Trải nghiệm khó quên của người thầy thuốc Công an giữa tâm chấn Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Ba, 28/02/2023, 07:35

Gần 1 tuần sau chuyến công tác đặc biệt tham gia Đoàn cán bộ CAND Việt Nam đi cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân trong thảm hoạ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ trở về, mà Đại úy Nguyễn Anh Đức, bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an vẫn chưa hết bồi hồi. Với bác sĩ Đức, chuyến đi ắp đầy kỷ niệm, là trải nghiệm không thể nào quên trong đời mình.

Gấp rút lên đường làm nhiệm vụ quốc tế

Trong số 24 CBCS được Bộ Công an Việt Nam cử sang cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân đợt thảm họa động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, có một bác sĩ duy nhất, đó là Đại uý Nguyễn Anh Đức, bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an. Bác sĩ Đức được lãnh đạo Bộ Công an, Bệnh viện 19-8 tin tưởng, giao nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ CBCS trong đoàn vừa hỗ trợ nước bạn sơ cứu ban đầu các nạn nhân vụ động đất.

a1.jpg -0
Đại uý, bác sĩ Nguyễn Anh Đức (người bế cháu bé) và Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Bộ Công an, Trưởng đoàn công tác thăm, trao quà tặng một gia đình kiều bào tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu giờ chiều 9/2, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm, Đại tá Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 đã gọi điện, trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại uý, BS Nguyễn Anh Đức, Khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật tạo hình yêu cầu khẩn trương chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Trong điện thoại, Nguyễn Anh Đức vẫn nhớ như in mệnh lệnh của Thủ trưởng bệnh viện và yêu cầu gấp gáp của chuyến đi, đúng 16h phải có mặt tại điểm tập kết, họp mặt với Đoàn để lên đường.

Nhìn đồng hồ chỉ còn khoảng 2 tiếng nữa là đến giờ tập kết đoàn, Đức phóng như bay về nhà, vơ vội quần áo, đồ dùng cá nhân nhét vào balo và tranh thủ gọi điện thoại thông báo cho vợ. Lúc này, chị Thanh Vân vẫn đang trong giờ làm việc ở cơ quan, nghe chồng gọi điện thông báo về chuyến đi xa quá gấp gáp của chồng, chị nén lo lắng, động viên chồng gắng giữ gìn sức khỏe.

Đúng 16h, đoàn tập trung họp mặt trước khi lên đường, đích thân Bộ trưởng Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam đã gặp mặt, động viên, dặn dò các CBCS trong đoàn. Giao nhiệm vụ cho CBCS đoàn công tác cứu nạn đi làm nhiệm vụ quốc tế, Bộ trưởng Tô Lâm ân cần lưu ý anh em trong đoàn phải chuẩn bị chu đáo hành trang, mang theo quần áo rét vì hiện nay thời tiết ở Thổ Nhĩ Kỳ đang rất lạnh. Thế nhưng thật sự lúc đó quá gấp, không còn đủ thời gian để về nhà lấy thêm áo rét. Cũng may, mấy anh em đồng nghiệp cùng cơ quan cởi áo bông, áo phao đang mặc để nhường cho Đức mượn. Quả thật khi sang đến Thổ Nhĩ Kỳ, trời lạnh đến nỗi chai nước uống Lavie mang theo sau một đêm đã đóng đá đông cứng.

Chiều tối hôm ấy, thay mặt lãnh đạo bệnh viện, Đại tá Nguyễn Thái Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện 19-8 cùng lãnh đạo Khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật tạo hình và một số đồng nghiệp đưa tiễn Đức ra tận sân bay Nội Bài. Trên đường đi, Đại tá Nguyễn Thái Hưng còn bảo lái xe tranh thủ ghé quán phở ven đường mời Đức ăn bát phở. Nhìn Đức ăn, anh Hưng khẽ động viên: “Ăn nhiều vào, sang đấy không biết đến bao giờ mới được ăn phở Việt Nam đâu”. Câu đùa ấy của Đại tá Nguyễn Thái Hưng làm Đức nhớ mãi. Mà quả thực, khi sang đến Thổ Nhĩ Kỳ mới thấy, câu nói ấy của Đại tá Nguyễn Thái Hưng đúng đến nhường nào. Bởi vì ở đây, cả thành phố Adiyaman tan hoang, đổ nát, mọi hoạt động của thành phố gần như đình trệ, tìm quán ăn, cửa hàng để mua đồ ăn cũng khó chứ nói gì đến bát phở Việt Nam.

Trải nghiệm khó quên

Hơn 14 giờ đồng hồ bay từ Việt Nam sang đến sân bay Adana (Thổ Nhĩ Kỳ) rồi tiếp tục phải di chuyển liên tục gần 10 tiếng đồng hồ bằng ôtô để tới thành phốAdiyaman - địa điểm tập kết để phối hợp với các lực lượng cứu hộ quốc tế thực hiện nhiệm vụ, tất cả anh em trong đoàn đều không hề chợp mắt. Một phần vì lo chuẩn bị cho công việc sắp tới, một phần vì giá rét, đầu ngón tay, ngón chân tê cóng vì lạnh.

Quãng đường khoảng 300km từ sân bay Adadna về đến khu vực tập kết đóng quân của đoàn tại TP Adiyaman theo dự kiến đi ôtô mất khoảng 6 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt, tuyết rơi nhiều, đường trơn trượt, có nơi xuống -6 độ C… nên phải 10 tiếng sau đoàn mới đến nơi dù không ăn, nghỉ dọc đường. Trên đường đi nhìn cảnh hoang tàn, đổ nát của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất khiến anh em trong đoàn xót xa. Dù rất mệt và rét sau chuyến di chuyển đường dài nhưng lúc đó trong đầu tất cả anh em trong đoàn đều chỉ nghĩ đến việc phải làm sao để nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ hỗ trợ nước bạn.

a3.jpg -0
Đại úy, bác sĩ Nguyễn Anh Đức (bìa phải) cùng người dân và một số tình nguyện viên Thổ Nhĩ Kỳ.

Khoảng 1h ngày 11/2 (theo giờ địa phương), đoàn đến nơi và khẩn trương làm việc với Ban tổ chức để nhận nhiệm vụ; khẩn trương lắp đặt, bố trí 15 tấn thiết bị mang theo và dựng lều trại dã chiến trong đêm dưới ánh sáng của những chiếc đèn pin dã chiến. Từng có kinh nghiệm trong các đợt đi chi viện cứu hộ phòng, chống dịch, phòng, chống thiên tai trong nước nên ngay sau khi được giao nhiệm vụ cùng đoàn cán bộ PCCC và CNCH Bộ Công an đi cứu hộ người dân Thổ Nhĩ Kỳ, Nguyễn Anh Đức được lãnh đạo Bệnh viện 19-8 trang bị đầy đủ mọi trang thiết bị cần thiết để mang theo phục vụ việc sơ, cấp cứu ban đầu như: dịch truyền, bóng bóp, các loại thuốc cấp cứu suy hô hấp… hỗ trợ cấp cứu các nạn nhân kịp thời.

Adiyaman khi đó là một trong những địa phương của Thổ Nhĩ Kỹ bị thiệt hại nặng nề nhất sau động đất. Mọi sinh hoạt thiết yếu đều vô cùng thiếu thốn: không có nước sạch sinh hoạt, thiếu điện vì toàn bộ thành phố đã bị động đất phá hoại nặng nề. Bởi vậy, trong suốt thời gian làm nhiệm vụ tại nước bạn, mỗi buổi sáng các thành viên trong đoàn phải cắt cử nhau đi chở nước sạch ở các điểm cứu trợ để lấy nước mang về ăn uống, sinh hoạt. Tất cả anh em trong đoàn suốt 7 ngày làm nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ đều không được tắm vì khan hiếm nước. Còn điện lại càng thiếu thốn hơn, phải tiết kiệm để dành ưu tiên sạc các phương tiện phục vụ tác chiến cứu nạn. Thông tin liên lạc khó khăn, điện thoại di động gần như không hoạt động được do các cột sóng đã bị động đất phá hủy khiến thông tin liên lạc nhiều khi bị đứt đoạn.

Trong câu chuyện sôi nổi Đức kể, thú vị nhất là chuyện buổi sáng ngày thứ ba khi Đức cùng hai đồng chí Cảnh sát PCCC Công an TP Hồ Chí Minh trên đường đẩy xe ra điểm cứu trợ nhận củi đốt, cách nơi hạ trại của đoàn khoảng hơn 1km thì gặp nhóm Cảnh sát địa phương. “Khi nhìn thấy chúng tôi, nhóm Cảnh sát nước bạn vui vẻ vẫy tay chào rồi hồ hởi chạy tới bắt chuyện. Họ hỏi các bạn có phải là Công an Việt Nam không? Sao xa xôi thế các bạn cũng nhiệt tình đến đây giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn các bạn ở Việt Nam lắm. Lúc đó họ còn tặng mỗi người chúng tôi một quả tươi để bày tỏ sự biết ơn. Món quà nhỏ từ các bạn đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ gửi tặng trong phút giây ngắn tình cờ gặp mặt khi ấy đã trở thành một kỷ niệm đẹp, không thể nào quên đối với mỗi chúng tôi” – Đại uý Nguyễn Anh Đức chia sẻ.

Và cũng chẳng thể quên đêm sinh nhật đặc biệt của Thiếu tá Trần Văn Hân, cán bộ Khoa cứu nạn, Đại học Cảnh sát PCCC trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyễn Anh Đức cho biết, ngày thứ tư, sau khi sang đây thực hiện nhiệm vụ, đúng vào ngày sinh nhật của Thiếu tá Trần Văn Hân. Bánh gato không có, hoa quả, rượu, nến cũng chẳng thể kiếm đâu ra, các CBCS trong đoàn liền nghĩ ra sáng kiến mang mì tôm, lương khô làm quà chúc mừng sinh nhật, rồi lấy bật lửa thay nến, cùng các bạn tình nguyện viên Thổ Nhĩ Kỳ quây quần, cùng nhau chia vui.

Đại uý Nguyễn Anh Đức cũng cho biết, trong thời gian đoàn CBCS Công an Việt Nam làm nhiệm vụ trên đất bạn, nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ và các bạn tình nguyện viên khi nhìn thấy lều bạt gắn cờ Việt Nam, họ đã chủ động vào thăm, trò chuyện, ôm chầm chúng tôi động viên và không ngớt bày tỏ cảm ơn các CBCS Công an Việt Nam đã không quản ngại xa xôi, vất vả, sát cánh, chia sẻ mất mát cùng nhân dân Thổ Nhì Kỳ. Nhiều bạn tình nguyện viên nước bạn còn sẵn sàng cùng ăn, cùng ngủ, cùng hỗ trợ đoàn thực thi nhiệm vụ. Đó là động lực để mỗi CBCS trong đoàn càng thêm nỗ lực giúp người dân Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua đau thương.

Tâm Phạm
.
.