Triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại tá Nguyễn Văn Dựt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương vừa trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Phòng CSHS và Huân chương Chiến công hạng Ba cho Thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó trưởng Phòng CSHS, Công an tỉnh Bình Dương do có thành tích xuất sắc trong công tác triệt xóa chuyên án đấu tranh, bắt giữ nhóm đối tượng có hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi” có quy mô hoạt động liên tỉnh.
Chuyên án được xác lập từ sự chủ động phòng ngừa tội phạm của Ban giám đốc Công an tỉnh Bình Dương. Các cán bộ, chiến sĩ Phòng CSHS đã có một “trận đánh” đáng nhớ khi đã tập trung triển khai nhuần nhuyễn các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức trinh sát ngày đêm trong suốt thời gian dài…
Thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương là người gắn với chuyên án từ lúc mới “thai nghén”. Anh đã cùng đồng đội “xây dựng” nhiều bà mẹ chân chính làm cộng tác viên để tiếp cận và đưa những kẻ nhẫn tâm, mất tình người ra ánh sáng và giải cứu những đứa trẻ vô tội.
Đầu tháng 7/2022, các trinh sát phát hiện tại Bệnh viện Phụ sản nhi Bình Dương (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) xuất hiện 1 đối tượng nữ có tên gọi là “Trúc”, nick Zalo là “Thiên Trúc” thường xuyên tiếp cận những nhân viên, y tá, điều dưỡng bệnh viện phụ sản để lấy thông tin và chủ động tìm những phụ nữ đang mang thai đến khám hoặc những người phụ nữ mới sinh con tại bệnh viện nhưng không có nhu cầu nuôi con vì nhiều lý do. Sau khi tiếp cận, đối tượng này sẽ đặt vấn đề xin nuôi hoặc mua lại những bé mới sinh hoặc chuẩn bị sinh và sẽ bồi dưỡng cho mẹ bé một số tiền. Nhận thấy có nhiều dấu hiệu bất thường đối với đối tượng này, các trinh sát tổ chức theo dõi.
Đối tượng tên Trúc được xác định là Nguyễn Thị Ngọc Như, SN 1993; ngụ TP Hồ Chí Minh. Như tham gia nhiều nhóm kín trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook về việc cho, tặng con nuôi với nhiều tài khoản và tên khác nhau. Ngày 13/8/2022, Phòng CSHS Công an Bình Dương đã xác lập chuyên án đấu tranh.
Ban chuyên án đã xác định có 4 bé sơ sinh đã bị Như mua đi bán lại tại địa bàn các tỉnh Bình Phước, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Sau khi mua trẻ sơ sinh, Như lên các trang mạng xã hội (các hội nhóm, nhóm kín Zalo do Như tạo để phục vụ việc mua bán trẻ) để rao bán các bé vừa mua được với giá từ 35-60 triệu đồng/ bé. Kèm theo đứa trẻ là một bộ hồ sơ giả (giấy chứng sinh, giấy xác nhận ADN, giấy khai sinh..) được Như bán với giá từ 30-40 triệu đồng/ bộ nhằm hợp thức hóa nguồn gốc các bé cho những người mua.
Ngày 17/8/2022, các trinh sát hình sự nhận được nguồn tin sẽ có giao dịch mua bán trẻ sơ sinh do Như thực hiện ở vùng giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Kế hoạch phá án được triển khai. Ngay sau khi xác định đối tượng mang theo 1 bé trẻ sơ sinh lên 1 xe ôtô Mazda màu trắng BKS 51G-938.59 từ TP Hồ Chí Minh đi về hướng Bình Dương, các tổ trinh sát lập tức bám theo.
Đến khoảng 16h ngày 16/8/2022, tại đoạn đường ĐT 744 nằm trên địa bàn thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), lực lượng phối hợp gồm Phòng CSHS, Phòng CSGT và Công an huyện Dầu Tiếng đã bắt quả tang Như cùng đứa trẻ sơ sinh mà thị chuẩn bị mang bán. Tang vật còn có 2 giấy phân tích, xác nhận ADN, 1 giấy chứng sinh được Như đặt làm giả.
Xác minh, đứa trẻ sơ sinh nói trên mới 7 ngày tuổi, có mẹ là Nguyễn Thị Mai (SN 1997, quê Tiền Giang), đã bán con cho Như với giá 15 triệu đồng và tiền viện phí. Từ lời khai của Như, Ban chuyên án đã bắt giữ Mai tại Long An. Như khai, từ tháng 2/2022 đến khi bị bắt, Như đã mua, bán 6 bé trẻ sơ sinh cùng các bộ hồ sơ giả. Đáng nói hơn là khi bắt đầu “hành nghề”, Như đã bán đứa con ruột của mình ngay sau khi chào đời.
Vụ án được mở rộng điều tra, Ban chuyên án tiếp tục bắt khẩn cấp 2 đối tượng môi giới cùng cấp với đối tượng Như tại tỉnh Đắk Nông là Chu Thị Cúc Phương (SN 1982, quê Khánh Hòa) và Nguyễn Thị Thùy Dương (SN 2001, quê Bạc Liêu). Tiếp đó, ngày 22/8/2022 đã bắt khẩn cấp 4 đối tượng có hành vi bán con mới đẻ là Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1989) và Lê Thị Ngọc Thắm (SN 2000, quê Long An), Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1997, quê Bến Tre) và Châu Gia Hân, SN 2004, quê Đồng Tháp.
Tuy Như là đối tượng cầm đầu nhưng Chu Thị Cúc Phương mới là một “mẹ mìn” đúng nghĩa. Phương có chồng và 3 con nhưng đã chia tay chồng từ năm 2019. Thời điểm này Phương làm nấu ăn trong một khách sạn ở Nha Trang để nuôi con ăn học và chung sống như vợ chồng với một người đàn ông quê ở Đắk Nông.
Sau đợt dịch COVID-19 lần thứ nhất, Phương bị mất việc nên gửi lại con cho hai bên nội, ngoại nuôi dưỡng còn mình cùng người tình trôi dạt vào tỉnh Bình Thuận để tìm kế sinh nhai. Người tình của Phương làm công trình xây dựng còn Phương nấu cơm bán cho các thợ hồ ở công trình…
Đến sau đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, đôi tình nhân lại mất việc nên quyết định về Đắk Nông để “làm lại từ đầu”. Người tình của Phương làm công cho các chủ vườn cà phê, còn Phương ở nhà lo nội trợ. Thời gian rảnh rỗi Phương thường truy cập mạng xã hội như Facebook, Zalo thì phát hiện có rất nhiều hội nhóm “cho và nhận con nuôi” nên nảy sinh ý định kết nối giữa người cho con và nhận con nuôi và đã mua bán người từ đó.
Phương chuyên nghiệp ở chỗ tổ chức nuôi dưỡng các thai phụ ngay tại nhà của mình. Ai lỡ mang thai ngoài ý muốn mà muốn giấu giếm gia đình, hàng xóm thì Phương nhận về chăm sóc. Trong thời gian này, cũng thông qua mạng xã hội, Phương tìm người để bán. Ai có nhu cầu thì đăng ký với Phương và cung cấp giấy tờ tùy thân. Để đến khi người bán sinh con sẽ làm giấy tờ giả mang tên mẹ là người mua con nhằm hợp thức hóa cho đứa trẻ sau này….
Tháng 5/2024, TAND tỉnh Bình Dương đã đưa 15 bị cáo trong vụ án “Mua bán người dưới 16 tuổi” và “Làm giả, sử dụng tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức” ra xét xử và tuyên phạt Chu Thị Cúc Phương 23 năm tù; Nguyễn Thị Ngọc Như 21 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 6 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 9 năm tù.