Sức trẻ trên trận tuyến cam go với tội phạm công nghệ cao

Thứ Tư, 24/01/2024, 07:56

Tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp, đó chính là một trong những thách thức lớn đối với công tác đảm bảo ANTT. Trước tình hình đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các chiến sĩ trẻ tại đơn vị càng thể hiện quyết tâm để đấu tranh hiệu quả với tội phạm qua việc góp phần triệt phá hàng chục chuyên án, vụ án xuyên tỉnh, xuyên quốc gia, mang lại sự bình yên cho nhân dân…

Thượng tá Mai Văn Toàn, Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng (KGM) diễn biến hết sức phức tạp, không chỉ gia tăng về số vụ mà còn về tính chất, mức độ và tài sản thiệt hại. “Con mồi” mà các đối tượng nhắm đến có cả những người hiểu biết, có trình độ... Trước tình hình đó, đơn vị đã bám sát chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh để triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh hiệu quả với tội phạm này.

Sức trẻ trên trận tuyến cam go với tội phạm công nghệ cao -0
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế họp bàn kế hoạch công tác.

Một trong số hàng chục chuyên án, vụ án mà lực lượng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao triệt phá để lại dấu ấn trong lòng người dân, đó là vụ phá đường dây tổ chức tội phạm quốc tế lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia với sự câu kết chặt chẽ của 7 đối tượng người Nigeria và 4 đối tượng người Việt Nam. Cầm đầu đường dây là Dalaxy Dave (người Nigeria) đã sử dụng Facebook, Zalo, WhatsApp… để kết bạn với các bị hại người Việt Nam rồi trò chuyện, làm quen, tạo lòng tin. Tiếp đó, đối tượng dùng các thủ đoạn như giả danh quân nhân Mỹ gửi tặng quà về Việt Nam, rủ đầu tư, góp vốn kinh doanh tại nước ngoài. Các đối tượng đã lừa đảo hàng ngàn bị hại tại nhiều tỉnh, thành với số tiền hơn 120 tỷ đồng.

Trung tá Phan Khắc Hiệp, Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm sử dụng KGM xâm phạm trật tự an toàn xã hội cho biết, ở các loại tội phạm khác, khi một vụ án xảy ra, các trinh sát đi điều tra, xác minh thực tế. Thế nhưng đối với tội phạm công nghệ cao, thông tin đối tượng đưa lên KGM đều là tài khoản ảo. Từ tài khoản ảo đó, các trinh sát mới lần tìm ra manh mối, chân dung đối tượng và khi có kết quả mới bắt đầu xác minh, điều tra…

Mới đây, quá trình trinh sát trên KGM, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện đường dây mang thai hộ và mua bán thận liên tỉnh do các đối tượng đăng trên facebook ảo. Đây là đường dây hoạt động chuyên nghiệp trên toàn quốc, nhiều giấy tờ, hồ sơ được làm giả một cách tinh vi. Nếu mỗi ca mang thai hộ có giá khoảng 450 đến 600 triệu đồng, thì mỗi ca mua bán thận có giá khoảng 900 triệu đến gần 1,5 tỷ đồng.

Sau khi xác lập chuyên án, qua xác minh trên KGM từ các tài khoản ảo, Công an xác định các đối tượng liên quan gồm: Trương Thị Thùy Trinh (SN 1993, trú tỉnh Bình Thuận), Trần Tuấn Anh (SN 1992, trú tỉnh Hà Nam) và Trần Việt Thành (SN 1996, trú tỉnh Thái Nguyên). Các đối tượng này đã tổ chức môi giới, sử dụng tài khoản facebook ảo tham gia vào các nhóm liên quan đến mang thai hộ, hiến thận và đã tổ chức trót lọt nhiều vụ mua bán thận, mang thai hộ trên toàn quốc… Đến giữa tháng 12/2023, Cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng trong đường dây này.

Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần CAND, Trung úy Hồ Nguyễn Quang Nhật được phân công về công tác tại Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2021. Chỉ sau hơn 2 năm công tác, anh cùng đồng đội đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Có vụ việc tưởng chừng không tìm ra thủ phạm bởi chứng cứ mờ nhạt, các tài khoản ảo đã bị đối tượng xóa sạch, thế nhưng, với sự kiên quyết đấu tranh đến cùng với tội phạm, anh cùng đồng đội đã đưa nhiều đối tượng ra ánh sáng.

Điển hình là vụ Lê Thanh Phụng (SN 2003, trú tỉnh Quảng Trị) chiếm đoạt số tiền lớn của một nữ tu sĩ, vừa bị TAND tỉnh Thừa Thiên Huế kết án 14 năm tù. Trước đó, bà H (nữ tu sĩ) nhận được tin nhắn tài khoản cộng 23 triệu đồng tiền ủng hộ. Tưởng đây là số tiền được nhà hảo tâm chuyển làm từ thiện nên bà H bấm vào đường link và làm theo hướng dẫn. Không ngờ, chỉ vài chục giây sau, tài khoản ngân hàng của bà H bị mất quyền điều khiển và bị chiếm đoạt 537 triệu đồng.

Vận dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngay khi xác định được nơi ở của đối tượng, trong đêm, Ban chuyên án của Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tức tốc lên đường truy bắt. Quá trình điều tra cho thấy, thủ đoạn của Phụng là lập Facebook ảo lấy tên “Tommy Le” để tham gia vào các hội nhóm kín và kết bạn với các tu sĩ. Sau đó, đối tượng nhắn tin muốn chuyển tiền làm từ thiện. Khi nạn nhân tin tưởng, đối tượng gửi đường link đề nghị “con mồi” đăng nhập rồi chiếm quyền sử dụng tài khoản để thực hiện lệnh chuyển tiền.

“Quá trình giải mã tội phạm trong vụ án này, dấu vết để lại trên môi trường mạng ngày càng ít và khó khăn trong việc phân tích. Bởi, đối tượng dùng hoàn toàn ID giả, facebook giả, điện thoại sim rác, thực hiện hành vi phạm tội ở các điểm kết nối Internet công cộng… Thế nhưng, các trinh sát đã vận dụng đồng bộ các kiến thức, biện pháp nghiệp vụ, nhiều ngày đêm kiên trì chắp nối các dấu vết mờ nhạt để sớm tìm ra thủ phạm”, Trung úy Hồ Nguyễn Quang Nhật chia sẻ.

Khác với các loại tội phạm khác, tội phạm công nghệ cao hầu hết đều có kiến thức, trình độ về công nghệ thông tin, luôn chuẩn bị kĩ lưỡng các kế hoạch gây án, sử dụng các tài khoản ảo, thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại và địa bàn hoạt động. Bên cạnh đó, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu là người ngoại tỉnh, người Việt Nam đang cư trú tại nước ngoài và thậm chí là người nước ngoài. Quá trình gây án, các đối tượng luôn tìm mọi cách để che đậy hành vi phạm tội của mình, qua mặt lực lượng chức năng bằng cách ẩn danh địa chỉ IP, chỉ liên lạc với nhau qua mạng xã hội và thường xuyên thay đổi chỗ ở…

Là một cán bộ trẻ, trực tiếp tham gia nhiều chuyên án, vụ án lớn, Trung úy Lê Công Anh Sơn cho rằng, để đối phó với tội phạm công nghệ cao, mỗi trinh sát phải vừa tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ Công an lẫn chuyên môn kỹ thuật. Ngoài công tác nghiệp vụ ở đơn vị, mỗi chiến sĩ trẻ còn phải thường xuyên trau dồi kiến thức về công nghệ thông tin để bắt kịp với xu thế hiện đại, tập trung nghiên cứu, phát triển, xây dựng các giải pháp để ứng dụng vào công tác nghiệp vụ.

Cuộc chiến chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn tiếp tục cam go nhưng các chiến sĩ trẻ trên trận tuyến đấu tranh với tội phạm này vẫn luôn quyết tâm vượt qua để ngăn chặn những tên tội phạm “tàng hình”, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ANTT trên địa bàn.

Hải Lan
.
.