Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và giúp đỡ nhân dân

Thứ Tư, 10/04/2024, 17:43

Ngày 10/4, Bộ Công an có Công điện số 01/CĐ-BCA-V01 gửi Thủ trưởng các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; Cục Kế hoạch và tài chính; Cục Quản lý xây dựng và doanh trại; Cục Trang bị và kho vận; Cục Viễn thông và cơ yếu; Cục Y tế; Cục Truyền thông CAND; Công an các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và giúp đỡ nhân dân.

Nội dung Công điện nêu rõ: 

Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay, lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nền nhiệt cao, nắng nóng kéo dài; hạn hán, thiếu nước, đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên. Theo dự báo, thời gian tới, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong mùa Hè; nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt; nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở khu vực Trung và Nam Bộ.

Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và giúp đỡ nhân dân -0
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hỗ trợ vận chuyển nước sạch phục vụ người dân.

Thực hiện Công điện số 19/CĐ-TTg ngày 08/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

1. Tổ chức theo dõi, nắm tình hình nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trên địa bàn; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia ứng phó. 

2. Công an các địa phương: (1) Chủ động nắm các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân vùng chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn, triều cường; (2) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ dùng xe, xuồng, tàu chuyên dụng kịp thời vận chuyển nước ngọt hỗ trợ cho các khu dân cư có nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm bảo đảm nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân; (3) Chỉ đạo lực lượng Công an an cấp cơ sở, nhất là Công an xã nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, kịp thời phát hiện các hành vi lợi dụng xâm nhập mặn, triều cường vi phạm pháp luật, gây rối an ninh trật tự; (4) Xây dựng các phương án bảo đảm an toàn trụ sở các đơn vị, kịp thời di dời hàng hóa, trang thiết bị, phương tiện, tài sản tại các trụ sở có khả năng bị ảnh hưởng bởi ngập mặn; (5) Chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, nước ngọt, các trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất phòng bệnh bảo đảm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và vệ sinh môi trường.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn... Thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Các đơn vị chức năng của Bộ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; Cục Kế hoạch và tài chính; Cục Quản lý xây dựng và doanh trại; Cục Trang bị và kho vận; Cục Viễn thông và cơ yếu; Cục Y tế; Cục Truyền thông Công an nhân dân) sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, cơ số thuốc men, y tế, kinh phí để kịp thời chi viện cho các địa phương trong trường hợp cần thiết; có phương án bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trong ứng phó với thiên tai, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh, tai nạn thương tích trong và sau thiên tai.

5. Đảm bảo quân số, công tác trực ban, trực chỉ huy sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Bộ theo quy định (qua Văn phòng Bộ, SĐT: 069.2299150, 0913.555.323)./.

P.V
.
.