Sáng tạo trong triển khai thi hành Luật Căn cước
Công an quận Hà Đông là một trong những đơn vị thuộc nhóm đầu của Công an TP Hà Nội có tốc độ thu nhận hồ sơ đề nghị cấp căn cước cao nhất. Cán bộ, chiến sĩ Công an quận Hà Đông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm “hết người chứ không hết giờ” đồng thời linh hoạt, sáng tạo “kéo” được sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ cơ sở ở địa phương trong quá trình triển khai cấp căn cước cho người dân.
Chỉ hơn 1 phút đồng hồ đã hoàn thành thủ tục cấp căn cước
Sáng 16/8, có mặt tại Công an phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, chúng tôi ghi nhận được không khí làm việc hết sức khẩn trương của các cán bộ, chiến sĩ. Trực tiếp thực hiện thủ tục cấp căn cước cho các cháu từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi theo yêu cầu, Đại úy Phạm Đức Thọ, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Hà Đông tăng cường cho Công an phường Kiến Hưng cho biết, quy trình cấp căn cước cho người từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi chỉ kéo dài hơn 1 phút đồng hồ.
Sau khi tiếp nhận thông tin của các cháu, cán bộ làm thủ tục sẽ khai thác dữ liệu có sẵn trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời tiến hành thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt, vân tay, đặc điểm nhân dạng và chụp ảnh cho các cháu. Công đoạn cuối cùng là phụ huynh các cháu kiểm tra lại thông tin và ký xác nhận vào đề nghị cấp căn cước cho con mình.
Vào thời gian đầu triển khai thi hành Luật Căn cước, trung bình mỗi ngày, Công an phường Kiến Hưng cấp căn cước cho từ 1.000 đến 1.200 trường hợp trong độ tuổi từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Công an phường giải quyết thủ tục đề nghị cấp căn cước cho khoảng 700 đến 800 đối tượng này mỗi ngày. Cầm trên tay tờ phiếu với đầy đủ các thông tin của con trai mình là cháu Ngô Việt Hoàn, 13 tuổi, trú tại tổ 25 phường Kiến Hưng, anh Ngô Văn Hưng chia sẻ: “Tôi đưa cháu đi làm căn cước, thủ tục rất nhanh gọn, lại được sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ Công an”.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Lợi, Phó trưởng Công an phường Kiến Hưng, từ ngày 1/7, triển khai thực hiện Luật Căn cước, Công an phường đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường tổ chức cấp căn cước theo các quy định mới của Luật Căn cước. UBND phường Kiến Hưng đã chỉ đạo các tổ Đề án 06 tại các tổ dân phố phối hợp với lực lượng Cảnh sát khu vực mời công dân trong diện cấp đến Công an phường để thực hiện các thủ tục cấp căn cước. Đoàn Thanh niên phường cũng phối hợp với Công an phường tổ chức đón tiếp, tiếp nhận hồ sơ phục vụ việc cấp căn cước. Trong những ngày nắng nóng, Công an phường bố trí các phòng có điều hòa để các cháu trong diện cấp căn cước ngồi trong lúc chờ đến lượt.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Lợi, trước khi Luật Căn cước có hiệu lực thi hành, Công an phường Kiến Hưng đã tổ chức khảo sát số công dân trong độ tuổi dưới 14 tuổi trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới tận các tổ dân phố, các trường học về thủ tục đề nghị cấp cũng như những lợi ích mà việc sử dụng thẻ căn cước đối với người dưới 14 tuổi.
Đối với độ tuổi từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, phụ huynh đưa các cháu trực tiếp đến Công an phường để làm các thủ tục. Còn đối với độ tuổi từ 0 đến dưới 6 tuổi, thủ tục cấp căn cước được thực hiện trên cổng dịch vụ công. Chính vì vậy, trước khi triển khai cấp căn cước cho người từ 0 đến dưới 6 tuổi, Công an phường đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên, sinh viên thuộc Học viện An ninh hỗ trợ cho Công an phường xuống tận 26 tổ dân phố trên địa bàn phường hướng dẫn phụ huynh các cháu làm trực tuyến trên cổng dịch vụ công.
Công an phường cũng bố trí 1 phòng tại trụ sở đơn vị có cán bộ, chiến sĩ trực tiếp hỗ trợ người dân các thao tác trên cổng dịch vụ công khi có nhu cầu. Kết quả, đến nay, Công an phường đã cấp hơn 5.000 thẻ căn cước cho đối tượng từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, hơn 3.000 thẻ căn cước cho đối tượng từ 0 đến dưới 6 tuổi.
“Hết người chứ không hết giờ”
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, ngay khi Công an TP Hà Nội phát động cao điểm triển khai Luật Căn cước, Ban chỉ huy Công an quận đã chỉ đạo Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội triển khai kế hoạch, tập trung thực hiện với quan điểm phải có phương pháp sáng tạo, chú trọng những sáng kiến, cách làm mới để có thể đẩy nhanh tiến độ thu nhận hồ sơ nhanh nhất, đầy đủ và chính xác nhất. Với tinh thần ấy, nhờ áp dụng các sáng kiến và “kéo” được sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ cơ sở, các ngành, đoàn thể ở địa phương trong điều tra, cơ bản, tuyên truyền, vận động người dân nên công tác triển khai thi hành Luật Căn cước đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Từ ngày 1/7 đến nay, có những ngày cao điểm, mỗi “day” máy thu nhận được 1.300 hồ sơ, tương đương như thời điểm thực hiện cao điểm cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip thuộc “chiến dịch” cấp 50 triệu thẻ CCCD gắn chip năm 2021. Để phục vụ số lượng người cấp căn cước, hầu hết các đơn vị đều tổ chức tiếp nhận hồ sơ từ 6h30 sáng cho đến khoảng 23h cùng ngày, chia làm 3 ca để phục vụ người dân với chủ trương “hết người chứ không hết giờ”.
Song song với việc tiếp nhận hồ sơ trực tiếp đối với các trường hợp công dân từ 6-14 tuổi, tại các phường, lực lượng Cảnh sát khu vực tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nộp hồ sơ cấp thẻ Căn cước cho nhóm đối tượng từ 0-6 tuổi qua cổng dịch vụ công. Trung tá Nguyễn Thị Hồng Yến, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Hà Đông cho biết, nhờ sự linh hoạt, đồng bộ này mà trung bình mỗi ngày đơn vị thu nhận được khoảng 7.000 hồ sơ cấp thẻ căn cước. Đơn vị đã chỉ đạo Công an các phường phối hợp, “đặt lịch” cụ thể với Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tận dụng các địa điểm có điều kiện cơ sở vật chất tốt để nhân dân khi đến làm hồ sơ có nơi chờ đợi thoải mái nhất.
Từ ngày 1/7 - khi Luật Căn cước có hiệu lực đến nay, toàn TP Hà Nội đã thu nhận 583.774 hồ sơ cấp căn cước, trong đó có 202.948 hồ sơ dưới 6 tuổi; 264.370 hồ sơ từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi; 116.456 hồ sơ từ đủ 14 tuổi trở lên. Toàn TP Hà Nội cũng đã thu nhận 6.345.172 tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2 (đạt 106,0%); kích hoạt 5.559.676 tài khoản định danh mức 1 và mức 2 (đạt 92,9%) trong đó 3 quận gồm Tây Hồ, Hà Đông và Nam Từ Liêm đạt tỷ lệ kích hoạt trên 100%.