Sử dụng mạng xã hội hiệu quả trong công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTT
Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên không gian mạng của Bộ Công an, thời gian qua, lực lượng Công an các cấp, đặc biệt Công an cấp cơ sở đã tích cực sử dụng mạng xã hội để vận động quần chúng bảo vệ ANTT, góp phần giải quyết các yêu cầu cụ thể trong công tác bảo đảm ANTT tại cơ sở cũng như xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ.
Chiều 7/12, Hội đồng Lý luận Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Hội đồng “Sử dụng mạng xã hội trong công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTT của lực lượng Công an cấp cơ sở giai đoạn hiện nay”.
Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng, PGS. TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND I, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo và Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ đồng chủ trì hội thảo.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những năm gần đây, công nghệ thông tin, Internet, đặc biệt mạng xã hội đã có sự phát triển vượt bậc. Nhận thức rõ lợi thế, sức mạnh của mạng xã hội, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định Internet và mạng xã hội là một trong những công cụ, phương tiện đặc biệt quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTT.
Bộ Công an cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên không gian mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội tuyên truyền, vận động quần chúng bảo vệ ANTT nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, thời gian qua, lực lượng Công an các cấp, đặc biệt Công an cấp cơ sở đã tích cực sử dụng mạng xã hội để vận động quần chúng bảo vệ ANTT, qua đó đã giúp phát huy tính tích cực, tự giác của đông đảo nhân dân, góp phần giải quyết các yêu cầu cụ thể trong công tác bảo đảm ANTT tại cơ sở cũng như xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, thể hiện rõ tinh thần “chuyển đổi trạng thái” của lực lượng Công an cấp cơ sở theo định hướng, yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công an hiện nay.
Chia sẻ tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thái An, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết: Việt Nam là 1 trong số 20 quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội nhiều nhất thế giới. Số lượng người dùng mạng xã hội hiện nay khoảng 70 triệu người, tạo môi trường thông tin khổng lồ, đa dạng, phong phú, trong đó lượng người dùng trẻ chiếm một tỷ lệ khá cao. Xác định mạng xã hội là một công cụ đắc lực, quan trọng, hiệu quả, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tăng cường sử dụng để tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên, thiếu niên tham gia bảo vệ ANTT và thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
TS. Trần Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương cũng cho biết: Mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới được xem là kênh thông tin quan trọng đưa quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được nhanh hơn, gần hơn, dễ đi vào thực tiễn cuộc sống hơn.
Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi trong công tác nắm tình hình qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số người có thói quen thích chia sẻ thông tin về cuộc sống, công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị lên mạng xã hội hoặc sử dụng mạng xã hội làm công cụ liên lạc, trao đổi trong khi đó, hiểu biết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước chưa cao, trách nhiệm, ý thức bảo mật chưa tốt, làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước…
Khẳng định mạng xã hội là một trong những công cụ tuyên truyền hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, các đại biểu đến từ các trường CAND và Công an một số đơn vị địa phương đề xuất lực lượng Công an cơ sở cần tích cực sử dụng mạng xã hội nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới đông đảo quần chúng nhân dân; vận động nhân dân nhận diện được các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật để chủ động phòng tránh; vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đấu tranh với với hành vi phạm tội, xâm phạm TTATXH.
Công an xã, phường, thị trấn cần tiếp tục duy trì và có biện pháp đầu tư, xây dựng hình ảnh, nâng cấp, hoàn thiện giao diện, tính năng các trang, mạng xã hội hiện có. Bên cạnh đó, mở rộng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng với một số nền tảng khác như Tiktok, Youtube, Instagram, Telegram; nắm bắt được những người có uy tín, có ảnh hưởng trên mạng xã hội để định hướng, hỗ trợ họ tham gia tuyên truyền các thông tin hữu ích, cần lan tỏa trong lĩnh vực ANTT; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong quá trình sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, vận động; nhân rộng các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên mạng xã hội điển hình tiên tiến, hoạt động hiệu quả…
Phát biểu tổng kết hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hoài Nam, Trưởng Ban tổ chức hội thảo yêu cầu Trường Cao đẳng CSND I, đơn vị Thường trực tổ chức hội thảo tiếp thu toàn bộ các ý kiến phát biểu, tham luận và tổng kết hội thảo, tổng hợp kết quả hội thảo báo cáo đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an và Hội đồng lý luận Bộ Công an phục vụ công tác nghiên cứu, bổ sung luận cứ để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc sử dụng mạng xã hội trong công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTT của lực lượng Công an cơ sở hiện nay.