Tôn vinh nhiều gương điển hình trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng
Ngày 10/8, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức họp mặt, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh năm 2023.
Từ năm 2018 đến 2022, tỉnh Sóc Trăng có 666 vị được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những công dân gương mẫu, đi đầu; có khả năng vận động, quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc, được nhân dân nơi cư trú yêu quý, tin tưởng, tín nhiệm.
Người có uy tín tỉnh Sóc Trăng đã phát huy vai trò của mình trong phối hợp chặt chẽ với chính quyền, mặt trận, đoàn thể thực hiện tốt vận động, tổ chức cho đồng bào dân tộc tham gia thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là các chính sách dân tộc, tôn giáo; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn ANTT ở địa phương.
Nhiều người có uy tín trở thành lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua các mô hình sản xuất hiệu quả, như: Mô hình chuyển dịch tái cơ cấu nông nghiệp trồng dưa hấu dưới chân ruộng của ông ông Thạch Luông (ngụ Phường 7, TP Sóc Trăng); mô hình nuôi tôm ao bạt của ông Trần Công Phán (ngụ xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu); mô hình nuôi cá của ông Thạch Luônh (xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu); mô hình trồng thanh long xuất khẩu, mô hình nuôi bò hefe của người có uy tín huyện Châu Thành, … góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Người có uy tín phát huy vai trò, vị trí trung tâm đoàn kết trong cộng đồng dân cư; tích cực vận động đồng bào tham gia các phong trào, như: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Giữ gìn ANTT ở khu dân cư”; vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm; vận động, giáo dục người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng khu dân cư, khóm, ấp...
Người có uy tín trong tỉnh đã tổ chức được 166 cuộc tuyên truyền với 1.814 lượt người tham dự, góp phần cùng chính quyền địa phương đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo điều kiện cho các ban ngành, đoàn thể và cơ quan chức năng vận động các đối tượng hoàn lương trở thành người công dân tốt, tham gia hỗ trợ Công an các cấp giữ gìn ANTT cơ sở, nhất là giải quyết ổn định các vụ việc nổi lên; cung cấp 54 tin báo cho Công an chủ động phát hiện, giải quyết ổn định các vụ liên quan đến ANTT, không để phát sinh phức tạp trong đồng bào dân tộc, tôn giáo ở địa phương.
Bên cạnh đó, người có uy tín tỉnh Sóc Trăng gương mẫu đi đầu trong vận động đóng góp nguồn lực để thực hiện các chương trình an sinh xã hội; hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả, đã vận động xây dựng 27 nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết, 119 cây cầu nông thôn; phát 163.459 phần quà, trên 409 tấn gạo; tặng 28 xe lăn; tặng 100.367 suất học bổng, hỗ trợ vở, xe đạp, đồng phục cho học sinh nghèo; hỗ trợ điều trị bệnh cho 1.388 lượt người; hỗ trợ mổ mắt, tim cho 274 người; phát trên 292.000 suất cơm miễn phí tại các bệnh viện... với tổng số tiền 104 tỷ đồng.
Thời gian qua đã xuất hiện nhiều tấm gương người có uy tín trong đồng bào dân tộc, như: Thượng tọa Lý Đức, Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Som Rong (Phường 5, TP Sóc Trăng), ông Châu Mâu (ngụ xã Trinh Phú, huyện Kế Sách), hay ông Thạch Lãnh (ngụ xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung), Đại đức Sơn Minh Hiền, Trụ trì chùa Lâm Dồ (xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề), Ni trưởng Thích Nữ Huệ Liễu, Trưởng ban phân ban đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự GHPG Việt Nam tỉnh, Trụ trì chùa Đại Giác (Phường 9, TP Sóc Trăng).
Ni trường đã vận động nhà hảo tâm, cùng tập thể chùa Đại Giác duy trì mô hình “Bếp ăn từ thiện” tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong 5 năm, nhà chùa đã phát 1,46 triệu suất cơm với tổng trị giá trên 17 tỷ đồng. Tương tự, cụ Trần Cang (ngụ xã Phú Tâm, huyện Châu Thành) đã vận động nhà hảo tâm, duy trì mô hình “Địa chỉ nhân đạo” đóng góp an sinh xã hội trên 4,5 tỷ đồng...
Tại hội nghị, UBND tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen 50 cá nhân là người có uy tín tiêu biểu.