Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người

Thứ Năm, 11/07/2024, 16:57

Bộ Công an xác định phòng, chống tội phạm mua bán người không chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an, mà cần có sự tham gia, huy động sức mạnh, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và người dân, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế.

Từ ngày 10-11/7, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Cục Đối ngoại, Bộ Công an phối hợp với Tổ chức di cư quốc tế (IOM) Việt Nam tổ chức Hội thảo tập huấn nâng cao năng lực về phát hiện và xử lý các vụ việc mua bán người theo hình thái mới.

Đây là hoạt động do Bộ Nội vụ Vương quốc Anh tài trợ thông qua IOM Việt Nam và được thực hiện theo khuôn khổ Chương trình hỗ trợ Bộ Công an trong công tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2022 - 2025 đã được lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt.

Hội thảo thu hút sự tham dự của các đại biểu đến từ Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Học viện Cảnh sát nhân dân, Cục Đối ngoại và Công an các tỉnh, thành phố.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ thực tiễn công tác thu thập, xử lý chứng cứ là dữ liệu điện tử trong các vụ án điều tra tội phạm mua bán người; hoạt động lấy lời khai theo tố tụng hình sự; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người.

Các đại biểu cũng được cập nhật các quy chuẩn quốc tế và luật pháp Việt Nam về mua bán người, các phương thức, thủ đoạn và hình thái mua bán người mới ở Việt Nam và trên thế giới; thảo luận, chia sẻ thực tế công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người, phát hiện sớm các dấu hiệu tội phạm mua bán người của lực lượng Cảnh sát.

Trước diễn biến phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, hình thái mới của tội phạm mua bán người, việc phát hiện sớm các dấu hiệu phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng ngừa, điều tra các vụ án mua bán người, Bộ Công an Việt Nam xác định phòng, chống tội phạm mua bán người không chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an, mà cần có sự tham gia, huy động sức mạnh, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và người dân, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế.

Hội thảo tập huấn nâng cao năng lực về phát hiện và xử lý các vụ việc mua bán người theo hình thái mới là một hoạt động thiết thực nhằm trang bị các kỹ năng phát hiện và xử lý các vụ việc mua bán người, trong đó tập trung vào mua bán người vì mục đích bóc lột lao động, các mục đích vô nhân đạo khác và các hình thái mua bán người mới nổi trong thời gian gần đây như: mua bán người để cưỡng bức phạm tội thông qua lừa đảo trực tuyến, mua bán nội tạng, đưa người di cư trái phép...

Theo đó, các đại biểu thống nhất cần tiếp tục triển khai các hội thảo liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người nói chung và công tác phát hiện, xử lý các vụ việc mua bán người nói riêng, nhằm mục đích nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trực tiếp liên quan đến tội phạm mua bán người.

Khổng Hà
.
.