Thừa Thiên-Huế hoàn thành 23/25 dịch vụ công thiết yếu
Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đến đầu tháng 2/2023, tỉnh đã hoàn thành đưa 23/25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử.
Trong năm 2022, 11/11 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an đã tiếp nhận, giải quyết 95.908 hồ sơ; 12/14 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành khác đã tiếp nhận, giải quyết 14.713 hồ sơ. Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng chỉ đạo triển khai sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng định danh điện tử VNeID thay thế thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) giấy để khám, chữa bệnh. Tính đến nay, có 139 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 33.785 lượt tra cứu, trong đó 24.651 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh; có 955.591 trường hợp công dân có thông tin BHYT đã được xác thực, đồng bộ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 1.047.459 hồ sơ cấp CCCD gắn chíp, đạt tỷ lệ 99% công dân trong diện đang cư trú; tiếp nhận 150.225 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 14,15% so với tổng số công dân đủ 14 tuổi. Bên cạnh đó, đã tiến hành rà soát, xác minh và cập nhật trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 1.796 trường hợp thuộc diện hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; cập nhật 39.927 trường hợp công dân có thay đổi, bổ sung hộ tịch; cập nhật 14.797 dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng chế độ an sinh xã hội; cập nhật kết quả hỗ trợ tiền thuê nhà đối với 1.694 người lao động; số mũi tiêm đã nhập lên nền tảng quốc gia 2.716.396 trên tổng số mũi tiêm đã tiêm thực tế 2.882.881 đạt 94,22; cập nhật 40.692 dữ liệu hội viên Hội người cao tuổi; 38.513 dữ liệu hội viên Hội Nông dân vào phần mềm quản lý Hội viên trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngày 1/2, tại cuộc họp rà soát, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh năm 2023 do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức, đã có những ý kiến trao đổi nhằm làm rõ thêm các nội dung, yêu cầu, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong năm 2023. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, cơ quan thường trực của Đề án 06 cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị để ban hành kế hoạch cụ thể, hoàn chỉnh, đính kèm các danh mục, nội dung chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, cần tham mưu Tỉnh ủy để ra Nghị quyết, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; đặc biệt cần tập trung công tác làm sạch dữ liệu.
Một trong những tập thể điển hình triển khai hiệu quả Đề án 06 của tỉnh Thừa Thiên-Huế là Công an xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền). Mặc dù ở địa bàn nhiều tháng qua luôn trong tình trạng ngập lũ, đời sống người dân còn khó khăn, người dân chủ yếu làm nông nhưng với sự nỗ lực, cố gắng; Công an xã Quảng Thành đã sớm đưa Đề án 06 đến với người dân.
Theo Trung tá Vương Hưng Long, Trưởng Công an xã Quảng Thành, quá trình triển khai dịch vụ công, từ tháng 1 đến tháng 12/2022, xã đã tiếp nhận gần 600 hồ sơ đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công, phối hợp với Đội Cảnh sát QLHC về TTXH của Công an huyện Quảng Điền thu nhận hồ sơ, cấp CCCD cho gần 10.000 trường hợp (đạt khoảng 98%). Hiện, đã có hơn 600 công dân đăng ký tài khoản định danh mức độ 2. Đặc biệt, đến nay, Công an xã Quảng Thành đã thực hiện hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”. Kết quả, làm sạch và duy trì dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, nhất là dữ liệu tiền án, tiền sự và dữ liệu truy nã để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm tra cứu chính xác, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công tác nghiệp vụ.