Thực hiện Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị tại Thừa Thiên Huế: Nhiều dấu ấn nổi bật từ nỗ lực đột phá
Triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị (gọi tắt là Nghị quyết số 12) về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, toàn lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều bước đột phá ở các lĩnh vực công tác. Đây chính là tiền đề vững chắc để Công an Thừa Thiên Huế tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, bao đảm ANTT trên địa bàn.
Theo Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh, ngay khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 18; Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch, thực hiện các giải pháp mang tính trọng tâm, đột phá với quyết tâm chính trị cao nhất để thực hiện thành công các Nghị quyết.
Để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 12 phù hợp với đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ được giao, Công an tỉnh đã chủ động nghiên cứu, ban hành và triển khai thực hiện nhiều Đề án thành phần với nội dung trọng tâm, cấp thiết. Nổi bật, tiếp tục kiện toàn bộ máy bên trong của Công an tỉnh và triển khai bộ máy của các đơn vị thuộc Cơ quan điều tra các cấp trong CAND, bảo đảm nguồn bổ nhiệm điều tra viên. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo Bộ Công an về thực hiện bố trí điều tra viên Công an cấp xã, Công an tỉnh đã hoàn thành việc thi tuyển, bổ nhiệm đủ 141 điều tra viên/141 Công an cấp xã (đạt 100%) vượt 6 tháng theo lộ trình chung của Bộ Công an.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong toàn lực lượng Công an tỉnh đã đạt nhiều kết quả đột phá trên nhiều lĩnh vực công tác Công an như: đổi mới công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ huy, tăng cường tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận trong Công an tỉnh; tiếp tục hoàn thiện bộ máy, bảo đảm biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh theo hướng “Tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đặc biệt chú trọng thực hiện công tác xây dựng lực lượng, bởi cán bộ và công tác cán bộ chính là “cái gốc của mọi công việc”. Đây là một trong nội dung cốt lõi xây dựng bộ máy Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đến nay, Công an tỉnh đã bố trí gần 650 cán bộ Công an chính quy về công tác tại 102 xã, thị trấn trên toàn địa bàn tỉnh. Đây chính là “cánh tay” nối dài, trực tiếp trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, phòng chống thiên tai, dịch bệnh tại địa bàn cơ sở. Song song với việc bố trí Công an chính quy, Công an tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ làm việc, sinh hoạt và chiến đấu, nhất là cho Công an cấp huyện, cấp xã. Công an tỉnh đang khẩn trương triển khai xây dựng và nhanh chóng hoàn tất thi công đưa vào sử dụng 22 trụ sở làm việc cho Công an xã. Theo lộ trình tiến đến năm 2025, 100% Công an xã sẽ có nơi làm việc ổn định, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác chiến đấu của lực lượng Công an cơ sở.
Bên cạnh đó, qua việc thực hiện hiệu quả đồng bộ nhiều giải pháp, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã kéo giảm gần 10% tội phạm về trật tự xã hội so với cùng kỳ năm 2022 (vượt gần 5% so với chỉ tiêu Bộ Công an giao); tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt trên 92%, không để hình thành tổ chức tội phạm theo kiểu “xã hội đen”.
Về công tác quản lý nhà nước về ANTT, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tạo được nhiều dấu ấn nổi bật, trong đó tiếp tục tập trung tham mưu, thực hiện quyết liệt Đề án 06; cấp CCCD cho công dân đang cư trú tại địa phương đạt 100%. Tính đến nay, đã thu nhận hơn 1 triệu hồ sơ cấp CCCD gắn chíp, thu nhận hơn 8.000 hồ sơ định danh điện tử nhân khẩu trên 14 tuổi (đạt gần 80%). Đặc biệt, Công an tỉnh triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm TTATGT, tập trung nhóm chuyên đề, nhóm hành vi, nhất là xử lý “không có vùng cấm” đối với vi phạm nồng độ cồn. Nhờ vậy, tai nạn giao thông đường bộ được kiềm chế, giảm 69 người chết (giảm gần 43%) so với năm 2022.
Trong năm 2023, Công an tỉnh đã xây dựng 592 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 857 điểm chữa cháy công cộng... Thời gian qua, các vụ cháy tại cơ sở đã được lực lượng này khống chế kịp thời. Lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, trong năm 2023, chỉ số cải cách hành chính Công an tỉnh đạt gần 96% so với năm 2022, tăng 4,35% (tăng 14 bậc), đứng thứ 10/63 Công an địa phương, được Bộ Công an xếp hạng xuất sắc.
Song song với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn thực hiện Đề án số 02 và Nghị quyết số 16 của Đảng ủy Công an Trung ương về “Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; thực hiện hiệu quả, sâu rộng các phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc; phong trào CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy; chú trọng nhân điển hình tiên tiến, lan tỏa việc làm, hình ảnh đẹp của lực lượng Công an Thừa Thiên Huế bằng việc làm thiết thực, nhân văn, nhất là trong thiên tai, dịch bệnh, cuộc chiến sinh tử loại trừ cái ác, cái xấu, bảo vệ bình yên cuộc sống.
Đại tá Hoàng Văn Thành cho biết, trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò người đứng đầu để quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 12. Quá trình thực hiện cần quán triệt phương châm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”, tập trung ưu tiên danh mục ở từng giai đoạn và có lộ trình cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu đề ra. Công an tỉnh nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh… đối với những công việc phải làm theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn lực lượng Công an tỉnh.