Sáng tạo trong thu hồi súng, vũ khí nguy hiểm
Qua 2 năm thực hiện mô hình “Đổi quà lấy súng và công cụ nguy hiểm”, Công an huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá đã thu hồi được gần 600 khẩu súng tự chế các loại cùng nhiều vũ khí nguy hiểm khác. Hiện mô hình đã và đang được Công an các xã trên địa bàn tiếp tục phát huy, nhân rộng, góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo ANTT địa bàn.
Đối với nhiều người dân ở khu vực miền núi, khẩu súng kíp tự chế được xem là tài sản quan trọng trong các gia đình. Ngoài việc dùng để săn bắn, xua đuổi thú dữ bảo vệ mùa màng, khẩu súng còn có ý nghĩa sâu sắc về văn hoá tâm linh đối với người dân đồng bào vùng cao. Do vậy, nhiều gia đình ở miền núi có những khẩu súng kíp được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được xem là “báu vật” riêng, họ không giao cho người khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù là súng tự chế nhưng súng kíp có tính năng tác dụng mạnh, tính sát thương cao, có thể dẫn đến tai nạn chết người. Vì vậy, việc tàng trữ, sử dụng súng kíp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phức tạp tình hình ANTT, cần được thu hồi tiêu huỷ.
Xuất phát từ việc nắm tình hình địa bàn, từ năm 2022 đến nay, Công an thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hoá đã có cách làm sáng tạo bằng việc xây dựng và phát huy mô hình “Đổi quà lấy súng và công cụ nguy hiểm” và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, sau khi được Công an thị trấn tuyên truyền, người dân sẽ tự giác mang vũ khí đến cơ quan Công an giao nộp, đồng thời người giao nộp vũ khí sẽ được các chiến sĩ Công an tặng một phần quà thiết thực theo ý thích, như: Mũ bảo hiểm xe máy, ấm đun nước, nước mắm, dầu ăn…
Ông Cao Minh Hưng (55 tuổi), ở thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hoá cho hay: Khi được lực lượng Công an tuyên truyền, phân tích về những nguy cơ tiềm ẩn của súng kíp, ông đã nhận thức được việc tàng trữ súng cũng như việc săn bắn động vật hoang dã là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, ông đã quyết định mang khẩu súng duy nhất của gia đình đến giao nộp cho cơ quan Công an. “Khi giao nộp vũ khí cho Công an, được đổi lấy quà là những vật dụng sinh hoạt rất có ý nghĩa với bà con chúng tôi. Bà con trong bản tôi, nhà nào còn tàng trữ vũ khí cũng đều sẵn sàng mang giao nộp và đổi quà, vừa hạn chế được tai nạn rủi ro khi tàng trữ vũ khí lại vừa được đổi quà nên chúng tôi vui lắm”, ông Hưng chia sẻ.
Được sự vận động, tuyên truyền của lực lượng Công an, bà Phạm Thị Ngáy (80 tuổi), ở thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hoá đã mang chiếc nỏ gắn bó với bà từ khi còn niên thiếu đến nộp cho Công an thị trấn Hồi Xuân. Sau khi nộp vũ khí, bà Ngáy được Công an thị trấn Hồi Xuân tặng phần quà là nước mắm và dầu ăn khiến bà vui mừng, phấn khởi.
Đại uý Phạm Văn Hào - Trưởng Công an thị trấn Hồi Xuân, cho biết: Sau khi sáp nhập xã Hồi Xuân về thị trấn, người dân ở các bản xa trung tâm vẫn còn rất khó khăn. Do vậy, khi vận động người dân giao nộp súng, Công an thị trấn Hồi Xuân đã xây dựng mô hình “đổi quà lấy súng và công cụ nguy hiểm” nhằm hỗ trợ thêm phần nào cho bà con đồng bào. Tất cả những phần quà nói trên là do lực lượng Công an thị trấn kêu gọi các đơn vị, nhà hảo tâm cùng tham gia xã hội hoá... Đây là cách làm rất sáng tạo được cấp ủy, chính quyền và đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.
Thượng tá Cao Ngọc Sơn - Phó Trưởng Công an huyện Quan Hoá, khẳng định: Công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có vai trò quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Thời gian qua, cùng với việc tích cực triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Công an huyện Quan Hoá còn phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Mô hình “Đổi quà lấy súng và công cụ nguy hiểm” do Công an thị trấn Hồi Xuân triển khai, đây là cách làm hay, sáng tạo và có hiệu quả rõ nét. Đến nay đã có đến 8 đơn vị học tập mô hình này. Hiệu quả thu được qua 2 năm triển khai trên địa bàn toàn huyện, số lượng súng săn đã vận động, giao nộp đã tăng lên gần 600 khẩu, trước khi có chương trình thì hàng năm thu được từ 130 - 150 khẩu...