Chuyển đổi số - dấu ấn tiên phong và đột phá

Tiện ích của Đề án 06 nhìn từ góc độ các bộ, ngành

Thứ Hai, 23/05/2022, 08:04

Quá trình đi sâu tìm hiểu Đề án 06, chúng tôi nhận thấy, đề án không chỉ phản ánh sự triển khai quyết liệt của Bộ Công an - đơn vị gương mẫu, đi đầu, mà còn thể hiện sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Việc khai thác, sử dụng dữ liệu dân cư không chỉ nhằm phát huy trí tuệ và nguồn lực quốc gia mà còn gắn kết với năng lực quản trị Nhà nước, mang lại tiềm năng bứt phá của nền kinh tế. Phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số, mỗi bộ, ngành cũng tìm được tiện ích riêng cho mình; đồng thời, tác động qua lại, góp phần làm giàu kho dữ liệu quốc gia...

Bộ Công an cùng các bộ, ngành chung tay thực hiện đề án

Đề án 06 phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giúp Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của đề án; xem xét, giải quyết các công việc thường xuyên của đề án.

Do vậy, định kỳ hàng tuần hoặc đột xuất, đồng chí Phó Thủ tướng sẽ họp với các bộ, ngành về tình hình, kết quả thực hiện đề án; đồng thời quan tâm sát sao, quyết liệt đốc thúc các đơn vị thực hiện Đề án 06, cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nổi lên trong quá trình thực hiện. Sau mỗi cuộc họp, Văn phòng Chính phủ đều có thông báo kết luận gửi các đơn vị, trong đó đi sâu giải quyết vào các vấn đề cụ thể.

Gần đây nhất, trong tháng 4/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, UBND địa phương triển khai Đề án 06 theo đúng lộ trình, đặc biệt Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50 ngày 8/4/2022 về phiên họp Thường kỳ Tháng 2/2022, trong đó có nội dung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 với 4 nhóm nhiệm vụ, là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện đề án trong thời gian tới.

Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình đang được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, trong đó, nổi bật là vai trò gương mẫu đi đầu của Bộ Công an với việc hoàn thành 8/11 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06; đồng thời mở rộng thực hiện 187/224 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng CAND, trong đó mở rộng phân cấp đến cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Việc kết nối Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành đang được triển khai theo lộ trình, đến nay đã triển khai kết nối chính thức đối với 8 CSDL, hệ thống thông tin khác. Qua việc kết nối đã xác thực, làm sạch nhiều dữ liệu có liên quan, phục vụ thực hiện các dịch vụ công, từng bước bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ các tiện ích của đề án.

Trong tháng 5/2022, Tổ công tác Đề án 06 đang quyết liệt triển khai thực hiện một số dịch vụ công thiết yếu liên quan “sát sườn” đến quyền lợi của người dân như: Cấp hộ chiếu cho công dân; đăng ký xe gắn máy tại Công an cấp xã đủ điều kiện và đăng ký xe ôtô ở cấp huyện; đăng ký thi trực tuyến... giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại, công sức, tiền... khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Kết luận cuộc họp Tổ công tác Đề án 06 ngày 21/4, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 đã đề nghị thành viên Tổ công tác bám sát lộ trình thực hiện đề án để chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm hoàn thành nội dung công việc.

Tiện ích của Đề án 06 nhìn từ góc độ các bộ, ngành -0
Phân cấp đăng ký xe về huyện, xã là một trong những dịch vụ công thiết yếu từ Đề án 06 liên quan “sát sườn” đến quyền lợi người dân.

Hạn chế trục lợi bảo hiểm, làm giàu dữ liệu an sinh xã hội

Là đơn vị tiên phong phối hợp với Bộ Công an thực hiện Đề án 06, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi đưa vào vận hành chính thức và đang tiếp tục phối hợp thực hiện chia sẻ, rà soát thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, tính đến nay, hệ thống đã xác thực khoảng 40 triệu thông tin nhân khẩu. BHXH Việt Nam cũng cung cấp, chia sẻ trên 33 triệu lượt thông tin BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho CSDL quốc gia về dân cư.

Nhằm giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an, trực tiếp là Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, triển khai thực hiện việc xác thực thông tin công dân, triển khai sử dụng Căn cước công dân (CCCD), ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo Đề án 06. Hiện nay, về cơ bản người dân đã có thể sử dụng CCCD để khám, chữa bệnh BHYT và thực tế đã có hơn 4.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD.

"Đối với ngành BHXH Việt Nam, việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu và cung cấp các dịch vụ xác thực thông tin công dân đã giúp triển khai các hoạt động nghiệp vụ một cách thuận lợi, nhanh chóng, chính xác, giúp giảm thủ tục, giấy tờ và chi phí cho công dân. Đồng thời, giúp nâng cao năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh, kiểm tra trên môi trường điện tử; giảm trùng thẻ BHYT, hạn chế gian lận, trục lợi trong đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp...", Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đánh giá.

Thực hiện Đề án 06, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực phối hợp với các đơn vị của  Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ triển các nhiệm vụ được giao. "Việc triển khai kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về dân cư với CSDL an sinh xã hội được quan tâm, triển khai đúng tiến độ. Trong đó, việc triển khai tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của CSDL quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp đã vượt 1 tháng so với tiến độ đề ra", Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Bá Hoan thông tin.

Về kết quả kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với dữ liệu về trẻ em, các đơn vị thuộc Bộ LĐ,TB&XH đã phối hợp các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an tiến hành kiểm tra, đánh giá và đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin phục vụ hệ thống và đã kết nối thành công từ ngày 28/4/2022. Bộ cũng đang phối hợp các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát các chính sách và các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc bảo vệ trẻ em để hướng dẫn các địa phương khai trên cơ sở ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư.

Sau khi kết nối chính thức sẽ tiến hành xác thực lại thông tin, chuẩn hóa dữ liệu và bổ sung số định danh đối với gần 20 triệu bản ghi dữ liệu về trẻ em và các thông tin liên quan đến lĩnh vực trẻ em. Hiện, Bộ LĐ,TB&XH đang chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Cục nghiệp vụ của Bộ Công an rà soát, kiểm tra, tiến hành kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về bảo trợ xã hội, giảm nghèo.

Nhiều lợi ích trong lĩnh vực thuế, giáo dục

Bộ Tài chính là một trong những cơ quan quản lý nhiều hệ thống dữ liệu liên quan trực tiếp đến các doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, việc triển khai Đề án 06 có ý nghĩa rất quan trọng trong hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài chính, ngân sách Nhà nước, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, việc triển khai Đề án 06 là tiền đề cho việc thực hiện Luật Quản lý thuế, tiến tới việc sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế. Khi số định danh cá nhân được sử dụng làm mã số thuế thì người nộp thuế sẽ giảm được nhiều thủ tục khi đăng ký thuế hoặc giảm trừ gia cảnh; thay đổi thông tin đăng ký thuế… Dữ liệu được quản lý thống nhất và dùng chung với CSDL quốc gia dân cư nên đảm bảo việc định danh chính xác, giảm thiểu sai sót.

"Đối với cơ quan thuế, do số định danh gắn liền với cá nhân, không thay đổi và không trùng lắp với cá nhân khác nên mã số định danh rất phù hợp để cơ quan thuế sử dụng làm mã số thuế, nâng cao hiệu quả quản lý thuế nói riêng và quản lý Nhà nước nói chung. Cơ quan thuế sử dụng chung thông tin về cá nhân với Bộ Công an, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thuận lợi và an toàn, bảo mật thông tin trong quá trình cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế", Thứ trưởng Võ Thành Hưng lý giải.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc kết nối các hệ thống dữ liệu của ngành tài chính (Hải quan, Kho bạc, Chứng khoán...); thực hiện tốt công tác quản lý tài chính, ngân sách, đảm bảo nguồn lực phục vụ việc triển khai Đề án 06; hoàn thiện ban hành Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí được khai thác từ CSDL quốc gia về dân cư, quy định về thu phí, lệ phí qua Cổng dịch vụ quốc gia...

Bắt đầu từ ngày 4/5, thí sinh cả nước đăng ký tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo hình thức trực tuyến, mỗi em sẽ được cấp mã định danh cá nhân để đăng ký dự thi. Để tạo thuận lợi cho thí sinh, từ ngày 26/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã mở cổng cho thí sinh đăng ký thử và đăng ký chính thức từ 4/5.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, thông qua tích hợp tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đã áp dụng trong việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2022) và tích hợp tài khoản định danh điện tử (tích hợp với Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an, dự kiến triển khai vào việc đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022) sẽ cung cấp cho thí sinh phương thức đăng nhập bảo mật thông tin hơn, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn, chính xác, thí sinh và các cơ sở giáo dục không phải nhập lại các thông tin đã có.

Nhờ Đề án 06, Bộ GD&ĐT được khai thác sớm các dịch vụ xác thực thông tin công dân, tra cứu thông tin công dân phục vụ hiệu quả trong việc cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ của thí sinh khi triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm... "Việc kết nối dữ liệu cũng mở ra nhiều tiện ích cho công tác quản lý, hoạch định chính sách của Bộ GD&ĐT như xác thực văn bằng, chứng chỉ; kết nối dữ liệu bảo hiểm; theo dõi sức khỏe học sinh, sinh viên, tình hình việc làm của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, dự báo nguồn nhân lực cho từng lĩnh vực; thông tin về đội ngũ giáo viên qua dữ liệu công chức, viên chức...", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Tiến tới khám, chữa bệnh bằng bệnh án điện tử

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến quán triệt việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác triển khai Đề án 06 ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua với sự giúp đỡ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và một số đơn vị liên quan, Bộ Y tế đã tích cực triển khai dữ liệu phần mềm tiêm chủng quốc gia, bước đầu phát huy hiệu quả. "Việc liên thông dữ liệu, xác thực các thông tin không những có ý nghĩa phục vụ cho việc tiêm chủng COVID-19 mà còn có lợi ích quan trọng về lâu dài khi triển khai những ứng dụng khác, như quản lý sức khỏe toàn dân. Bởi muốn quản lý sức khỏe thì phải thông qua hệ thống liên thông dữ liệu. Vì vậy, thời gian tới, ngành Y tế cần đẩy nhanh tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh việc chuyển đổi số, tiến tới khám, chữa bệnh không dùng sổ y bạ giấy mà dùng bệnh án điện tử...", Bộ trưởng Bộ Y tế nêu quan điểm.   

A.Hiếu - Q.Vinh (còn nữa)
.
.