Tập trung giải quyết tội phạm đường phố
Chiều 1/3, Ban chỉ đạo 138 TP Hồ Chí Minh (BCĐ 138/TP) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống tội phạm (PCTP), xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2022, triển khai công tác năm 2023.
Năm 2022, BCĐ 138/TP đã tập trung chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong PCTP; tiếp tục triển khai sâu rộng nhiều biện pháp công tác thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác PCTP trên địa bàn thành phố…
BCĐ 138/TP tập trung chỉ đạo lực lượng Công an thành phố phát huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh PCTP, qua đó đã phá rã, hạn chế hoạt động và triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức nguy hiểm, tiếp tục kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với năm 2019 (năm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19)…
Tỷ lệ khám phá các vụ án từ rất nghiêm trọng trở lên đạt trên 90%, trong đó nhiều vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được điều tra, khám phá nhanh...
Năm 2022, thành phố ghi nhận xảy ra 4.266 vụ phạm tội về trật tự xã hội (so với năm 2019 giảm 156 vụ, tương ứng giảm 3,53%; so với năm 2021 tăng 295 vụ, tương ứng 7,43%).
Các loại tội phạm được kéo giảm gồm: Cố ý gây thương tích (giảm 67 vụ, tương ứng 14,73%), cướp tài sản (giảm 46 vụ, tương ứng 32,62%), trộm cắp tài sản (giảm 271 vụ, tương ứng 12,06%), lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (giảm 20 vụ, tương ứng 21,98%), hiếp dâm (giảm 13 vụ, tương ứng 68,42%), dâm ô người dưới 16 tuổi (giảm 3 vụ, tương ứng 15,79%), chứa mại dâm, môi giới mại dâm (giảm 7 vụ, tương ứng 38,88%).
Theo Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, trộm tài sản) được kéo giảm mạnh (so với cùng kỳ năm 2019 giảm 334 vụ), nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (2.816 chiếm tỷ lệ 66,01%), một số vụ cướp tài sản có tính chất nguy hiểm, hành vi liễu lĩnh, manh động, gây thương tích nghiêm trọng cho bị hại.
Đáng chú ý, có 10,09% đối tượng phạm tội phạm giết người dưới 18 tuổi; 16,09% đối tượng giết người thân trong gia đình;
Tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ để gây án (giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng) vì những mâu thuẫn bột phát (nẹt pô trên đường, nhìn đểu trong quán nhậu, mâu thuẫn trong tình cảm...) với sự tham gia của nhiều đối tượng gia tăng; Tình trạng gọi điện, nhắn tin đe dọa, tung tin sai sự thật trên các ứng dụng mạng xã hội để vu khống, đòi nợ diễn biến phức tạp.
Tình hình các loại tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, tội phạm công nghệ cao, ma túy, mua bán người… cũng tiếp tục diễn biến gia tăng phức tạp.
Theo Đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, tội phạm đường phố gồm nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu như: Cướp, cướp giật, trộm cắp; tội phạm ma túy; tội phạm cờ bạc, mua bán số đề; gây rối trật tự công cộng; đua xe; cố ý gây thương tích diễn ra trên đường phố nhiều, liên quan đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đồng chí Phó Giám đốc cũng nhận định, trong năm 2022, tội phạm cướp giật diễn biến phức tạp gây bức xúc cho người dân. Bằng sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự chia sẻ của quần chúng thì loại tội phạm này có giảm, nhưng cần có thêm nhiều giải pháp hiệu quả để loại tội phạm này giảm hẳn…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng BCĐ 138/TP, nhận định trong năm 2023, tình hình tội phạm sẽ có nhiều diễn biến phức tạp hơn.
Do đó, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể và chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an thành phố cần tập trung nhận diện sớm những nguy cơ, thách thức; chủ động xây dựng khả năng ứng phó an toàn, linh hoạt, phù hợp và thận trọng, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai các phương án, kế hoạch phòng ngừa, xử lý hiệu quả, ngăn chặn từ đầu và ngay từ cơ sở các tình huống phát sinh trong công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn thành phố…