Tuyên truyền, lấy ý kiến đối với các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo
Chiều 7/5, Công an TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tuyên truyền, lấy ý kiến đối với các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV năm 2024. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chủ trì Hội nghị.
Hội nghị nghe báo cáo tóm tắt về sự cần thiết phải ban hành và những nội dung trọng tâm của 6 dự án luật do Bộ Công an chủ trì và phối hợp soạn thảo, gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp soạn thảo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, làm rõ cơ sở khoa học, pháp lý gắn với tình hình thực tế nhằm củng cố vững chắc hơn các cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện 6 dự án luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Đại diện Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, tình hình TTATGT đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn diễn biến phức tạp; TNGT vẫn ở mức cao và nghiêm trọng…
Vì vậy, việc ban hành Luật TTATGT đường bộ nhằm xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền con người khi tham gia giao thông; phát triển hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn; phù hợp với quy luật phát triển, xu hướng hoàn thiện của hệ thống pháp luật Việt Nam…
Đại diện Viện KSND TP Cần Thơ cho biết, qua 5 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc. Nhiều đối vụ tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động, gây bức xúc dư luận xã hội, tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ; khi đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí quân dụng nhằm mục đích điều chỉnh nhận thức, hành vi của đối tượng, giảm nguồn tội phạm…
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, giúp Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ có thêm thông tin, từ đó nghiên cứu đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo các luật. Đồng thời Đoàn ĐBQH TP tổng hợp ý kiến góp ý để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành, hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn TP chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng 6 dự án luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả các mặt công tác Công an trong tình hình mới…
- Công an Phú Yên lấy ý kiến xây dựng các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo
- Đắk Nông tổ chức lấy ý kiến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở
- Công an tỉnh Sóc Trăng lấy ý kiến về 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo
- Công an tỉnh Sơn La lấy ý kiến về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo