Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người (Bài 1)
Thời gian qua, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của đối tượng mua bán người khu vực biên giới ngày càng tinh vi. Chính quyền tỉnh Điện Biên, với vai trò nòng cốt của Công an tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người.
Nhất là các phương thức thủ đoạn mới trong hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng tránh, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Những năm qua, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Điện Biên đã chủ động tăng cường CBCS xuống cơ sở, tham mưu phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm. Qua đó, góp phần giữ bình yên nơi phên giậu Tổ quốc, nhất là ở địa bàn 4 huyện biên giới: Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé.
Nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm khu vực biên giới
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, là địa bàn trọng điểm về ANTT. Tỉnh có diện tích 9.541,25 km2 chủ yếu là đồi, núi có độ dốc cao; đặc biệt, tỉnh Điện Biên có đường biên giới dài 455,573 km, trong đó, giáp Lào 414,712 km; giáp Trung Quốc 40,861 km, với 145 cột mốc, có các cửa khẩu biên giới gồm: Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang thuộc huyện Điện Biên thông thương với cửa khẩu Pang Hốc (tỉnh Phong Sa Ly - Lào), cửa khẩu Quốc gia Huổi Puốc thuộc huyện Điện Biên thông thương với cửa khẩu Na Son (tỉnh Luông Prabang - Lào), lối mở A Pa Chải thuộc huyện Mường Nhé thông thương với cửa khẩu Long Phú (huyện Giang Thành, Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc).
Ngoài ra, địa bàn Điện Biên còn có cửa khẩu phụ Si Pa Phìn thông thương với cửa khẩu Huội Lả (huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Ly - Lào) cùng với nhiều đường tiểu ngạch (đường mòn, lối mở...), thuận lợi cho người dân hai bên biên giới qua lại trao đổi, mua bán hàng hóa và thăm thân.
Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố liên quan, như: trình độ nhận thức của quần chúng nhân dân trên địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới vẫn còn nhiều hạn chế, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, tình trạng thất nghiệp không có việc làm, không có thu nhập, đời sống khó khăn dễ nảy sinh các loại tội phạm; nhất là tại một số huyện biên giới, có đường biên giáp với Lào, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ biên giới, tuy nhiên, lợi dụng địa bàn đồi núi hiểm trở, đường biên giới dài, có nhiều đường mòn, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép của một số người dân trên địa bàn vẫn diễn ra và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Điện Biên, trước đây phần lớn các vụ mua bán người chủ yếu liên quan đến địa bàn Trung Quốc, đối tượng phạm tội không đưa nạn nhân sang Trung Quốc qua đường biên giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên mà lừa đưa nạn nhân đến các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc như: Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh...rồi bán sang Trung Quốc. Từ sau đại dịch COVID - 19 các cửa khẩu, lối mở giữa Việt Nam và Trung Quốc được siết chặt; khóa chốt chặt toàn bộ các đường tiểu ngạch mà tội phạm mua bán người có thể sử dụng tập kết đưa nạn đón nạn nhân, do đó, tội phạm mua bán người có sự chuyển hướng bán nạn nhân sang các quốc gia khác. Trong đó, nổi lên tình trạng mua bán nạn nhân đưa vào các đặc khu kinh tế của người Trung Quốc ở các nước Lào, Campuchia và Myanmar để cưỡng bức tình dục (hoạt động mại dâm) và cưỡng bức lao động (ép thực hiện lừa đảo trên không gian mạng).
Khoảng cách từ Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang đến Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, Bò Kẹo, Lào vào khoảng 600km, đây là một trong những tuyến đường ngắn nhất từ Việt Nam sang đến Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng mà các đối tượng thường lựa chọn để di chuyển, đưa người sang các công ty nước ngoài tại đặc khu kinh tế để thực hiện hành vi phạm tội mua bán người.
Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Điện Biên có hiện tượng các nhóm nam giới người nước ngoài thông qua mạng xã hội kết bạn, tán tỉnh yêu đương với các cô gái dân tộc thiểu số (chủ yếu là người dân tộc Mông), sau khi các cô gái dân tộc đồng ý, các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam đến tận nhà các cô gái làm các thủ tục như ra mắt, mời cơm gia đình họ hàng của các cô gái để xin được tìm hiểu, có trường hợp còn yêu cầu các cô gái đến UBND xã nơi thường trú xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Sau đó, đối tượng người nước ngoài xin phép gia đình các cô gái, đưa các cô gái đi làm hộ chiếu, xin cấp visa để nhập cảnh vào nước họ để đăng ký kết hôn làm vợ. Đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận sự việc trên có liên quan đến tội phạm mua bán người, tuy nhiên hiện tượng nêu trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tội phạm mua bán người rất cao.
Tuyên truyền gắn với tố giác, đấu tranh chống tội phạm mua bán người
Theo Đại tá Phạm Trường Giang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Từ thực tiễn công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong thời gian qua cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của đối tượng ngày càng tinh vi. Các đối tượng chủ yếu thông qua các mối quan hệ bạn bè, họ hàng hoặc mạng xã hội như Facebook; Zalo...để làm quen, dụ dỗ giới thiệu việc làm, tuyển dụng công dân đi lao động ở nước ngoài với lời hứa công việc nhẹ nhàng, mức lương cao, công việc chủ yếu làm trên máy tính, không mất chi phí làm hộ chiếu, tiền xe và ăn uống đi lại…
Thực tế, qua nắm tình hình và một số vụ án khám phá vừa qua cho thấy các nạn nhân bị đưa sang Lào, Campuchia, Myanmar vào các công ty, cơ sở kinh doanh do người nước ngoài làm chủ hoạt động lừa đảo trực tuyến qua mạng xã hội và hoạt động kinh doanh dịch vụ Massage, kỹ thuật viên... trá hình, sau đó bị cưỡng ép làm công việc lừa đảo trên không gian mạng, ép bán dâm, khi các nạn nhân không muốn làm việc đòi về thì bị bắt nộp một khoản tiền chuộc lớn mới được về Việt Nam.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Kết quả, từ năm 2021 đến tháng 10/2024 lực lượng Công an tỉnh Điện Biên đã phát hiện và điều tra, làm rõ 4 vụ mua bán người với 37 nạn nhân bị mua bán, bắt giữ, xử lý 6 đối tượng phạm tội. Các vụ án trên các đối tượng đều lừa bán các công dân vào công ty Trung Quốc thuộc Đặc khu kinh tế tại Lào, Myanmar ép làm công việc lừa đảo qua mạng và ép bán dâm.
Trao đổi với PV Báo CAND, đồng chí Nguyễn Tuấn Bắc, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Điện Biên cho biết, đáng lưu ý, nạn nhân của tội phạm mua bán người hiện cũng đã thay đổi, không chỉ tập trung vào phụ nữ, trẻ em như trước đây mà đã có nhiều nam giới trở thành nạn nhân.
Điển hình trong một vụ án đơn vị vừa phối hợp với lực lượng của Bộ khám phá hồi tháng 5/2024. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự , Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh phá thành công chuyên án, bắt giữ 1 đối tượng, giải cứu thành công 14 nạn nhân.
Qua đấu tranh chuyên án, đối tượng Lò Thúy Ngân, SN 1996, trú tại bản Co Nôm, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên khai nhận: Khoảng tháng 2/2022 Ngân vào làm phiên dịch tại Công ty Trung Quốc tên tiếng Việt là “Mặt Trời” tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, Bò Kẹo, Lào. Công việc của công ty là lừa đảo qua mạng xã hội, các công dân được tuyển vào công ty làm việc sẽ được phát điện thoại di động, máy tính, rồi lên mạng xã hội lập các nick Facebook, Zalo ảo kết bạn làm quen với người Việt Nam hoặc người nước ngoài, rồi giới thiệu các app đầu tư tiền ảo và rủ vào tham gia.
Quá trình làm việc chủ công ty có nói chuyện với Ngân là nếu Ngân đưa được người sang công ty làm việc thì sẽ được trả công, Ngân gọi điện cho người thân để nhờ nói với một số người họ hàng và người cùng bản là Ngân có công việc làm công ty bên Lào, ai muốn đi làm thì liên hệ để Ngân giúp làm thủ tục. Ngân cũng nhắn tin, gọi điện cho một số người khác để giới thiệu công việc, rủ đi bán hàng online, giới thiệu sản phẩm, làm việc với máy tính, công việc nhẹ nhàng, lương tháng khoảng 20 triệu đồng…
Khi các công dân được Ngân rủ đi làm nhất trí thì Ngân hướng dẫn các công dân đi làm hộ chiếu và thanh toán tiền làm hộ chiếu cho họ. Khi có hộ chiếu Ngân hẹn ngày đi và bố trí xe để đón và đưa các công dân sang Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng, Lào. Từ tháng 5/2022 đến tháng 7/2022, Ngân đưa công dân đi thành 3 đợt, 14 công dân từ Việt Nam sang Công ty Trung Quốc tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng làm việc. Tại đây, các công dân mà Ngân đưa sang bị cưỡng bức lao động, một số công dân được người nhà gửi tiền sang chuộc để ra khỏi công ty, có một số công dân thì được Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và Công an Lào giải cứu đưa trở về Việt Nam…
(Còn nữa)