Triển khai mô hình "Trường học thân thiện, không tệ nạn và không bạo lực học đường"

Thứ Sáu, 29/03/2024, 11:23

Sáng 29/3, Công an TP Cần Thơ và Sở GD-ĐT TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết Quy chế phối hợp giữa Công an TP và Sở GD-ĐT và triển khai mô hình "Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn và không bạo lực học đường”.   

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ và ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ đồng chủ trì Hội nghị.

Cần Thơ triển khai mô hình
Giám đốc Công an TP Cần Thơ và Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ ký kết thực hiện mô hình. 

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ năm 2016 đến năm 2023, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 13 vụ bạo lực học đường, 8 vụ vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục... Các vụ bạo lực học đường xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ, bình thường trong giao tiếp, sinh hoạt, học tập hoặc bất đồng quan điểm rồi bộc phát thành những mâu thuẫn lớn, hẹn hò sử dụng hung khí để gây rối trật tự…

Cần Thơ triển khai mô hình
Các đại biểu tham dự Hội nghị. 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết, để triển hiện hiệu quả quy chế phối hợp và mô hình “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn và không bạo lực học đường”, Công an TP và Sở GD-ĐT căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao quán triệt, cụ thể hóa thành các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên; Chương trình phối hợp số 03 giữa Bộ Công an và Bộ GD&ĐT; kế hoạch phối hợp thực hiện mô hình “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn và không bạo lực học đường”.

Theo đó, ngành Giáo dục TP chỉ đạo nhà trường, giáo viên thực hiện tốt công tác nắm tình hình của con em học sinh để kịp thời phát hiện, căn ngăn, giáo dục kịp thời các hành vi đáng ngờ, các mâu thuẫn phát sinh có nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường. Lập danh sách số học sinh cá biệt để phối hợp với Công an quản lý và có biện pháp giáo dục cho phù hợp.  Rà soát, lắp đặt hệ thống camera an ninh xung quanh trường học phục vụ công tác bảo vệ cơ quan đơn vị, phòng chống tội phạm và phòng ngừa bạo lực học đường.

Phối hợp với Công an làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về các kỹ năng sử dụng mạng xã hội và cách ứng xử, giải quyết mâu thuẫn; phối hợp với Công an thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và nội quy nhà trường về việc mang các vật cấm, hung khí, vật dụng sắc, nhọn vào trường học để phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường và tội phạm trong thanh thiếu niên.  Đề nghị các trường học chia sẻ thông tin chính xác, kịp thời khi có dấu hiệu của vụ việc bạo lực học đường để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để phát sinh phức tạp trong dư luận.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, vận động các hộ gia đình, hộ kinh doanh khu vực xung quanh trường học ký cam kết đảm bảo ANTT, không phục vụ học sinh các hoạt động giải trí như karaoke, game online, rượu, bia, các chất kích thích trong giờ học; không chứa chấp tệ nạn xã hội, cầm cố tài sản của học sinh; không nhận giữ các xe mô tô trên 50 phân khối do các cháu học sinh gửi. Khi xảy ra các vụ việc bạo lực học đường, thì Công an xã, phường, quận, huyện phải chủ động phối hợp nhà trường kịp thời giải quyết tốt vụ việc, không để phát sinh dư luận phức tạp, đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, vừa răn đe, vừa giáo dục.

Công an TP Cần Thơ và Sở GD-ĐT đề nghị gia đình cần quan tâm, chia sẻ, gần gũi với con em mình hơn nữa; kịp thời uốn nắn, giáo dục, răn đe, phê phán các hành vi bạo lực, sai trái của con em mình. 

Văn Đức
.
.