ông gồm 5 người đã được Công an xã giúp đỡ đến nhà văn hóa thôn để đi sơ tán tập trung.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, để ứng phó với bão số 4, thành phố đã tổ chức di dời xen ghép 1.748 hộ/ 4.571 người, sơ tán tập trung 864 hộ/ 2.493 người. Trong đó, riêng xã Tam Thanh thực hiện sơ tán 459 hộ/ 1.601 người.

Sau khi hoàn thành công tác giúp đỡ sơ tán dân và chằng chống nhà cửa cho người dân, chúng tôi cùng đội hình thanh niên xung kích Công an tỉnh Quảng Nam di chuyển đến xã Bình Minh (huyện Thăng Bình). Tại đây, tuổi trẻ Công an tỉnh Quảng Nam đã giúp xúc cát vào bao tải, chằng chống nhà cửa cho hàng chục hộ dân nằm sát biển, nhất là các trường hợp neo đơn, người già, tàn tật.

Gấp rút hoàn thành công tác ứng phó trước khi bão đổ bộ -0
Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cùng đội hình xung kích Đoàn Thanh niên Công an tỉnh xuống địa bàn xã Bình Minh, huyện Thăng Bình giúp đỡ người dân ứng phó bão số 4.
Gấp rút hoàn thành công tác ứng phó trước khi bão đổ bộ -0
Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Quảng Nam chằng chống nhà cửa giúp người dân xã Bình Minh.
Gấp rút hoàn thành công tác ứng phó trước khi bão đổ bộ -0
Lực lượng Công an dùng bao cát chằng chống mái nhà giúp người dân xã Bình Minh.

Cùng đi với đoàn xuống xã Bình Minh giúp đỡ nhân dân ứng phó bão số 4, Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an và Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo ứng trực 100% quân số để phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, phân công các đồng chí trong Ban Giám đốc bám sát địa bàn cơ sở để chỉ đạo công tác hỗ trợ, giúp đỡ người dân ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt; lực lượng Công an các địa phương vừa giúp đỡ nhân dân vừa đảm bảo tình hình ANTT khi người dân thực hiện di dời, sơ tán.

“Công tác ứng phó bão số 4 đã được Công an tỉnh Quảng Nam triển khai rất quyết liệt, khẩn trương, đúng theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo các cấp. Việc giúp đỡ nhân dân phòng, chống thiên tai cũng được lực lượng Công an toàn tỉnh quán triệt, triển khai đồng bộ, nhất là công tác giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, phối hợp di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn”, Đại tá Nguyễn Thành Long nói.

Đại úy Bùi Anh Đức, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, đội hình “Thanh niên Công an Quảng Nam xung kích ứng phó với bão số 4” ngoài nhiệm vụ ứng phó bão còn thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai trong thời điểm trước và sau cơn bão số 4 khi được yêu cầu; sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị nòng cốt như Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Phòng Cảnh sát đường thủy… trong việc ứng phó thiên tai.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Nam còn huy động các nguồn lực sẵn có và xã hội hóa để chuẩn bị cơ số nhu yếu phẩm thiết yếu, hỗ trợ nhân dân tại các khu vực bị cách ly, cô lập do mưa bão; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4 trên các phương tiện thông tin đại chúng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân và đoàn viên thanh niên, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đoàn viên thanh niên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng phó với các tình huống thiên tai.

Theo số liệu tổng hợp các địa phương, tổng số dự kiến di dời trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 45.834 hộ/155.269 người; trong đó sơ tán tập trung 18.388 hộ/ 67.481 người, sơ tán xen ghép 27.466 hộ/87.841 người.

Về công tác ứng phó bão số 4, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện nghiêm túc các phương án, biện pháp phòng, chống mưa bão, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Gấp rút hoàn thành công tác ứng phó trước khi bão đổ bộ -0
Công an xã Tam Hải, huyện Núi Thành giúp đỡ người dân di dời tránh bão.
Gấp rút hoàn thành công tác ứng phó trước khi bão đổ bộ -0
Lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Nam hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn trước khi bão số 4 đổ bộ.

Đối với công tác sơ tán dân, yêu cầu các địa phương tập trung hoàn thành trước 9h, chậm nhất trước 10h ngày 27/9; đồng thời tổ chức rà soát về phương tiện, lực lượng tham gia trong công tác sơ tán; kiểm tra kỹ các địa điểm sơ tán nhân dân đến (kể cả các địa điểm sơ tán xen ghép) phải đảm bảo an toàn khi tránh trú; rà soát công tác đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung. Đối với công tác chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch,... phải hoàn thành trước 12h ngày 27/9.

Quảng Nam cấm phương tiện tham gia giao thông trước khi bão số 4 đổ bộ

Chiều 27/9, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành công văn, chỉ đạo kể từ 18h cùng ngày, cấm tất cả các phương tiện tham gia giao thông và các phương tiện xe máy chuyên dùng khác (trừ các phương tiện tham gia công tác phòng, chống thiên tai) hoạt động, lưu thông trên các tuyến đường cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam.

Đối với các phương tiện tham gia giao thông ngoài tỉnh di chuyển qua địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian nêu trên, yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ, hướng dẫn cho các phương tiện tìm nơi tránh, trú bão an toàn.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đến thời điểm này, về cơ bản công tác ứng phó bão số 4 đã được thực hiện tốt. Lãnh đạo tỉnh đã phân công đi kiểm tra tại tất cả các địa phương để nghe báo cáo các khó khăn, vướng mắc từ nay đến thời điểm bão đổ bộ để có chỉ đạo xử lý kịp thời. Tỉnh Quảng Ngãi đặt ưu tiên hàng đầu là an toàn tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết; giảm thấp nhất thiệt hại về tài sản do bão số 4 gây ra.

Tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động đưa ra các kịch bản để ứng phó với bão, ứng phó với sạt lở đất… Các địa phương căn cứ vào các kịch bản để chủ động thực hiện công tác phòng chống; thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”. Trường hợp vướng mắc, vượt quá khả năng của địa phương thì tỉnh sẽ điều tiết, hỗ trợ kịp thời.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện di dời, sơ tán hơn 75.000 người, trong đó di dời xen ghép hơn 41.500 người, sơ tán tập trung 33.600 người. Công tác di dời, sơ tán dân được kết thúc trước 12h ngày 27/9.

Bên cạnh đó, tất cả các tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi đã được kêu gọi về nơi trú tránh an toàn. Các lồng bè cũng đã được đưa đến các khu vực an toàn nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do bão số 4 gây ra.

Mặc dù bão số 4 chưa đổ bộ vào đất liền, song tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã ghi nhận có gió mạnh cấp 6, cấp 7 và có mưa to. Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, công tác ứng phó bão số 4 trên địa bàn huyện đã được hoàn tất. Huyện Lý Sơn đã thực hiện di dời, sơ tán 17 hộ/ 55 khẩu. Chính quyền huyện Lý Sơn đã giao cho các đồng chí phân công địa bàn nắm tình hình để báo cáo thường xuyên cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện.

Từ 10h ngày 27/9, huyện Lý Sơn thông báo và không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6).

Gấp rút hoàn thành công tác ứng phó trước khi bão đổ bộ -0
Cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra phương tiện, sẵn sàng ứng phó bão số 4. Ảnh: CA

Lực lượng Công an toàn tỉnh Quảng Ngãi đã sẵn sàng các phương án ứng phó bão số 4. Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tổng rà soát phương tiện, thường trực 100% quân số sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục mưa, bão, lũ.

Tại tỉnh Bình Định, Tỉnh ủy Bình Định đã phân công các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 4 tại các huyện, thị xã, thành phố. Công an tỉnh Bình Định đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện để thực hiện cứu hộ, cứu nạn, ứng phó bão số 4; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng, đảm bảo an toàn giao thông quốc lộ, tỉnh lộ...

Gấp rút hoàn thành công tác ứng phó trước khi bão đổ bộ -0
Lực lượng Công an tại tỉnh Bình Định tham gia giúp chằng chống nhà cửa cho người dân. Ảnh: CTV

Đến sáng 27/9, Bình Định có 216 tàu/1.610 người nằm trong vùng nguy hiểm đã nhận được thông tin về cơn bão số 4 và đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Các khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão trên địa bàn tỉnh cũng đang tiếp nhận 5.600 tàu thuyền neo đậu. Tỉnh Bình Định cũng chủ động phương án, kế hoạch sơ tán 18.995 hộ/ 65.404 người dân bị ảnh do bão số 4. Công tác ứng phó với bão thực hiện nghiêm theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo kế hoạch, các công tác chuẩn bị ứng phó bão số 4 tại Bình Định được hoàn thành trước 13h ngày 27/9.

Quảng Nam, Quảng Ngãi cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ làm việc để tránh bão

Sáng 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có công văn, cho phép cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc kể từ 12h ngày 27/9 đến hết ngày 28/9 (trừ các bộ phận liên quan đến phòng, chống thiên tai và các lực lượng khác do thủ trưởng đơn vị quyết định).

Các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, nhà máy tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho công nhân, người lao động,... được nghỉ làm việc kể từ 12h ngày 27/9 đến hết ngày 28/9 nhằm đảm bảo phòng, chống bão, bảo vệ tài sản của gia đình.

Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà kể từ 18h ngày 27/9 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam.

Còn tại Quảng Ngãi, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc kể từ 12h ngày 27/9 cho đến khi có thông báo mới.

 Công an Quảng Trị gặp lúa giúp dân chạy bão

 Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các lực lượng Công an tỉnh, Công an các đơn vị địa phương trong tỉnh rà soát công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó bão số 4, tập trung phòng chống bão tại các vùng ven biển và miền núi thường hứng chịu nhiều nhất của ảnh hưởng bão, dễ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, đá.

Sáng 27/9, các đơn vị: Phòng CSGT, Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Quảng Trị đã triển khai lực lượng về các khu dân cư, đường giao thông trên địa bàn, kiểm tra, cắt tỉa cây xanh có nguy cơ bị gãy đổ do gió bão; rà soát việc gia cố, chằng chống nhà cửa giúp dân phòng chống bão; phối hợp chính quyền, lực lượng địa phương di dời bà con đến nơi an toàn để trú tránh.

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Công an huyện Triệu Phong cho hay, tính đến 14h ngày 27/9, các lực lượng đã cơ bản làm xong công tác giúp dân, sẵn sàng ứng phó, phòng chống bão số 4 tại các địa phương ven biển trên địa bàn, gồm các xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng và các khu dân cư nằm ven sông Thạch Hãn, sông Hiếu thuộc xã Triệu Độ và Triệu Thuận.

Đặc biệt, các lực lượng đã tổ chức di dời gần 3.400 hộ dân ở những vùng sát biển, ven sông và thấp trũng đến các trụ sở ủy ban xã, nhà văn hóa thôn, khu phố để trú tránh bão, lũ; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nước uống, lương thực, thực phẩm cho bà con trong 2 – 3 bị ảnh hưởng bão số 4.

Quảng Trị tập trung phòng chống bão số 4 các vùng ven biển và miền núi -1
Công an xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh) giúp dân gặt lúa chạy bão số 4.

Tại địa bàn huyện Vĩnh Linh, Thượng tá Nguyễn Quốc Quyết, Trưởng Công an huyện cho biết, lúc 11h trưa 27/9, các lực lượng vũ trang, dân quân, thanh niên tại chỗ đã di dời xong hơn 2.700 hộ dân thuộc các xã, thị trấn ven biển là Kim Thạch, Vĩnh Thái, Cửa Tùng đến các địa điểm phòng tránh bão an toàn.

Cũng trong ngày 27/9, Công an các xã miền núi Vĩnh Hà, Vĩnh Ô (Vĩnh Linh) đã khẩn trương giúp dân thu hoạch xong lúa chạy bão, lũ; tổ chức sơ tán người, lương thực đến những nơi cao ráo, an toàn để trú tránh bão số 4.

Quảng Trị tập trung phòng chống bão số 4 các vùng ven biển và miền núi -0
Công an Vĩnh Ô giúp dân vận chuyển lương thực đến nơi cao tránh lũ. (Ảnh chụp sáng 27/9/2022). 

Tại xã Lìa, huyện miền núi Hướng Hóa, Trung tá Nguyễn Thanh Long, Phó Công an xã cho biết, hiện tại có hơn 150 hộ dân nằm ven các triền núi, khe suối ven rừng dễ xảy ra sạt lở đất, đá và lũ quét đã được lực lượng đơn vị phối hợp Bộ đội Biên phòng di dời đến các nhà văn hóa, cộng đồng thôn bản và trụ sở ủy bản xã để trú tránh bão, lũ.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, tính đến 14h ngày 27/9, địa phương đã tổ chức di dời gần 24.000 hộ dân ở những vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bão, lũ quét, ngập lũ cục bộ đến các nơi trú tránh, quyết tâm không để xảy ra thiệt hại về người, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước trên địa bàn. 

Công an tỉnh Quảng Bình bám dân phòng chống bão số 4

Ngay trong 2 ngày qua, lực lượng Công an Quảng Bình đã tập trung lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó và có phương án khắc phục hậu quả, có biện pháp bảo vệ, bảo đảm an toàn cho người dân ở những vùng thường ngập lụt…

 Chủ động, linh hoạt, bám dân phòng chống bão số 4  -0
Đồng chí Trần Hải Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình cùng lãnh đạo các ban ngành kiểm tra công tác phòng chống bão số 4. 

Công an Quảng Bình phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để kêu gọi vào bờ tránh trú bão an toàn. Đồng thời kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến, khu tránh trú bão cho tàu cá, khu vực các cảng để bảo đảm an toàn, tránh chìm tàu, đứt dây neo, đậu không đúng quy định làm ảnh hưởng đến công trình hạ tầng, va đập giữa các tàu. Có phương an tối ưu để bảo vệ tài sản tàu thuyền cho bà con ngư dân khi đi tránh, trú bão.

 Chủ động, linh hoạt, bám dân phòng chống bão số 4  -0
Công an Quảng Bình phối hợp với các đơn vị trên địa bàn giúp dân phòng chống bão số 4. 

Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, Đại tá Nguyễn Hữu Hợp chỉ đạo Công an mỗi đơn vị, địa phương chủ động rà soát vật tư, phương tiện, huy động 100% cán bộ, chiến sỹ trực ban, ứng trực 24/24h, sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”…

Tăng cường lực lượng phối hợp chính quyền cấp xã triển khai sớm phương án phòng ngừa, nhất là các địa bàn xung yếu, có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai để hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh, thu hoạch rau màu. Rà soát các điểm, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực có Taluy âm, Taluy dương để cảnh báo và sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn...

 Chủ động, linh hoạt, bám dân phòng chống bão số 4  -0
Công an Quảng Bình giúp dân chằng nhà cửa trước khi bão đổ bộ vào đất liền. 

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ để kịp thời triển khai xử lý các tình huống có thể xảy ra do ảnh hưởng bão Số 4. 

Chuẩn bị đầy đủ lương thực, nhiên liệu, nhu yếu phẩm trong trường hợp mưa, lũ kéo dài. Hạ thủy, kiểm tra vận hành thử tàu, thuyền, máy phát điện, công cụ cứu nạn, cứu hộ, duy trì thiết bị thông tin liên lạc, vận hành 3 tổ cơ động cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh. Bảo đảm an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động phòng ngừa thiệt hại.

Nhóm PV miền Trung
.
.