Ứng dụng hiệu quả CNTT trong phòng, chống tội phạm

Thứ Bảy, 29/03/2025, 14:15

Hiện, tỉnh Bạc Liêu có 50 mô hình, 330 tổ, trên 6.000 thành viên tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ; có 311 điểm nhân rộng với 1.233 tổ, trên 16.700 thành viên. Các mô hình được xây dựng đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn, lĩnh vực, đối tượng, nhất là các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về  ANTT. 

Ra mắt tháng 11/2022, "Cổng ANTT thông minh" ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Kết cấu của cổng gồm hệ thống cổng xây dựng kiên cố được trang bị cửa cuốn, bộ điều khiển cửa cuốn tự động, hệ thống camera giám sát kết nối mạng Internet. Cổng được quản lý bằng phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Khi cần đóng, mở cổng, người quản lý chỉ cần thao tác ứng dụng quan sát qua camera để thực hiện các lệnh cần thiết; tạo điều kiện thuận lợi cho người quản lý cổng có thể thực hiện thao tác mọi lúc, mọi nơi, dễ dàng xử lý các tình huống liên quan đến ANTT xảy ra trên địa bàn. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, "Cổng ANTT thông minh" đã giúp Công an ngăn chặn, xử lý 4 vụ việc liên quan đến ANTT. 

Ứng dụng hiệu quả CNTT trong phòng, chống tội phạm -0
"Cổng ANTT thông minh" xã Phong Thạnh Tây A ứng dựng hiệu quả CNTT trong phòng chống tội phạm. 

Đến nay, có 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phước Long xây dựng, lắp đặt 8 "Cổng ANTT thông minh"; đồng thời, xã Phong Thạnh Tây A được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về ANTT.  Thiếu tá Nguyễn Cao Sáu (tác giả mô hình), Phó Trưởng Công an xã Phong Thạnh Tây A, chia sẻ: "Mô hình "Cổng ANTT thông minh" được nâng cấp từ mô hình "Cổng ANTT" trên địa bàn xã kết hợp ứng dụng CNTT hiện đại nhằm đáp ứng tốt hơn công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT hiện nay". 

Mô hình "Tổ tự quản lý hụi trong nhân dân bằng ứng dụng Zalo" tại phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai hoạt động từ ngày 21/4/2022. Qua 2 năm hoạt động, mô hình đã hạn chế hành vi lợi dụng chơi hụi để chiếm đoạt tài sản cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác xảy ra trên địa bàn. Từ khi thành lập đến nay, đã có 65 chủ hụi tạo nhóm "zalo hụi" với gần 1.000 hụi viên tham gia. Đặc biệt, mỗi nhóm "zalo hụi" còn sự tham gia quản lý của chính quyền địa phương và Công an nhằm kịp thời nắm bắt thông tin về đường dây hụi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của những người tham gia.

Cơ quan Công an đã tiếp nhận 19 thông tin có liên quan đến việc tổ chức hụi trên địa bàn phường Láng Tròn; kịp thời đề ra giải pháp phòng ngừa từ sớm, không để xảy ra vỡ hụi và phát sinh tội phạm lợi dụng hình thức chơi hụi để chiếm đoạt tài sản; không để xảy ra trường hợp khiếu kiện phức tạp liên quan đến hụi trên địa bàn.

Đến nay Công an tỉnh đã nhân rộng thêm 3 mô hình "zalo hụi" tại xã Tân Phong, thị xã Giá Rai; thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải và thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi. Các mô hình này khi đi vào hoạt động đã bước đầu khẳng định hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, được quần chúng nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Trung tá Trương Minh Đương, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cho biết: "Mô hình đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả phòng ngừa tội phạm về hụi nói riêng, các hành vi vi phạm pháp luật nói chung. Thông qua mô hình, Công an, chính quyền địa phương có thể nắm bắt thông tin, quản lý các đường dây hụi của người dân, kịp thời phát hiện, phòng ngừa các dấu hiệu sai phạm". 

V. Đức - P. Thảo
.
.