Tri ân nhà giáo - viết tiếp truyền thống “tôn sư trọng đạo” cao quý

Thứ Sáu, 19/11/2021, 08:44

Những ngày này, chúng ta đều hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, để biết ơn những người thầy đã dạy dỗ chúng ta trưởng thành; biết ơn những người thầy đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Viết tiếp truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ đều dành thời gian để thăm hỏi, tri ân các Giáo sư, Phó Giáo sư là lãnh đạo Bộ, nguyên lãnh đạo Bộ Công an; thăm hỏi, gặp gỡ những nhà giáo trong lực lượng CAND; đồng thời thăm thân nhân những cố nhà giáo CAND, thắp nén hương tưởng nhớ công lao của các cố nhà giáo với tấm lòng ngưỡng vọng, thành kính nhất.

Chiều 15/11, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng các cán bộ của Cục Đào tạo, Bộ Công an đã đến thắp hương tưởng nhớ, tri ân, thăm hỏi thân nhân gia đình cố Nhà giáo Phạm Tâm Long, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân. Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ ân cần thăm hỏi bà Lê Thị Thu Minh, phu nhân của cố Nhà giáo Phạm Tâm Long và gia đình. Phu nhân của cố Nhà giáo Phạm Tâm Long xúc động trước sự thăm hỏi ân cần của Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ.

Hầu như năm nào các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an dù bận trăm công ngàn việc vẫn dành thời gian tới thăm gia đình bà. Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ khẳng định, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và các thế hệ cán bộ, chiến sỹ CAND luôn trân trọng những đóng góp, cống hiến to lớn của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Công an, trong đó có cố Nhà giáo Phạm Tâm Long đối với sự nghiệp bảo đảman ninh, trật tự của lực lượng CAND nói chung và với sự nghiệp giáo dục đào tạo trong CAND nói riêng.

Tri ân nhà giáo - viết tiếp truyền thống “tôn sư trọng đạo” cao quý -0
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ ân cần thăm hỏi bà Lê Thị Thu Minh, phu nhân cố nhà giáo Phạm Tâm Long.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cố nhà giáo Phạm Tâm Long có 16 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, nghiên cứu và góp phần xây dựng hệ thống lý luận nghiệp vụ của lực lượng CAND. Từ một trưởng khoa nghiệp vụ, sau ngày miền Nam giải phóng, ông được lãnh đạo Bộ điều vào làm Hiệu trưởng Trường Bổ túc sĩ quan CAND. Đây là bước phát triển kế tiếp của Trường An ninh miền Nam thời chống Mỹ. Các học viên ở cơ sở này là những cán bộ, chiến sĩ Công an, đã từng nếm mật nằm gai, chiến đấu trực diện với địch ở các tỉnh miền Nam. Nhiều người chỉ lo đánh địch mà chưa được đến trường. Do vậy, với tầm nhìn xa của một nhà sư phạm mẫu mực, ông xác định việc bồi dưỡng, truyền đạt lý luận nghiệp vụ cho họ trong bối cảnh đất nước thống nhất là vấn đề rất cần thiết và quan trọng. Từ đó, nhà giáo Phạm Tâm Long đã cùng các đồng nghiệp xây dựng và từng bước hoàn thiện bộ giáo trình nghiệp vụ phục vụ công tác giảng dạy cho học viên. Đây là một nhiệm vụ vừa trọng tâm, vừa cấp bách của toàn ngành, song đó lại là công việc rất mới mẻ của đội ngũ nhà giáo ở các trường Công an thời bấy giờ.

Năm 1978, nhà giáo Phạm Tâm Long trở thành Hiệu trưởng Trường Đại học ANND (nay là Học viện ANND), tiếp tục có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của ngành Công an. Ông, một người thầy kính mến của nhiều thế hệ cán bộ Công an, người cán bộ lãnh đạo chỉ huy mẫu mực của lực lượng CAND. Dù trên cương vị công tác nào, nhà giáo Phạm Tâm Long cũng có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, Nhà nước và dân tộc; đã có nhiều công lao, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, sự nghiệp giáo dục đào tạo. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 2 Huân chương Quân công hạng Nhì, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong số những nhà giáo, nhà sư phạm lớn của lực lượng CAND được lãnh đạo Bộ Công an dành nhiều sự quan tâm, thăm hỏi, tri ân sâu sắc có cố nhà giáo Phạm Văn Nghi, nguyên Hiệu trưởng Trường Công an Trung ương, giai đoạn 1962 – 1974. Học trò của nhà giáo Phạm Văn Nghi nhiều người giờ đã trở thành các tướng lĩnh trong lực lượng CAND, họ đã thấm nhuần phương châm "Tam giáo" của ông như một “khuôn vàng thước ngọc” dành cho những nhà sư phạm. Đó là  "Ngôn giáo", nói năng phải có tính giáo dục, sư phạm; là "Thân giáo", bản thân mình phải gương mẫu trước, làm trước; là "Văn giáo", là cách sống, ứng xử phải có văn hóa của người thầy. Thầy rất coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ, học viên, để họ thấm nhuần Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, thấm nhuần bản chất đạo đức cách mạng của người chiến sỹ CAND. Sự đóng góp của thầy giáo Phạm Văn Nghi với sự nghiệp giáo dục đào tạo chính là thầy đã hình thành hệ thống lý luận nghiệp vụ Công an, thông qua việc xây dựng, hoàn chỉnh giáo trình, giáo án của Trường Công an Trung ương. Thầy Phạm Văn Nghi đặc biệt quan tâm công tác cải cách, đổi mới giáo dục, đào tạo trong nhà trường.

Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, con trai trưởng của nhà giáo Phạm Văn Nghi, theo nghề cha, ông cũng là một nhà giáo, một người thầy khả kính. Ông chia sẻ rằng, ông rất xúc động khi những ngày này, gia đình ông luôn được đón các đồng chí lãnh đạo, các tướng lĩnh, các nhà khoa học, các học trò đến thăm hỏi, thắp hương cho nhà giáo Phạm Văn Nghi để tưởng nhớ về người thầy giáo đã một đời đam mê với sự nghiệp trồng người; để nhớ về một người thầy sống giản dị nhất có thể, và luôn đau đáu làm thế nào để giáo viên giảng dạy tốt nhất, học viên học tập rèn luyện hiệu quả nhất. Nhớ về những người thầy đã đi xa, đó cũng là đạo lý, là truyền thống nhân văn của người Việt Nam luôn “tôn sư trọng đạo”.

“Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm tới công tác giáo dục đào tạo, trước hết là đào tạo con người trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, gắn bó với dân. Truyền thống của ngành Công an rất chú ý giáo dục đạo đức, bản lĩnh người chiến sỹ cách mạng, biết vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng được coi là nhiệm vụ hàng đầu của các trường CAND. Nhiều đồng chí lãnh đạo Bộ Công an đều trưởng thành từ cái nôi giáo dục CAND là Trường Công an Trung ương, trong lòng luôn khắc ghi, biết ơn những người thầy đã dạy dỗ, luyện rèn nên các đồng chí luôn dành sự quan tâm đến những người thầy, tri ân các nhà giáo lão thành, thăm hỏi thân nhân các cố nhà giáo. Tôi cho rằng đấy cũng là một cách giáo dục truyền thống nhân văn tốt đẹp để các thế hệ sau noi theo. Xây dựng người Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thì cái gốc chính là giáo dục đạo đức cho người chiến sỹ, thể hiện qua truyền thống “tôn sư trọng đạo”, Thiếu tướng Phạm Văn Dần bày tỏ…

Gần 20 năm Thiếu tướng, nhà giáo Hoàng Mai, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, nguyên Giám đốc Công an Khu 12 đã đi xa, nhưng những ngày này, gia đình ông vẫn được đón các đồng chí lãnh đạo, các học trò của ông đến thăm, thắp nén hương để kính vọng một người thầy lớn. Nhắc đến nhà giáo Hoàng Mai là nhắc đến nơi “khởi nguồn” Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Khi tờ báo Bạn dân – nội san của Công an Khu XII ra đời, đồng chí Hoàng Mai – Giám đốc Công an Khu XII đã gửi số báo đầu tiên tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và chỉ ít ngày sau, ngày 11/3/1948, Bác Hồ gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, trong thư có 6 nội dung nói về “Tư cách người Công an cách mệnh”: “Đối với tự mình: Phải cần kiệm liêm chính; Đối với đồng sự: Phải thân ái giúp đỡ; Đối với Chính phủ: Phải tuyệt đối trung thành; Đối với nhân dân: Phải kính trọng lễ phép; Đối với công việc: Phải tận tụy; Đối với địch: Phải cương quyết khôn khéo”. Lời dạy của Bác Hồ ngay sau đó đã được in trên Báo Bạn dân, được lan tỏa trong toàn bộ cán bộ, chiến sỹ của lực lượng CAND, như một kim chỉ nam, là mạch nguồn xuyên suốt để lực lượng CAND phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Mai đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy chương Vì an ninh Tổ quốc và Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Có thể nói, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” mãi mãi là một giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, giáo dục con người luôn biết ơn, kính trọng người thầy. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an đã quan tâm, dành những tình cảm chân thành, sâu sắc tri ân những người thầy của mình, tri ân những người thầy của bao thế hệ cán bộ chiến sỹ trong CAND, để viết tiếp một truyền thống nhân văn sâu sắc, tôn vinh nghề dạy học cao quý…

Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021), ngày 17/11/2021, Trung tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã đến thăm hỏi, tri ân các Giáo sư, Phó Giáo sư là lãnh đạo Bộ, nguyên lãnh đạo Bộ Công an.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ gửi lời thăm hỏi và trao tặng lẵng hoa tươi thắm đến các đồng chí: Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng, PGS.TS Bùi Văn Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương. Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ mong muốn các đồng chí sẽ tiếp tục quan tâm, có những sáng kiến, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước nói chung và của lực lượng CAND nói riêng. Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đã đến thắp hương tưởng nhớ, thăm hỏi thân nhân gia đình Đại tướng, GS.TS Trần Đại Quang, cố Chủ tịch nước, cố Bộ trưởng Bộ Công an.

Thu Phương
.
.