Ứng dụng công nghệ 4.0 tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy

Chủ Nhật, 19/12/2021, 07:58

Luật phòng, chống ma túy năm 2021 (PCMT) có nhiều quy định mới. Trong đó, lực lượng CAND là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, hướng tới mục tiêu nâng cao nguồn lực, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy cũng như tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật

Ngày 30/3/2021, tại Kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật PCMT 2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Luật ra đời nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về PCMT và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật PCMT năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 nhằm ngăn ngừa, hạn chế người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy; đồng thời phát huy sức tổng hợp của cả hệ thống chính trị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác PCMT.

Để làm rõ hơn những điểm mới về Luật PCMT 2021, Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó trưởng phòng 2, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, Chỉ thị số 36 ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã đưa ra yêu cầu: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống ma túy. Sớm sửa đổi, bổ sung Luật PCMT và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác PCMT hiện nay.

Ứng dụng công nghệ 4.0 tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy -0
Công an tỉnh Ninh Bình kiểm tra quán karaoke phát hiện nhiều nam, nữ dương tính với chất ma túy.

Luật PCMT được Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng. Trong quá trình xây dựng Ban soạn thảo, Tổ biên tập luôn quán triệt, bám sát vào chỉ đạo của Chỉ thị 36 và thực tiễn công tác PCMT, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, đặc biệt là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, với các Ủy ban Xã hội, Ủy ban pháp luật của Quốc hội trong quá trình xây dựng Luật.

Do đó, có thể nói Luật PCMT năm 2021 đã khắc phục được tồn tại, hạn chế của Luật PCMT năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008, đồng thời giải quyết được vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Khi luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, đây là công cụ pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác PCMT; nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, MTTQ, cá nhân, gia đình trong PCMT; tăng cường sức chiến đấu của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, bảo đảm huy động được nguồn lực trong nước và quốc tế, kiểm soát tốt các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; công tác cai nghiện và quản lý người nghiện hiệu quả và thực chất hơn.

Theo Trung tá Hoàng Văn Hiều, đặc biệt, Luật PCMT có Chương 4 đã quy định biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy để giúp họ không trở thành người nghiện, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. “Tôi cho đây là biện pháp hết sức nhân văn và có ý nghĩa xã hội rất quan trọng”- Trung tá Hoàng Văn Hiều cho biết.

Luật PCMT năm 2021 được xây dựng đã khắc phục, bổ sung các quy định phù hợp hơn với thực tiễn, đặc biệt là liên quan tới quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và những bất cập trong công tác cai nghiện.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Hoàng Văn Hiều nhấn mạnh, đây là điểm mới của Luật. Như chúng ta đã biết trong thời gian gần đây tình trạng người sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến hết sức phức tạp, nhất là sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến bị loạn thần "ngáo đá" gây ra các vụ thảm án. Ngay trong thời kỳ giãn cách COVID-19 các đối tượng vẫn thuê nhà, căn hộ chung cư, các resort để sử dụng ma túy. Hàng năm, trung bình các lực lượng chức năng phát hiện trên 140 nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong khi đó theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính với mức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000đ đến 1.000.000đ nên không đủ sức răn đe, ngoài ra chưa có biện pháp quản lý nào khác.

Luật PCMT đã bổ sung Chương mới, Chương IV "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy", theo đó người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị quản lý ngay từ lần đầu bị phát hiện trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định. Công an cấp xã có trách nhiệm thu thập tài liệu và giúp Chủ tịch UBND cấp xã lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy nhằm giúp họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy từ đó không bị nghiện và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Ngoài ra, trong Luật những nội dung về Công tác cai nghiện đã sửa đổi căn bản, theo đó người nghiện được đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện, người nghiện các chất dạng thuốc phiện được đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Quy định cụ thể các trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện đối với người nghiện từ đủ 18 tuổi trở lên. Như: Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện. Trung tá Hoàng Văn Hiều cho hay - “Qua đó đem lại hiệu quả công tác cai nghiện, giảm nguồn cầu về ma túy”.

Đầu tư vào hoạt động cai nghiện được giảm thuế…

Luật PCMT khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện sẽ huy động được nguồn lực của xã hội trong công tác cai nghiện, giảm chi ngân sách cho công tác này. Người nghiện ma túy có nhiều lựa chọn hơn, chế độ, chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện. Đây cũng là một trong những điểm mới nhận được nhiều ý kiến tán thành. Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, Trung tá Hoàng Văn Hiều nêu rõ, tại khoản 8, Điều 3, Luật PCMT quy định: Tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ quản lý sau cai nghiện ma túy, phòng, chống tái nghiện ma túy được miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Cụ thể hóa chính sách này, tại Thông báo số 330 ngày 9/12/2021 của Văn phòng chính phủ về việc Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp triển khai một số nhiệm vụ PCMT trong đó giao Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch đầu tư nghiên cứu, đề xuất quy định cụ thể về miễn giảm tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ quản lý sau cai nghiện ma túy, phòng, chống tái nghiện ma túy trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được thay đổi một cách căn bản, trong đó người nghiện đăng ký cai nghiện với UBND cấp xã, UBND cấp xã giới thiệu các đơn vị cung cấp các dịch vụ cai nghiện ở trên địa bàn để người nghiện lựa chọn đăng ký, thực hiện các giai đoạn cai nghiện theo quy trình cai nghiện. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện việc cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Không để Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển ma túy

Bên cạnh lực lượng CAND là nòng cốt đòi hỏi sự phối hợp giữa các Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy gồm: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc CAND; cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam và Hải quan.

Quy định các nguyên tắc như trên cùng một địa bàn khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan thì cơ quan phát hiện trước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật vi phạm pháp luật cho cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết.

Quy định này đảm bảo sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy. Qua đó, góp phần ngăn chặn tội phạm ma túy từ ngay khu vực biên giới. Kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển ma túy quốc tế.

Cũng theo Trung tá Hoàng Văn Hiều, để Luật PCMT đi vào cuộc sống, các địa phương, các đơn vị cần có sự chuẩn bị và đưa các giải pháp cụ thể. Trong đó, trên cơ sở Hội nghị toàn quốc về triển khai thi hành Luật PCMT và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành do Chính phủ tổ chức vào ngày 22/12/2021 tới đây, các bộ, ngành, UBND các cấp tiếp tục phổ biến quán triệt một cách sâu rộng, bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp để triển khai thi hành Luật PCMT và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành trong phạm vi, địa bàn lĩnh vực quản lý. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCMT theo phương châm hướng về cơ sở. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như sử dụng mạng xã hội, ứng dụng công nghệ 4.0 để tuyên truyền đến từng người dân biết luật, hiểu luật và thực hiện chấp hành đúng các quy định của pháp luật về PCMT.

Minh Hiền
.
.