Trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp cứu ngưng tim ngoại viện
Ngày 18/9, Bệnh viện 199 phối hợp với tổ chức Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Zoll, tổ chức Hội thảo “Phân tích dữ liệu ngưng tim ngoại viện toàn cầu lần thứ 5”. Hội thảo đã thu hút hàng trăm cơ sở y tế trong và ngoài CAND và 24 Báo cáo viên trong nước và quốc tế tham gia.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ, BS Quách Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện 199 cho biết Hội thảo là cơ hội quý giá để cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực phân tích dữ liệu ngưng tim ngoại viện và trao đổi kinh nghiệm, kết nối với các chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều quốc gia trong lĩnh vực cấp cứu ngưng tim ngoại viện.
Tập trung vào việc nghiên cứu các phương pháp, kỹ thuật và ứng dụng mới của lĩnh vực phân tích dữ liệu vào lĩnh vực cấp cứu ngưng tim ngoại viện, nhiều chủ đề được các Báo cáo viên trình bày, thảo luận trong 2 ngày.
Tiến sĩ Anjni Joiner (Đại học Duke, Durham, NC, Hoa Kỳ) và Tiến sĩ Gayathri Nadarajan (Đại học Quốc gia Duke Singapore, Singapore) đã báo cáo đề tài “Công cụ đánh giá hệ thống chăm sóc cấp cứu ngoài viện (PECSET)” đã chỉ ra: Gánh nặng của các tình trạng khẩn cấp và tập trung vào việc cải thiện chăm sóc cấp cứu trước khi vào viện. Hệ thống PECSET sẽ đo lường hiệu suất; Xác định các lĩnh vực cần cải thiện; Theo dõi tiến trình.
Các chuyên gia chỉ rõ, mục tiêu chung của PECSET là cải thiện tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các tình trạng khẩn cấp cần xử lý kịp thời thông qua việc cải thiện việc cung cấp dịch vụ chăm sóc của các hệ thống chăm sóc khẩn cấp trước khi vào viện; Tập trung, thiết lập nguồn lực thấp/phát triển hệ thống tiền bệnh viện; Giới thiệu các biện pháp chất lượng và hiệu suất.
Do đó, chuyên gia mong muốn cần ưu tiên toàn cầu cho chăm sóc cấp cứu trước. Bởi Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khuyến nghị là phải đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc khẩn cấp cho tất cả mọi người. Đồng thời cung cấp, đào tạo chăm sóc khẩn cấp cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có liên quan.
Liên quan đến lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Tiến sĩ Nan Liu - Trường Y khoa Duke-NUS, Đại học Quốc gia Singapore báo cáo đề tài “AI trong việc phát triển hệ thống theo dõi ngừng tim ngoài viện (OHCA)”.
Báo cáo chỉ ra tầm quan trọng OHCA và vấn đề đột tử do tim là mối quan tâm sức khỏe toàn cầu. OHCA có lợi ích trong việc xác định kết quả lâm sàng; chuẩn hóa đánh giá; xác định các cơ hội cải thiện và theo dõi sự lan tỏa của các liệu pháp mới; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm và trả lời được các câu hỏi nghiên cứu về tính hiệu quả của hệ thống theo ngừng tim ngoài bệnh viện. Quan trọng hơn, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể ứng dụng vào hệ thống OHCA. Và AI là yếu tố cốt lõi trong phân tích dữ liệu đăng ký OHCA.
Hội thảo còn kết nối các nhà nghiên cứu trẻ và các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực khoa học dữ liệu trong và ngoài nước. Hội thảo còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của một lĩnh vực quan trọng và mở đường cho việc ứng dụng phân tích dữ liệu trong cấp cứu ngưng tim ngoại viện, cải thiện chất lượng cuộc sống con người.