Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm đánh bạc trên không gian mạng
Ngày 30/3, tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phòng, chống tội phạm đánh bạc trên không gian mạng”. Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện CSND chủ trì Hội thảo.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Đại tá, PGS.TS Phạm Xuân Định, Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện CSND nhấn mạnh: Thời gian qua, với sự phát triển bùng nổ của Internet, công nghệ thông tin, hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trực tuyến tại Việt Nam dưới các hình thức cá độ và trò chơi trực tuyến có đổi thưởng (game bài) diễn biến phức tạp. Có hàng trăm website trực tuyến liên kết với với hơn 20 công ty cá độ nước ngoài (nhà cái), phổ biến nhất là cá độ bóng đá với số tiền tham gia cá độ hàng nghìn tỷ đồng/tháng.
Hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến thu lợi bất chính vô cùng lớn và gây nhiều hệ luỵ bất ổn trong xã hội, gây phức tạp trong quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước, một lượng tài sản có nguy cơ “chảy” ra nước ngoài.
Mặc dù lực lượng CAND đã tổ chức đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây đánh bạc trực tuyến nhưng hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các hoạt động đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet đều sử dụng công nghệ cao, do các đối tượng, nhóm đối tượng có trình độ cao vận hành, thủ đoạn hoạt động tinh vi với nhiều chiêu thức ẩn danh, che dấu hành vi phạm tội; tài liệu, chứng cứ và dữ liệu được lưu trữ trên nhiều hệ thống máy chủ đặt ở nhiều địa điểm khác nhau, kể cả ở nước ngoài. Do vậy, đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý của cơ quan chức năng. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu để có giải pháp khắc phục.
Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến đã tập trung đánh giá về thực trạng của tội phạm đánh bạc trên không gian mạng trong tình hình hiện nay; phân tích làm rõ cơ sở pháp lý, những vấn đề lý luận về phòng, chống tội phạm đánh bạc trên không gian mạng và những vấn đề đặt ra cần nghiên cứu, hoàn thiện. Đặc biệt là nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung và tội phạm đánh bạc trên không gian mạng nói riêng.
Trên cơ sở đó, dự báo tình hình tội phạm về tổ chức đánh bạc trên không gian mạng trong thời gian tới và đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đánh bạc trên không gian mạng; đề xuất bổ sung phát triển lý luận, sửa đổi các quy định về chính sách, pháp luật trong công tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời đại Cách mạng 4.0 nói chung và tội phạm đánh bạc trên không gian mạng nói riêng.
Theo Thượng tá Dương Nguyễn Chính, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, tội phạm đánh bạc trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với tính chất xuyên biên giới. Các đối tượng tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng dưới các hình thức phổ biến như cá cược thể thao, nhất là cá độ bóng đá; lô đề, các loại hình cá cược lợi dụng trò chơi trực tuyến (game online)…
Còn theo chia sẻ của Đại tá Chu Văn Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, công tác đấu tranh với tội phạm đánh bạc trên không gian mạng đang gặp nhiều khó khăn do tội phạm này sử dụng công nghệ cao, phạm vi hoạt động rộng, tính chất phức tạp… Nhiều vụ việc, khi lực lượng chức năng tiếp cận được thì các đối tượng đã xoá hết dấu vết trên máy tính, điện thoại.
Từ thực tiễn trên, để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm tội phạm đánh bạc trên không gian mạng, đại diện các Cục nghiệp vụ, Công an các đơn vị địa phương đề xuất Bộ Công an cần tiếp tục tăng cường phối hợp với bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện các kế hoạch, chương trình, giải pháp nhằm ngăn ngừa, xác minh, điều tra và xử lý nghiêm minh các hoạt động tổ chức đánh bạc trên không gian mạng.
Đặc biệt, là phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn các trang web, cổng game online có biểu hiện tổ chức đánh bạc, fanpage, diễn đàn hoạt động quảng cáo hướng dẫn lôi kéo người dân tham gia các hoạt động cờ bạc; yêu cầu Google, Apple gỡ bỏ các game online có dấu hiệu cờ bạc và xử lý, ngăn chặn việc sử dụng thẻ cào viễn thông để thanh toán tiền trên các ứng dụng; khắc phục tình trạng IP NAT, IP 3G, 4G, 5G không xác định chủ thuê bao; yêu cầu các nhà cung cấp mạng xã hội, ứng dụng OTT cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật.
Đồng thời, tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp hạn chế, ngăn chặn việc cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng, ví điện tử; xử lý các giao dịch đáng ngờ, tài khoản đăng ký nhận, chuyển tiền cho hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc; xây dựng khung pháp lý, xử lý đối với tiền kỹ thuật số, tài sản kỹ thuật số.
Tăng cường phối hợp với Bộ GD&ĐT trong việc giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho sinh viên, nhất là sinh viên CNTT để tăng sức đề kháng cho giới trẻ từ sớm, từ xa…
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện CSND nhấn mạnh: Đây là Hội thảo khoa học có ý nghĩa thiết thực, quan trọng để bổ sung các vấn đề có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đánh bạc trên không gian mạng, góp phần hoàn thiện lý luận; sửa đổi các quy định về chính sách, pháp luật trong công tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời đại Cách mạng 4.0 nói chung và tội phạm đánh bạc trên không gian mạng nói riêng.
Từ kết quả đạt được của hội thảo này, lãnh đạo Học viện CSND đề nghị Ban Tổ chức hội thảo tổng hợp các ý kiến của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị, các cán bộ thực tiễn, nhà khoa học tham luận tại hội thảo và các ý kiến trong các bài viết khoa học để báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, Hội đồng lý luận Bộ Công an.
Đồng thời, giao Viện Khoa học Cảnh sát nghiên cứu, tham mưu cho Ban Giám đốc Học viện CSND đưa các nội dung, kết quả của hội thảo vào nghiên cứu, giảng dạy, học tập, nâng cao công tác giáo dục, đào tạo tại học viện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo lực lượng CSND chính quy, tinh nhuệ, vững về chính trị, giỏi về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, gìn giữ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.